Những kẻ khờ dại mới tin vào may mắn
Dù sắp dời khỏi cương vị người đứng đầu nước Nga, Tổng thống Putin vẫn được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Mới đây, Tổng biên tập tạp chí Time John Huey, chủ bút Richard Stengel, phó chủ bút Adi Ignatius và đặc phái viên của tờ báo này tại Moscow Yuri Zarakhovich đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin tại trang trại của ông. Dưới đây là trích đoạn cuộc phỏng vấn:

- Ông thấy quan hệ giữa Nga và Mỹ tiến triển như thế nào?
Nga và Mỹ là 2 đồng minh trong Thế chiến thứ I và Thế chiến II, điều đó cho phép hai nước nghĩ rằng có một cái gì đó có tính khách quan mang chúng tôi đến với nhau trong những thời điểm khó khăn. Ngày nay, để thành công, cần phải đạt được thỏa thuận. Khả năng dàn xếp không phải là phép lịch sự ngoại giao mà đúng hơn là xét đến và tôn trọng các lợi ích hợp pháp của đối tác của anh.
- Ông có thể cho một ví dụ?
Vấn đề hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên, chúng tôi xử lý rất nghiêm túc. Chúng tôi nghĩ về lợi ích của quốc gia, lợi ích của các bên. Những lợi ích này có thể không đi đôi với nhau. Nhưng sau cùng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề này ở mức độ rộng lớn.
- Ở Iraq, điều gì đã được thực hiện?
Ngay từ đầu, tôi đã xem đó là một sai lầm. Về những gì chúng tôi làm hôm nay và trong tương lai gần, tôi nhất trí với Tổng thống Bush rằng mọi thứ phải được thực hiện sao cho chính quyền Iraq có thể tự mình xử lý các vấn đề an ninh. Cái mà chúng tôi còn dị biệt là nước Mỹ tin rằng không thể áp đặt các khung thời gian cho việc rút quân. Quan điểm của tôi là điều đó sẽ khiến chính quyền Iraq nôn nóng hơn.
- Người Mỹ tự hỏi tại sao các cuộc bầu cử gần đây ở Nga đã không thể công khai hơn và tại sao ví dụ như Garry Kasparov lại bị bắt giam?
Tại sao Ngài (Mr.) Kasparov, khi bị bắt, thốt ra tiếng Anh thay vì tiếng Nga? Khi một chính trị gia kích động đám đông các quốc gia khác thay vì nước Nga, nó nói cho bạn một điều gì đó.
- Ông nghĩ nước Mỹ muốn nhìn thấy một nước Nga mạnh hay một nước Nga yếu?
Tôi tin nước Mỹ đã hiểu rằng chỉ có một nước Nga mạnh mẽ mới có thể đáp ứng những lợi ích đích thực của nước Mỹ.
- Mục đích của NATO ngày nay là gì? Nếu được mời gia nhập NATO, nước Nga sẽ đồng ý?
Tôi không gọi NATO là một xác chết thối tha của chiến tranh lạnh, nhưng nó là cái gì còn sót lại của quá khứ. Làm thế nào NATO có thể đấu tranh chống khủng bố một cách hiệu quả? Khi xảy ra sự kiện 11.9, NATO ở đâu? Nước Nga không có ý định gia nhập vào các khối quân sự-chính trị vì điều đó sẽ chẳng khác gì hạn chế chủ quyền của mình.
- Một trong những quan niệm mà người Mỹ có về nước Nga là tham nhũng là đặc hữu ở đây? Ông xử lý vấn đề này như thế nào?
Không tốt lắm. Tôi phải nói rằng trong một nền kinh tế chuyển đổi, thật khó để đối phó với những vấn đề như thế. Nhưng tôi hoàn toàn tin chắc rằng trong tương lai gần chúng tôi sẽ ngăn chặn những tệ nạn này hiệu quả hơn.
-Tính trung thực giữ vai trò gì trong sự lãnh đạo của ông?
Đầu tiên và trên hết, chúng ta phải bị chi phối bởi lương tri (common sense). Nhưng lương tri phải dựa trên các nguyên tắc luân lý trước nhất. Và ngày nay không thể có luân lý tách rời với các giá trị tôn giáo.
- Một người của tổ chức KGB lâu năm được đề bạt ở Liên Xô trở thành một người tin vào thị trường tự do như thế nào?
Người ta không cần phải là một trí thức đặc biệt thông minh để thấy một điều hiển nhiên, rằng kinh tế thị trường có lợi thế to lớn so với hệ thống hành chính. Chúng tôi có tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% năm trong 7, 8 năm qua. Chúng tôi đã trả hết nợ. Tăng trưởng thu nhập thực tế cho dân chúng và cho tôi vào khoảng 12%, đó là thành quả chính.
- Ông hẳn cảm thấy may mắn là giá dầu không quá cao?
Những kẻ khờ dại mới tin vào may mắn. Chúng tôi làm việc ngày đêm!
- Chính quyền đã bắt giam một số nhà kỹ trị Nga và phong tỏa tài sản của họ. Tại sao?
