Về nơi lũ quét

20/12/2007 00:00

Trận lũ quét lịch sử chưa từng có xảy ra sau cơn bão số 5 năm 2007 vừa qua chủ yếu tập trung vào xã Nậm Giải, một xã khu vực biên giới huyện Quế Phong, Nghệ An. Đã qua vài tháng cơn lũ đi qua mà dấu vết về sự tàn phá khủng khiếp của nó vẫn còn hiển hiện và sự bàng hoàng lo lắng vẫn còn trên gương mặt, trong tâm tư mỗi người dân nơi đây.

      

      Chúng tôi về Nậm Giải ngay sau khi Đoàn ĐBQH do ông Hồ Đức Việt dẫn đầu về thăm. Tuy có muộn, nhưng chúng tôi “gặp may” bởi thời điểm này Quế Phong đã cơ bản tìm ra nguyên nhân và những giải pháp khắc phục cơn lũ. 
      Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong Nguyễn Trọng Lễ: Nậm Giải nằm ở sườn phía đông đỉnh núi Phù Hoạt, cao 2.452m là đỉnh cao nhất của Xứ Nghệ. Vào mùa mưa hơi nước từ biển vào đều giữ lại đây tạo thành mưa lớn kéo dài, bởi thế Nậm Giải là nơi có lượng mưa bình quân hàng năm cao nhất của Quế Phong. Ở đây ai cũng lo những điểm sụt lở chủ yếu là các ngọn núi trẻ, quá trình phong hóa vẫn tiếp diễn, tầng đất thường mỏng và kết cấu không vững chắc, không ổn định. Rừng Nậm Giải là rừng giàu và đặc biệt ở độ cao hơn 1.000m có diện tích khá lớn các loài cây hạt trần như Sa mu, Pơ mu, Thông nhựa... mọc tương đối thuần loài, khi thành thục về sinh trưởng, rừng hầu như chỉ có 1 tầng rất dễ xảy ra cháy rừng vào mùa khô và lở đất, xói mòn vào mùa mưa. Do địa hình suối ở đây vốn hẹp nên khi số gỗ và đất đá đổ xuống tạo thành con đập tự nhiên rất lớn, cao từ 60 – 70m và trong khoảng thời gian ngắn tạo thành “túi nước” khổng lồ và rất tự nhiên theo quy luật “tức nước vỡ bờ” tạo nên lũ quét.
      Nậm Giải huy động khẩn trương thi công lại công trình thuỷ điện nhỏ phục vụ cho trụ sở xã và trường học bị lũ cuốn trôi. Phó chủ tịch UBND xã Lô Văn Hoàn dẫn chúng tôi vào thăm bản Pục, bản Méo – 2 bản bị thiệt hại nặng về người và tài sản nhiều nhất của xã Nậm Giải, nhà ông Hoàn ở bản Pục cũng bị cuốn trôi, chỉ còn trơ lại nền nhà song may mắn chạy kịp, không thiệt hại về người. Ông Hoàn đã dựng lại ngôi nhà nhỏ lợp lá cọ lên đồi cao nhờ sự hỗ trợ 20 triệu đồng vừa qua của nhà nước và những tấm lòng hảo tâm của cả nước. Nhưng phần lớn diện tích lúa nước của gia đình đều bị ngập đầy sỏi cát dày tới hàng mét biết khi nào khôi phục lại để canh tác mới là điều lo và tiếc nhất lúc này. Trên đường vào bản Pục, ông Hoàn chỉ cho chúng tôi một cảnh thương tâm, toàn bộ khu vực nghĩa trang của 2 bản trước kia nằm trên một gò đất cao giờ bị lũ cuốn phăng đi hết. Nhiều ngôi mộ bị trôi về tận Quỳ Châu lại phải cất công đi tìm để chôn cất lại...
      Điều quan tâm và trăn trở lớn nhất là giải pháp nào để đảm bảo sớm ổn định đời sống cho người dân và phòng lũ quét hiệu quả, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Nguyễn Đình Yên - “vị Tổng chỉ huy” chiến dịch khắc phục hậu quả trận lũ quét lịch sử này. Đến nay, nguyên nhân của lũ quét đã được khảo sát khá kỹ và chủ trương về các giải pháp tổng thể, lâu dài cho việc khắc phục hậu quả cũng đã được đặt ra. Trước mắt, tỉnh cho phép di dân đợt đầu 40 hộ thuộc hai bản của xã Nậm Giải bị thiệt hại nặng vì nhà cửa bị cuốn trôi và ngập hết đất canh tác.
      Trưởng ban di dân phát triển kinh tế Quế Phong Nguyễn Hữu Đức cho biết: Đợt đầu di dân đã có tới 85 hộ đăng ký nhưng do kinh phí còn khó khăn nên chỉ chọn 40 hộ. Nơi mới có nhiều triển vọng phát triển kinh tế hơn nơi cũ, cách bản cũ khoảng 5km và cách biên giới 3km sẽ góp phần giữ vững an ninh biên giới. Đó là khoảng rừng nằm dưới chân Phà Cà Tủn, một ngọn núi nhỏ trong dãy Phù Hoạt, nơi đây bà con lâu nay cũng đã vào xin được khai hoang và hoàn toàn nằm trên cao trình đỉnh lũ vừa qua. Ngoài các công trình phúc lợi như nước sạch, trạm xá, trường học, đường giao thông, nhà văn hoá cộng đồng... mỗi hộ còn được cấp khoảng 20 triệu đồng gồm tôn lợp nhà, cấp lương thực 3 tháng đầu, mua một bò giống lai sind, 30 con vịt giống, các loại cây ăn quả, giống rau và cây lương thực... Ngoài ra, kinh phí khai hoang ruộng nước 5 triệu đồng/ha, cả vùng lên tới 20ha cũng sẽ được ứng trước.
      Nhưng điều băn khoăn nhất là việc học hành của con em những gia đình thuộc diện di dân khi năm học này còn dở dang và nơi mới chưa xây xong trường học. Bà con sẵn lòng khắc phục bằng cách gửi lại con em ở lại bản cũ cho người thân hoặc bà con họ hàng để không ảnh hưởng việc học hành của các cháu, nhưng về lâu dài đề nghị Nhà nước sớm nghiên cứu nâng cấp Trường phổ thông xã Nậm Giải thành Trường phổ thông dân tộc nội trú cho khu vực biên giới này. Các công trình khác như đường giao thông, trạm xá, điện, nhà văn hoá... được Nhà nước sớm triển khai “đi trước”.

Mai Hồ Minh