Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là gạt bỏ những vấn đề khó (Kỳ 3)

11/03/2008 00:00

Ngoài nhiều ý kiến đề nghị mở rộng quy định về giới hạn tiếp thị, quảng cáo lên trên 10% như đã nêu, thì quy định về mức thuế suất 25%; doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% trên thu nhập chịu thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.

      >>Kỳ II: Quy định phải chịu thuế và được khấu trừ thuế còn làm khó DN

     >>Kỳ I:  Không dùng Nghị định và Thông tư để thay thế vai trò của Luật

      Kỳ III:   Băn khoăn về những “con số chết”
      Ngoài nhiều ý kiến đề nghị mở rộng quy định về giới hạn tiếp thị, quảng cáo lên trên 10% như đã nêu, thì quy định về mức thuế suất 25%; doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% trên thu nhập chịu thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
      Theo Điều 10 của Dự thảo Luật thuế TNDN, thuế TNDN được hạ từ 28% xuống 25%. Hầu hết các ý kiến cho rằng, việc hạ mức thuế là tất yếu. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định dài hơn của Luật, nhiều ý kiến còn đề xuất hạ tiếp thuế suất thuế TNDN xuống mức 20% hoặc 22% đồng thời hạn chế đến mức cao nhất những trường hợp ưu đãi, miễm giảm thuế TNDN. Luật gia Vũ Xuân Tiền lập luận: Xu hướng chung hiện nay ở các nước trên thế giới và khu vực là hạ thấp thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Ví dụ, Singapore đã hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Trung Quốc cũng đã quyết định giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 33% xuống còn 25%... Với xu hướng đó, nếu giữ mức thuế suất 25% như trong dự thảo luật thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ lại phải điều chỉnh, và như vậy, tính ổn định của chính sách thuế lại bị phá vỡ. Thêm nữa, hạ thấp thuế suất là một trong những biện pháp quan trọng làm suy yếu động cơ trốn thuế, gian lận thuế của các doanh nghiệp. Trong những năm tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp thành lập và hoạt động. Vì vậy, nguồn thu sẽ không bị giảm mà có thể tăng lên. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, chính sách ưu đãi về thuế TNDN của nước ta được coi là “phức tạp nhất thế giới”. Nguyên nhân là vì luật có quá nhiều mục tiêu, trong đó, có không ít mục tiêu thuộc phạm vi xã hội lẽ ra phải giải quyết bằng các công cụ khác. Vì vậy, hạn chế đến mức thấp nhất những chính sách ưu đãi qua thuế TNDN là cần thiết. Một chuyên gia khác cũng cho rằng, việc hạ thuế suất thuế TNDN sẽ có tác dụng khuyến khích các cá nhân và hộ gia đình đang kinh doanh và nộp thuế thu nhập cá nhân chuyển sang thành lập doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để được áp dụng mức thuế suất của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp - nếu họ thấy rằng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi hơn so với nộp thuế thu nhập cá nhân. Theo Ts Nguyễn Thị Lan Hương- Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội, việc đánh đồng mức thuế suất đối với tất cả các doanh nghiệp ở mức 25% sẽ không khuyến khích được các tổ chức kinh doanh quy mô nhỏ. Bởi vậy, cần đưa ra quy định thuế suất ưu đãi có thời hạn theo quy mô kinh doanh. Luật gia Cao Bá Khoát- Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự và lại có cách lý giải khác. Theo ông, lý do nên giảm mức thuế suất vì hiện nay chúng ta đã ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Mức thuế 25% cộng với mức thuế thu nhập cá nhân là quá cao.
      Một vấn đề cũng được dư luận quan tâm là nếu hạ mức thuế suất thuế TNDN thì nguồn thu cho ngân sách Nhà nước có bị giảm? Theo xu hướng phát triển, các doanh nghiệp thuộc một chủ sở hữu vốn có chiều hướng giảm, doanh nghiệp có đa chủ sở hữu vốn sẽ ngày càng tăng, trong đó có sự bùng nổ của công ty cổ phần, các hình thức góp vốn liên doanh liên kết ... vì vậy, các khoản lợi tức từ cổ phần, lợi tức thu được từ các hình thức góp vốn của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Khó có thể khẳng định là nguồn thu cho ngân sách sẽ bị ảnh hưởng do giảm thuế TNDN. 
      Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ 1.1.2009 cũng đã quy định thu thuế từ cổ tức của cá nhân với mức thuế suất 5%. Để phù hợp và đồng bộ với Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như trong điều tiết thu nhập, dự thảo nên bổ sung mức thu thuế thu nhập đối với cổ tức với thuế suất như thuế thu nhập cá nhân là 5% (các nước ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam thường thu thuế cổ tức với thuế suất từ 10 - 15% thậm chí có nước tới 20 - 25%).
      Theo Điều 18 của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Doanh nghiệp được phép trích tối đa 10% trên thu nhập chịu thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và miễn thuế đối vối phần trích lập Quỹ này. Đây là một quy định được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Điều này nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong việc phát triển khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp cho rằng con số này còn quá thấp cần được nâng cao hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu về phát triển khoa học công nghệ. Mặt khác, có một điều cần lưu ý là: Các khoản chi phí cho phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh đã được hạch toán vào chi phí và được trừ khi tính thuế. Vì vậy, Luật cần quy định rõ để không trùng lặp. Mặt khác, việc trích quỹ, mức trích và sử dụng cần được quy định cụ thể, tránh tình trạng trích lập quỹ nhưng không sử dụng để chiếm dụng vốn. Do đó, Luật cần quy định doanh nghiệp chỉ được trích khi có dự án, công trình nghiên cứu, tỷ lệ trích tương ứng với yêu cầu chi nhưng không vượt quá 10%; Trích nhưng không sử dụng, hoặc không sử dụng hết phải hoán nộp NSNN. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng sai mục đích sẽ bị thu hồi và bị phạt như các vi phạm trong kê khai thuế... Có như thế, quỹ mới được sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả và bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
      Cùng với những ý kiến trên, nhóm Luật gia Trần Quang Minh, Đỗ Hiền Trang cũng lưu ý: Việc yêu cầu doanh nghiệp sử dụng hết tối thiểu 70% phần trích lập quỹ thì mới được miễn thuế đối với phần trích lập là không hợp lý, vì việc sử dụng nguồn quỹ của doanh nghiệp trong thực tế phải căn cứ vào tính hiệu quả của những nội dung phát triển khoa học và công nghệ cũng như những yêu cầu, biến động của thực tiễn. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều hơn hoặc ít hơn 70% phần trích lập quỹ. Nếu quy định như dự thảo là áp đặt cho các doanh nghiệp một loại chỉ tiêu mang tính hành chính trong việc việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Mặt khác, đối với hành vi sử dụng không đúng mục đích quỹ này, Nhà nước cũng chỉ nên đánh thuế đối với phần quỹ được sử dụng không đúng mục đích kết hợp với một khoản tiền phạt, không nên đánh thuế đối với phần trích lập khác đã được sử dụng đúng mục đích.

VÂN HÀ