Thế này, “Chớ lấy của người” (Điều răn thứ 7 trong 10 điều răn của Chúa Trời). Họ không gặp khó khăn gì với tôi cả. Họ gặp khó khăn với người dân trong nước và với luật pháp.
- Chương trình đào tạo ở KGB có giúp ông trở thành Tổng thống không? Một câu tục ngữ cổ nói “Một lần làm gián điệp, luôn luôn làm gián điệp”.
Đó là những lời dối trá. Một cách tự nhiên, phần nào nền tảng đào luyện đó có thể có ích. Họ dạy tôi suy nghĩ độc lập, thu thập thông tin khách quan, đầu tiên và trên hết. Điều thứ hai, từ công việc tình báo, là học được kỹ năng làm việc với mọi người. Và quan trọng hơn hết thảy là tôn trọng những người mà anh đang đối phó.
- Ở nước Nga, một số nhà báo đã bị sát hại. Có chăng một lối giết người thường xuyên như vậy? Ông và chính quyền có thể làm gì để ngăn chặn nó?
Thứ nhất, nhiều người, trong đó có các nhà báo, bị quyến rũ kiếm thêm ít tiền chỗ này chỗ kia, điều đó có nghĩa là họ dính dáng đến các nhà đầu tư, đôi khi với các doanh nhân phạm pháp. Rồi có những người đấu tranh thực sự chống lại tham nhũng, chống lại các yếu tố phạm pháp. Ở đâu xảy ra những mất mát như thế, tôi đều đích thân xem xét.
- Theo ông, những nhận thức sai của Mỹ về nước Nga là gì?
Thế này, các bạn biết đấy, tôi không tin đó là những nhận thức sai. Tôi nghĩ đây là một nỗ lực cố ý bởi một số người muốn tạo ra hình ảnh nước Nga mà dựa trên đó người ta có thể gây ảnh hưởng đến các chính sách đối nội và đối ngoại của chúng tôi. Đó là lý do tại sao mọi người đi đến chỗ tin rằng, chẳng hạn như, cứ cấu véo người Nga cách này cách khác đi, chẳng sao cả. Họ vẫn còn chút ít hoang dã, hay họ vừa tụt xuống khỏi những cái cây và có thể họ cần phải chải tóc và tỉa râu.
- Ông có thể kể cho chúng tôi thêm về Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev?
Họ đẩy tới sự hủy hoại một hệ thống đã không còn nâng đỡ nhân dân Liên Xô được nữa. Tôi không chắc tôi có thể có đủ can đảm tự mình làm việc đó không. Đây là một thay đổi rất quan trọng, đem lại cho nước Nga sự tự do của nó.
- Xin ông cho biết về những xung đột mà ông đã phải giải quyết với các nước cộng hòa Liên Xô trước đây về giá dầu?
Những xung đột nào? Có các mức giá của thế giới về khí đốt. Tại sao chúng tôi phải bán cho ai đó dưới giá thị trường thế giới? Người Mỹ có làm vậy không? Xin mời bạn đến một cửa hàng ở Mỹ và hỏi, “Này, tôi từ Canada tới. Người Canada chúng tôi là những láng giềng gần gũi. Để cho tôi chiếc Chrysler đó với giá phân nửa nhé?”. Bạn sẽ nghe người bán hàng nói gì? “Cút đi!”.
- Tổng thống George W. Bush nói ông ta nhìn sâu vào mắt ông và có được một cảm thức về tâm hồn ông. Ông có một cảm thức về tâm hồn ông ta không?
Tôi coi ông ta là một đối tác rất tin cậy. Vâng, Iraq là một sai lầm, nhưng ông ta là một người thẳng thắn và trung thực.
- Ông có nghĩ nước Mỹ và nước Nga đã bỏ qua một cơ hội sau vụ 11.9 để cộng tác chặt chẽ hơn trên mặt trận chống khủng bố vì vấn đề Iraq?
Chúng ta có thể đã hành động có tính phối hợp hơn và do đó hiệu quả hơn. Đó là sự thực. Nhưng sự hợp tác giữa các lực lượng mật vụ của chúng tôi đang diễn ra và đang đạt được những kết quả.
- Ông có thể nói rõ sự hợp tác này được không? Có những cấu trúc định chế tồn tại giữa tình báo Mỹ và Nga trong lĩnh vực chống khủng bố không?
Vâng, có thể gọi là các kênh cộng tác. Và gần đây công việc khá thành công, bao gồm sự hợp tác để ngăn chặn các hành vi khủng bố chống các công dân Liên bang Nga và Mỹ. Tôi mới thảo luận việc này với Tổng thống Bush qua điện thoại.
- Ở trên ông có dùng cụm từ “Chớ lấy của người”. Ông có đọc Kinh thánh?
Vâng, tôi có đọc. Và cuốn Kinh thánh đó ở trên máy bay của tôi.
- Ông có dùng e-mail? Ông có blog?
Ôi trời, thật đáng xấu hổ. Tôi không sử dụng những công nghệ này. Tôi thậm chí không dùng cả điện thoại. Nhân viên của tôi làm việc đó cho tôi. Nhưng họ làm việc đó rất cừ.
MAI SƠN dịch (Theo Time)