180 ngày của Brown

20/12/2007 00:00

Ngày 27.12 tới sẽ tròn nửa năm Thủ tướng Anh Gordon Brown tiếp quản vị trí người đứng đầu Vương quốc Anh. Trong 180 ngày đó, vị cựu Bộ trưởng Tài chính đã phải dành nhiều công sức để điều chỉnh chính sách an ninh – “di sản bất đắc dĩ” mà người tiền nhiệm để lại.

      Phải thừa nhận rằng khi còn đương nhiệm, ông Tony Blair đã thúc đẩy Anh đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Hiện tại, Anh vẫn duy trì các lực lượng quân sự tại Iraq, Afghanistan, Kosovo, Sierra Leon, Macedonia và Bosina. Ước tính có khoảng 5.500 binh lính Anh ở Iraq, hơn 6.000 ở Afghanistan và con số này sắp tăng lên 7.700 vào cuối năm nay. Chính sự hiện diện của binh lính Anh tại nước ngoài đã khiến ông Brown phải chịu áp lực lớn trong việc hoạch định các vấn đề quốc phòng. Trong những năm gần đây, các nhà phân tích chính sách đã cảnh báo rằng, nếu muốn duy trì lực lượng quân đội ở nước ngoài, Anh cần phải có nguồn lực dự trữ lớn hơn. Trong khi đó, việc ông Blair kiên quyết sát cánh cùng với Mỹ trong cuộc chiến Iraq đã trở thành một bóng ma ám ảnh nhiệm kỳ Thủ tướng của Blair và là nguyên nhân chính khiến ông phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực.
      Một thách thức to lớn khác mà Thủ tướng đương nhiệm Gordon Brown phải đối mặt là chủ nghĩa khủng bố. Còn nhớ, vào ngày 29.6.2007, đúng hai ngày sau khi ông lên nhậm chức, hai chiếc xe ô tô cài bom chưa kịp phát nổ đã được phát hiện tại trung tâm London. Ngày hôm sau, một chiếc ôtô khác đã nổ tung ngay tại sân bay Glasgow của Scotland. Các nhà phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại thân Washington của Anh, đặc biệt là sự tham gia “tích cực” của quốc gia này trong các vấn đề Trung Đông đã khiến các lực lượng khủng bố chú ý tới Anh.
      Tất cả những áp lực trên đòi hỏi ông Brown phải điều chỉnh lại chính sách an ninh của xứ sở sương mù. Ngay sau khi các âm mưu khủng bố tại London và sân bay Glasgow bị phát hiện, Thủ tướng Gordon Brown đã ngay lập tức đưa ra lời cảnh báo an ninh trên toàn quốc. Ông đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các Ủy ban chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia của Nghị viện nhằm bàn khả năng siết chặt các biện pháp chống khủng bố, trong đó, đề xuất tăng gấp đôi thời hạn tạm giữ nghi phạm khủng bố (thời hạn hiện tại là tối đa 28 ngày). Ông Brown cũng công bố kế hoạch “tăng cường sức mạnh và năng lực giám sát vùng biên giới” bằng cách thiết lập lực lượng hỗn hợp vùng biên chống khủng bố. Brown muốn Anh phải là một quốc gia mạnh về an ninh quốc phòng, dứt khoát trong giải pháp và kiên cường trong đáp trả.
      Sự điều chỉnh thứ hai được thể hiện qua “tư duy mới về cuộc chiến chống khủng bố” của ông Brown là ông cho rằng chủ nghĩa khủng bố không thể bị đánh bại chỉ bằng bom đạn mà còn cần cả những hành động đánh vào “con tim và khối óc”. Tư duy này đã phá vỡ những học thuyết an ninh của phe diều hâu, cho rằng: “Bạo lực phải được đáp trả bằng bạo lực”. 
      Sự điều chỉnh thứ ba là đề nghị sửa đổi Hiến pháp để  bảo đảm quyền lực rộng hơn cho cơ quan lập pháp và cử tri. Theo bản dự thảo của ông, Nghị viện có quyền tuyên bố chiến tranh và thông qua các điều ước quốc tế. Thủ tướng sẽ thành lập Hội đồng An ninh quốc gia có nhiệm vụ thường xuyên đưa ra các chiến lược an ninh cho đất nước.
      Tiếp đó, ông Brown đã thắt chặt các biện pháp an ninh chống khủng bố và củng cố sức mạnh cho các cộng đồng dân cư để tự bản thân họ cũng đối phó được với các ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan. Tại các địa điểm như bến tàu xe, cảng, sân bay và những nơi tập trung đông dân khác đã xuất hiện rào chắn kiên cố, các khu vực cấm phương tiện đi lại, các tòa nhà chống cháy nổ được xây dựng. Bên cạnh đó, ông Brown còn cho tổ chức các chương trình hướng dẫn người dân tại các địa điểm nói trên những việc phải làm để chống khủng bố và đối phó khi khủng bố xảy ra.
      Động tác cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là sự điều chỉnh chính sách về Iraq: Ông Brown đã lên “thời gian biểu” cho quân đội Anh rút khỏi Iraq. Theo “thời gian biểu này” 2.500 binh lính Anh sẽ trở về nước vào mùa xuân năm 2008. Và ngay trong những tuần đầu tiên của tháng 12 này, binh sỹ Anh đã chuyển quyền kiểm soát an ninh của tỉnh Basrah, tỉnh cuối cùng, cho lực lượng Iraq.
      Tất nhiên, 180 ngày mới chỉ là khúc dạo đầu của buổi hòa nhạc mà nhạc trưởng Brown sẽ điều khiển trong 2 năm tới, trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2010. Tuy nhiên, thành công của khúc dạo đầu sẽ là nhân tố quyết định để cử tri có tiếp tục tin tưởng vào vị nhạc trưởng hay không. Nửa năm không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng không phải là quá ngắn để một vị Thủ tướng khẳng định mình. Những gì ông Brown đã và đang làm ít nhiều cũng đã làm yên lòng được người dân Anh.

Thu Trang