Chất dân gian trong lễ hội đang bị mai một
Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá truyền thống không thể thiếu trong đời sống người Việt. Lễ hội thường gắn với đình, chùa, miếu mạo, gắn với một nhân vật được lịch sử hoặc nhân vật dân gian người dân tôn vinh. Đến với lễ hội, cùng với việc cầu tài, cầu lộc, mọi người còn có thể hiểu biết thêm về xuất xứ, lịch sử của một vùng đất, của các nhân vật được thờ phụng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến rằng, các lễ hội hiện nay, phần lễ mặc dù đã cách tân, giảm bớt những thủ tục rườm rà nhưng vẫn vẫn còn lưu giữ được những cái cốt lõi, còn phần hội đang dần phai nhạt, đặc biệt là dường như chất dân gian trong lễ hội đang bị mai một dần.

Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng đó. Trước hết là do khâu tổ chức hình như những người có trách nhiệm thiếu sự quan tâm, thiếu sự sáng tạo và kinh phí eo hẹp...Thực tế thấy rằng, mỗi lễ hội thường chỉ có vài ba trò chơi quen thuộc và khá đơn giản. Ví dụ ở lễ hội Đền Gióng thường có đánh đu, thi bắn nỏ, múa rối nước..., bắt vịt, đập niêu đất...Ông Nguyễn Lâm ở Thôn Mứt, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội cho biết: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, đã chứng kiến qua nhiều lễ hội, càng những năm gần đây các trò chơi dân gian dường như càng ít đi và nhiều trò chơi độc đáo đang có nguy cơ bị mai một như: trò ném cổ vịt, chạy vòng quanh lễ hội, đặc biệt là trò vừa chạy vừa nấu cơm... Theo ông Lâm, đó là những trò chơi dân gian thu hút được sự chú ý của nhiều người, tạo tâm lý háo hức, không khí rộn rã ngày hội...Lễ hội bây giờ thiếu đi các trò chơi dân gian, thiếu cái không khí náo nhiệt, thay vào đó là tiếng loa của trò chơi có thưởng ồn ào, ngôn từ thiếu chất văn hoá, hàng quán bày la liệt, từ đường vào cho đến tận gần trung tâm. Ngay tại hội Đền Gióng, hội Đền Sóc năm nay cũng vậy; hàng quán bày bán khắp nơi, lên tận đền chính. Điều này khiến cho không gian lễ hội giảm phần nào tính trang nghiêm, ảnh hưởng đến việc vui chơi của du khách. Ví dụ ở Đền Sóc khi đến đoạn rước giò hoa tre xuống đền Thượng, những người rước phải tránh người đi hội cướp giò hoa tre (theo phong tục ai cướp được giò hoa sẽ gặp nhiều may mắn), đây là trò vui và độc đáo nhất của lễ hội Đền Sóc thì những người tham gia cũng khó có thể dễ dàng chơi được khi chạy chỗ nào cũng bắt gặp hàng quán...Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian thường bố trí rải rác, khách thập phương, lần đầu đến lễ hội khó có thể xác định được vị trí, quang cảnh của lễ hội, trong khi bản chất của lễ hội thì ngoài vấn đề tâm linh còn là sự tái hiện lại không gian văn hoá dân gian. Cùng với khâu tổ chức còn hạn chế, thì sự thờ ơ của du khách đối với các trò chơi dân gian cũng làm cho phần hội của một lễ hội kém náo nhiệt...

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu di tích Đền Sóc Sơn, thì cần phải xã hội hoá lễ hội tức là với mỗi người dân cần có ý thức hơn trong việc bảo tồn, phát huy những trò chơi dân gian, bởi chính mỗi con người trong từng thôn làng là một chủ thể quyết định sự sống còn của từng trò chơi. Bên cạnh đó cần có quy hoạch cụ thể đối với mỗi khu di tích, phân khu rõ ràng cho từng trò chơi để tạo không gian thoáng, hợp lý để người chơi có thể tham gia một cách thoải mái... Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nếp sống, Sở VH-TT Hà Nội cho biết thêm: Sở sẽ quy hoạch lại các khu di tích và hiện đã có dự án quy hoạch đối với khu di tích Đền Gióng, dự tính sẽ hoàn thiện trong 2009-2010. Mục đích của dự án này là giúp cho khu di tích trở thành trung tâm du lịch thu hút đông đảo du khách, đồng thời nâng cao vị thế của hội Gióng. Và đây cũng là một trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.
Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, và của chính người dân, các lễ hội của Việt Nam sẽ ngày thêm sống động, bản sắc văn hoá dân gian trong các lễ hội được bảo tồn và phát huy.
Đinh Thị Loan