Những thách thức đối với ngành dệt may

30/12/2007 00:00

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2007 đạt trên 7,7 tỷ USD, vươn lên trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong năm nay. Tuy nhiên, ngành dệt may sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2008.

  
03-nhung-thach-36407-300.jpg

      Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt gần 7,8 tỷ USD trong năm nay, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 7,5 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên một ngành công nghiệp sản xuất đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu các nguyên nhiên liệu thô vốn là thế mạnh của nước ta như gạo, hồ tiêu, cà phê... Với thành tích này, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may năm 2008 là 9,5 tỷ USD. Theo các chuyên gia, mục tiêu này là không quá sức, bởi với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 30%, mục tiêu trên hoàn toàn có khả năng thực hiện được.
      Năm 2007, khi xem xét lại ứng phó của các doanh nghiệp và Chính phủ trước những ảnh hưởng của các vụ việc kiện chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật có thể thấy ngành dệt may đã có bước chuyển quan trọng. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của quý III và quý I. Trong quý I, xuất khẩu hàng dệt may bị ảnh hưởng lớn do quyết định điều tra chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ, khiến nhiều nhà nhập khẩu lớn tạm ngừng, thậm chí rút đơn hàng từ nước ta để giảm thiểu rủi ro. Nhưng trong quý III, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng đều đạt kim ngạch trên 700 triệu USD. Có được kết quả này là do các doanh nghiệp đã thực hiện đúng với khuyến cáo của Bộ Công Thương: Hạn chế các đơn hàng xuất khẩu giá thấp và minh bạch hệ thống số liệu lý lịch, chi phí đầu vào. Phản ứng tích cực từ Chính phủ và các doanh nghiệp đã giúp lấy lại niềm tin của các nhà nhập khẩu. 
      Tuy nhiên, năm 2008, vẫn còn nhiều rào cản với xuất khẩu ngành dệt may như cơ quan chức năng Mỹ vẫn áp dụng cơ chế giám sát chống bán phá giá với dệt may, trong khi thị trường này hiện chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia nhận định, ngành Dệt may tiếp tục phải đối mặt với rủi ro trong năm 2008. Rủi ro lớn nhất là sự phát triển ngành dệt may của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladest và Campuchia. Trong đó, dệt may Trung Quốc và Ấn Độ với ngành công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ gây sức ép lớn với dệt may nước ta. Đồng thời, do Liên minh châu Âu (EU) sẽ gỡ bỏ hạn ngạch xuất khẩu dệt may với Trung Quốc nên sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may nước ta về đơn giá và khả năng cung ứng đơn hàng lớn tăng cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm những bạn hàng mới. 
      Các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang những thị trường mới, kết hợp với nâng cao chất lượng hệ thống sổ sách kế toán, kiểm soát thông tin sản xuất... Bởi hiện nay, những giải pháp này chưa mang tính dài hạn và bền vững. Hiện nay, giá trị gia tăng của ngành dệt may chưa cao do chi phí về nguyên vật liệu chiếm tới khoảng 70% giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp dệt may mới chỉ đa phần sản xuất theo hình thức gia công thông qua hợp đồng trung gian. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không đủ năng lực để tự thiết kế mẫu, chủ động lựa chọn nguyên phụ liệu, tự chào bán sản phẩm. Biện pháp khắc phục nhược điểm này của ngành dệt may đã được xác định đó là: Tạo đội ngũ thiết kế thời trang chuyên nghiệp và phát triển công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động giới thiệu những catalogue về mẫu mã, chất liệu vải may, xu hướng thời trang... với bạn hàng nước ngoài. Hiện, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng các doanh nghiệp trong nước đã liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may như cụm nhà máy sản xuất linh kiện dệt may do Công ty Cổ phần Việt Tiến Đông Á liên kết với Tập đoàn Tung Shing, Hong Kong, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai... Nhưng số nhà máy này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay... 
      Kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt dầu thô trong năm 2007 là tín hiệu vui. Nhưng năm 2008, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức. Để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, điều tiên quyết là phải phát triển công nghiệp phụ trợ, bởi giá nhân công rẻ sẽ khó bù đắp được chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Phương Thủy