Những lời đề tặng và những chữ viết thêm

14/03/2008 00:00

Cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời năm 1960, để lại một số di vật trong đó gia đình chúng tôi đặc biệt trân trọng các trang bút tích. Ở bài viết này, tôi muốn nói tới bút tích của hai người mà do ngẫu nhiên đều có điểm chung: Được viết thêm một chữ ở đầu câu. Đó là tấm danh thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và lời đề tặng ở bức ký họa cha tôi của nhạc sỹ - họa sỹ Văn Cao.

      Cuối những năm 1950, cha tôi hay có dịp gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi thì nhân một hoạt động văn hóa, khi tại một hội nghị bàn về quy hoạch Thủ đô, khi thì do Thủ tướng mời anh em văn nghệ ăn bữa cơm thân mật... ấn tượng về vị Thủ tướng đáng kính đã được cha tôi ghi lại trong một trang nhật ký những năm cuối đời: “Sự gặp gỡ với Phạm Văn Đồng bao giờ cũng để lại một cảm tưởng tốt.ấy là một người rộng rãi, có tình và lão thực” (11.11.1959). Về phần mình, cha tôi đến với Thủ tướng cũng khá tự nhiên, trái với thói quen của ông thường là dè dặt trước các lãnh tụ. Đầu năm 1959, cha tôi có gửi Thủ tướng một tấm thiếp chúc Tết (hay một bức thư không rõ nữa). Nhận được phúc đáp của Thủ tướng, ông xúc động ghi trong nhật ký: “Thiếp của Phạm Văn Đồng. Tự tay viết và ký tên” (1.2.1959).

      Đó là tấm thiếp có in tên của Thủ tướng – Phạm Văn Đồng, và chức danh – Thủ tướng Chính phủ. Ở góc trên ghi tên người nhận: “Kg. A. Tưởng” và bên dưới là những dòng sau: Xin Cảm ơn lời chúc Tết của anh. Kính chúc anh khỏe mạnh và sáng tác tốt đẹp. Ký tên Phạm Văn Đồng. Lời chúc tuy ngắn nhưng hàm súc. Điều quan trọng là Thủ tướng đã tự tay viết và điều đó mới thật đáng trân trọng đối với cha tôi. Nhưng còn điều này nữa khiến cho tấm thiếp của Thủ tướng càng thêm ý vị (ít nhất thì đây cũng là cách lý giải của tôi). Chữ “Xin” mở đầu lời ghi trên tấm thiếp không phải được viết thụt vào theo lẽ thông thường, mà được viết ra ngoài lề, trước chữ “Cảm ơn”; chính chữ này mới được viết đúng vị trí và chính tả (viết hoa) đối với chữ mở đầu câu. Nghĩa là nó đã được viết sau khi tác giả xem lại lời văn và cảm thấy cần thêm chữ đó vào cho thêm lịch thiệp. Ba chữ “xin cảm ơn” rõ ràng thuận tai hơn, không những thế, nó thể hiện sự khiêm nhường và điều này càng chứng tỏ chất lịch lãm mà người đứng đầu Chính phủ – đâu phải vô cớ – luôn được các văn nghệ sỹ trân trọng.
      Bút tích thứ hai cũng có dạng tương tự về mặt hình thức, nghĩa là cũng được viết thêm một chữ vào đầu lời đề tặng. Tháng 8.1980, nhân kỷ niệm 35 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, báo Độc lập có đăng bài hồi ký của nhà văn Như Phong về nhóm Văn hóa cứu quốc những năm tháng hoạt động bí mật. Trong bài, tác giả có nhắc nhiều đến cha tôi, một thành viên tích cực của nhóm. Nhạc sỹ -họa sỹ Văn Cao khi được đặt vẽ minh họa cho bài báo, đã chọn vẽ ký họa cha tôi. Họa sỹ quyết định không vẽ theo ảnh mà sẽ vẽ theo trí nhớ của những lần gặp gỡ cha tôi. Đương nhiên, điều này đòi hỏi người họa sỹ cần phải dụng công hơn và, quan trọng hơn, phải rất cảm xúc nữa. Trước khi bắt đầu, bác Văn Cao đã thắp hương khấn cha tôi phù hộ cho bức vẽ thành công và ngồi vào bàn vẽ khi khói hương còn đương bốc. Ít ngày sau, bác Văn Cao đến tặng mẹ tôi tờ báo mới ra với lời đề tặng: “Thân Kính tặng chị Nguyễn Huy Tưởng và cháu Hiền – Văn Cao – 2.9.80”. (Chị Hiền là chị cả của tôi, bấy giờ đang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam và nhờ đó được nhiều các bác, các chú bạn với cha tôi biết đến.) Cũng giống trường hợp tấm thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chữ “Thân” ở đây được viết thêm sau khi tác giả đã viết chữ mở đầu “Kính tặng”. Với tất cả những gì tôi biết về nhạc sỹ Văn Cao, bác đặc biệt quý trọng cha tôi và đương nhiên, cả mẹ tôi nữa. Nếu bác có dùng chữ “kính tặng” trong lời đề tặng mẹ tôi, âu cũng là chuyện bình thường, theo như thông lệ. Nhưng ở đây, như tôi có thể hình dung, viết xong, đọc lại, tác giả có lẽ băn khoăn liệu như thế có gì khách khí chăng. Và bác đã thêm một chữ “Thân” vào phía trước, sát mép trang báo.
      Bức ký họa bác Văn Cao vẽ cha tôi sau đó được dùng làm ảnh bìa cuốn Với Nguyễn Huy Tưởng, tập hợp các bức ảnh, thư từ, ký họa của các văn nghệ sỹ, bạn bè, người thân gửi cha tôi, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1999. Đương nhiên, trong đó có ảnh chụp tấm thiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với những chữ viết tay như đã nói ở trên. Riêng bức ký họa của bác Văn Cao thì vì lý do kỹ thuật, đã không thể in cả lời đề tặng. Lời đề tặng ghi trên bức ký họa mà bác đã khấn cha tôi phù hộ cho và thực tế đã lột tả rất đạt thần thái của ông, chắc chắn sẽ được treo trang trọng tại phòng lưu niệm Nguyễn Huy Tưởng. Nếu như mai sau gia đình chúng tôi có lập được một gian phòng như thế...

Nguyễn Huy Thắng