Kinh tế thế giới 2007: Tối và sáng
Đó là toàn cảnh bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2007. Mặc dù cũng phải chứng kiến những đợt cảm mạo do ảnh hưởng bởi giá dầu, đồng USD, khủng hoảng tài chính Mỹ… nhưng kinh tế thế giới chưa bao giờ chứng kiến những thành quả như hiện nay, đặc biệt là ở châu Á. Năm 2007 là bước chuyển mình ngoạn mục, hứa hẹn một tương lai sáng lạn trong năm 2008.

Không quá khi nói rằng nền kinh tế thế giới đã trải qua một thời kỳ hưng thịnh nhất trong 30 năm qua. Năm 2007, kinh tế thế giới đã đạt mức tăng trưởng đầy ấn tượng: Khoảng 5,2% như dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tuy có thấp hơn chút ít so với đà tăng trưởng kỷ lục trong năm 2006 do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế Mỹ. Đó là chưa kể những khó khăn bất ổn, như giá dầu tăng cao đến mức kỷ lục, gấp đôi trong năm 2007 và tăng 500% trong 5 năm qua, cũng như những hạn chế về tín dụng từ tháng 8 cản trở các hoạt động đầu tư và cho vay.
Thuyền trưởng mới năng động
Đáng mừng là kinh tế đã và đang tăng trưởng trên mọi lục địa. Theo ông J.Collan, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu của IMF, các thị trường mới nổi tại châu Á, khu vực Nam sa mạc Sahara và Mỹ Latin đều có mức tăng trưởng hơn 8%, trong đó, Trung Quốc là nước chủ yếu chèo lái nền kinh tế thế giới.
Kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong năm 2007 với tốc độ tăng trưởng hơn 11% trong gần suốt năm. Sự tăng trưởng này chủ yếu bắt nguồn từ kim ngạch xuất khẩu và đầu tư trong các tài sản cố định như xây nhà máy hoặc làm đường. Để có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã phải tăng cường nhập khẩu các mặt hàng như dầu, khí đốt, kim khí của các nước, khiến giá cả các mặt hàng này tăng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán của Trung Quốc cũng phát triển với chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Thượng Hải vào khoảng 18%. Tháng 10.2007, khi Petrol China, công ty sản xuất dầu khí lớn nhất của Trung Quốc vừa phát hành cổ phiếu đầu ra công chúng, huy động được gần 9 tỷ USD vốn - con số lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc do phát hành cổ phiếu. Trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 toàn cầu và là công xưởng của cả thế giới, Trung Quốc đang dần tiếp quản cây gậy chỉ huy của nền kinh tế thế giới từ Mỹ.
Sóng ngầm
Bức tranh kinh tế nhiều mảng sáng vẫn ẩn chứa những đợt sóng ngầm. Các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo nguy cơ “vỡ bong bóng” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giới chức nước này cũng đã phải nghĩ đến biện pháp tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Sức tăng trưởng quá nóng của Trung Quốc không phải luôn luôn là điềm mừng. Hồi tháng 11, lạm phát của Trung Quốc đã lên tới mức cao nhất trong 11 năm qua, giá tiêu dùng tăng gần 7% so với năm trước, xuất siêu trong 11 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 238 tỷ USD. Bắc Kinh cũng lo ngại lượng ngoại hối đổ vào ngày càng nhiều có thể làm kinh tế tiếp tục nóng lên, kéo lạm phát phi mã.
Theo các chuyên gia, tiền nóng do xuất siêu và những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc mang lại sẽ tạo thêm sức ép đối với nền kinh tế vì Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển, nên mức thu tăng nhanh như vậy có thể tạo ra hiện tượng nổ bong bóng, khủng hoảng và mất cân đối.
Tại bức tranh đối lập, nước Mỹ đang vật lộn với những áp lực từ cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng và thế chấp thứ cấp khiến nước Mỹ điêu đứng. Trước tiên, thị trường nhà cửa suy sụp, giá nhà hạ nhưng thị trường vẫn đóng băng; Lòng tin vào hệ thống cho vay tín dụng mua nhà thứ cấp giảm. Vấn đề là “bong bóng” của thị trường cho vay cầm cố này lại lồng trong “bong bóng” tín dụng. Vì vậy, khi “bong bóng” này nổ, nó đã ảnh hưởng đến tín dụng khiến tất cả hệ thống ngân hàng của Mỹ trở nên dè dặt khi cho vay. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tới các ngân hàng khác trên thế giới do mua phải những khoản nợ khó đòi. Và các ngân hàng tại Mỹ và nhiều nước khác đã buộc phải giảm lãi suất hoặc bơm thêm tiền để điều tiết nền kinh tế, tránh nguy cơ các ngân hàng không dám cho vay.
Chứng khoán khởi sắc
Đó là nhận xét về thị trường chứng khoán thế giới. 2007 là một năm tốt đẹp của thị trường chứng khoán thế giới và một lần nữa châu Á là nơi có mức tăng trưởng cao nhất.
Bất chấp những lo ngại về tốc độ tăng quá mạnh, cổ phiếu của Trung Quốc trong năm 2007 tăng khoảng 85% và Ấn Độ tăng khoảng 40%. Đã có lúc Trung Quốc nắm giữ một lượng vốn thu từ việc bán cổ phiếu lên tới hàng tỷ USD trong khi các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ tiền vào cổ phiếu ÂÆn Độ. Trong năm 2007, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng khoảng 35%, cổ phiếu của Hàn Quốc tăng 27%, Singapore tăng 11%, Australia tăng 10%...
Thế nhưng từ tháng 11 vừa qua, thị trường tài chính châu Á đã phải vật lộn với những lo ngại về tác động của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thế chấp. Tuy nhiên, nhờ lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào và kế hoạch đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đã giúp châu Á đứng vững trước tình trạng chững lại của kinh tế Mỹ. Với việc “vượt qua thử thách” ngoạn mục này, các chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán châu Á có khả năng gia tăng mạnh và gặt hái những thành tựu đáng kể trong năm 2008, bất chấp nguy cơ khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Mỹ. Rủi ro chính là nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính Wall Street lan sang châu Á, nhưng điều đó là “chuyện nhỏ” khi châu Á đã lường trước và đề phòng. Châu Á sẽ khởi sắc...
Đỗ Vân