Việt Nam sau 1 năm gia nhập WTO: Không trơ lì nhưng chưa bắt kịp

01/01/2008 00:00

Một năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam đã tránh được sự trơ lì với quá trình hội nhập và tận dụng khá tốt những cơ hội do sự kiện này mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít thách thức trong dài hạn cần sớm giải quyết triệt để.

      Không trơ lì với hội nhập
      Năm 2007- năm đầu tiên Việt Nam thực hiện các cam kết mở cửa với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận với 21/23 chỉ tiêu KT- XH đạt và vượt kế hoạch. Chưa bao giờ môi trường đầu tư Việt Nam được đánh giá cao như năm 2007- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra. Và mặc dù vẫn còn một số hạn chế trong tiếp nhận đầu tư và thủ tục hành chính rườm rà, nhưng đánh giá một cách khách quan, Việt Nam đã thành công trong việc thu được những lợi ích quan trọng từ sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế. Những cải cách tích cực trong lĩnh vực lập pháp, sự đổi mới trong công tác điều hành của Chính phủ đã nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tất cả cho thấy, gia nhập WTO không còn là mối nguy thực sự của nền kinh tế như những cảnh báo trước đây. Theo đánh giá của Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ Trần Đình Thiên, quan trọng là Việt Nam có phản ứng tích cực và nền kinh tế tránh được điều đáng sợ nhất là sự trơ lì với quá trình hội nhập. 
      Cái nhìn thực tế 
      Nhìn nhận một cách thực tế về những kết quả KT- XH đã đạt được- Đó là khuyến cáo của nhiều ĐBQH tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII. 
      Sau 1 năm bước vào sân chơi WTO, sự hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp nước ta càng bộc lộ rõ, và ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh chung của cả nền kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài nỗ lực tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi ích từ kinh doanh dài hạn tại nước ta thì nhiều doanh nghiệp trong nước bị hút vào lĩnh vực kinh doanh nhiều biến động như bất động sản hay chứng khoán để chớp thời cơ ăn xổi. Phần lớn doanh nghiệp không có thương hiệu mạnh và không tập trung đúng mức vào vấn đề xây dựng thương hiệu. 
Một mối lo nữa là nghịch lý một nền kinh tế nghèo, khát vốn nhưng  thường xuyên xuất hiện cụm từ “bội thực vốn đầu tư”. Tỷ lệ nghịch với tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư nước ngoài đã giảm từ trên 90% vốn cam kết trong năm 2000 xuống còn 40% năm 2006 và tiếp tục xuống mức 28% trong năm 2007. Khả năng tận dụng các cơ hội bứt phá và chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế cũng vì thế mà giảm bớt.
      Tại những Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm nay, các doanh nghiệp, và các chuyên gia kinh tế tiếp tục nêu ra 3 tồn tại từ năm 2005 đến nay chưa được cải thiện mạnh mẽ là: Hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và cải cách môi trường pháp lý. Ngoài ra, theo Chủ tịch Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam Paul Fairhead, còn nhiều vấn đề khác đang nổi lên cùng với sự phát triển của Việt Nam như quản trị doanh nghiệp yếu kém, vấn đề thống kê và công khai thông tin, tiếp cận đất đai, sự thực hiện chậm hoặc chưa rõ ràng các cam kết WTO. 
      Tất cả những hạn chế trên đang phản ánh một thực tế, nền kinh tế thiếu năng lực đủ tầm có thể đáp ứng những đòi hỏi sự thay đổi nhanh và kịp thời những yêu cầu của nền kinh tế hội nhập.
      Chú trọng nhân tố nội lực 
      Năm 2008 là thời điểm Việt Nam thực hiện lộ trình mở cửa rộng hơn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo bảo đảm tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9%, kiểm soát mức tăng giá, bảo đảm tăng trưởng bền vững cho năm 2008. Thủ tướng nhấn mạnh là phải có bước tiến vượt bậc về đầu tư xây dựng cơ bản nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề, tạo cơ chế đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ đột phá nhằm tạo việc làm cho lao động đồng thời nâng cao hiệu quả nền kinh tế. 
      Các ĐBQH lưu ý Chính phủ chú ý đến những nhân tố nội lực, vì đầu tư từ các nguồn lực trong nước chiếm tới hơn 60%, tổng đầu tư toàn xã hội trong năm 2008. Chúng ta đã có những chính sách, trải thảm đỏ cho đầu tư nước ngoài thì cũng cần cụ thể hóa những chính sách thu hút đầu tư trong nước, định vị những lĩnh vực, ngành nghề cần thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc cần thu hút đầu tư trong nước. Ở tầm vĩ mô, phải xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc gia, cũng như có những biện pháp để hạn chế những rủi ro xảy ra đối với tình hình kinh tế đất nước. Những giải pháp trên nếu được thực hiện đồng bộ chắc chắn sẽ giúp nâng cao chỉ số môi trường kinh doanh quốc gia. 
      Nhìn lại một năm chính thức thực hiện các cam kết với WTO, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Có thể khẳng định, Việt Nam đang có những lựa chọn đúng đắn cho quá trình hội nhập. Việc tận dụng được những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại phụ thuộc một phần không nhỏ vào chính nỗ lực của QH - với vai trò là cơ quan lập pháp và sự điều hành thống nhất của Chính phủ. Trên diễn đàn QH, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, con đường đúng đắn nhất trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô là con đường chấp nhận sự hội nhập kinh tế thị trường.

Ngọc Tuấn