Vũ điệu dân gian Indonesia
Indonesia là một trong những quốc gia có nền văn hóa cổ truyền phong phú, đa dạng nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, những vũ điệu dân gian Indonesia ẩn chứa sự “thôi miên” kỳ diệu, có sức lay động lớn.


Có thể nói người dân của đất nước Vạn Đảo là những người vui tính, yêu đời và rất thích ca hát. Trong kho tàng văn hóa cổ truyền Indonesia có nhiều vũ điệu dân gian nổi tiếng gắn bó thiết thực với đời sống văn hóa của người dân. Âm nhạc và những điệu nhảy truyền thống không chỉ góp mặt trong những dịp lễ hội, mà ngay cả trong đời sống thường nhật. Dàn nhạc gõ Gamelan là hình thức âm nhạc quan trọng và lâu đời nhất Indonesia, ra đời cách đây 1.500 năm. Gamelan có âm điệu du dương, pha trộn giữa dòng nhạc jazz với tiếng nước chảy róc rách, nhẹ nhàng. Trải qua năm tháng, mặc dù các giai điệu không được ghi chép lại nhưng những kỹ năng biểu diễn Gamelan vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác mà không hề bị mai một. Nhạc Gamelan chủ yếu được trình diễn cùng với các điệu múa dân tộc trong các lễ hội Hoàng cung và lễ hội tôn giáo. Người dân Indonesia, không ai không biết dàn nhạc Gamelan. Ngay từ khi còn nhỏ các cô bé, cậu bé đã được làm quen với dàn nhạc. Một dàn nhạc Gamelan đầy đủ gồm: Đàn gỗ, trống, cồng chiêng, đàn dây và sáo. Tuỳ vào mức độ trang trọng mà một dàn nhạc Gamelan có thể có từ 5- 80 nhạc cụ. Không giống phần lớn các loại nhạc cụ phương Tây, Gamelan có 2 cách chỉnh âm độc đáo nên mỗi bộ nhạc cụ lại có một âm thanh đặc biệt tuỳ theo ý đồ của người chế tạo.


Trong đời sống hiện đại ngày nay, dàn nhạc Gamelan vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống và cây đàn Angklung một nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc Gamelan, được chơi trong các giờ học nhạc tại các trường học ở Thủ đô Jakarta song song với Đô, Rê, Mi, được các em học sinh đón nhận hào hứng. Các em cũng ý thức rằng được học và tìm hiểu âm nhạc dân gian cùng các vũ điệu truyền thống là một hình thức để bảo tồn di sản của tổ tiên. Chính từ đây, nhiều tài năng trẻ được phát hiện và bồi dưỡng đã trở thành những người kế tục xứng đáng.
Vũ điệu truyền thống Indonesia đều có động tác duyên dáng, tao nhã, bay bổng, thể hiện một bản tính vững vàng của những tâm hồn cháy bỏng yêu thương, gắn bó thiết tha với lao động, với quê hương. Người Indonesia có thể trình diễn các vũ điệu bất cứ lúc nào. Ở Sumba vào mùa gặt phụ nữ vừa đập lúa, vừa ôm gậy tre quẳng lên trời xanh, tay trong tay nhịp nhàng. Chỉ cần một khoảng đất rộng và một người diễn xướng là có thể thành nơi cho những cô gái trẻ hồn nhiên nóng bỏng trong vũ điệu Legong Keraton. Còn những chàng trai như những kẻ si tình vây quanh các cô gái và xoay mình, chao người như chim liệng. Mỗi động tác đều biểu lộ tình cảm tinh tế và sâu sắc, có sức mê hoặc, thu hút diệu kỳ.
Sự có mặt của âm nhạc trên mọi nẻo đường cuộc sống mang đến sự vui tươi, phấn khởi, gần gũi với thiên nhiên. Đó là kho tàng văn hóa cổ truyền lớn của người Indonesia và đến nay, kho tàng văn hóa độc đáo ấy vẫn được giữ gìn và phát huy.
An Mi