Cơn mưa dollar cho Palestine
Sau Hội nghị Annapolis tại Mỹ nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị Palestine là Hội nghị Paris với mục đích khôi phục nền kinh tế cho đất nước này. Từ một hội nghị toàn câu chữ đến một hội nghị toàn con số – Palestine có thoát khỏi nguy cơ rơi xuống bờ vực phá sản hay không?

90 phái đoàn đến từ 68 quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế các nhà tài trợ cho Palestine vừa diễn ra tại Paris đã cam kết sẽ tài trợ cho quốc gia Trung Đông này 7,4 tỷ USD trong vòng 3 năm, trong đó, riêng trong năm 2008, ngân sách Palestine sẽ được hỗ trợ 3,4 tỷ USD. Đây là thành công ngoài mong đợi của Palestine vì trước khi diễn ra Hội nghị Paris, nguyện vọng mà Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đề đạt với các nhà tài trợ chỉ là 5,6 tỷ USD. Cụ thể, năm 2008, Ủy ban châu Âu, Mỹ và Arập Xêút đã hứa sẽ tài trợ cho Palestine lần lượt là 650 triệu, 555 triệu và 500 triệu USD. Anh, Pháp và Thụy Sỹ hứa tài trợ 490 triệu, 300 triệu và 72 triệu USD cho Palestine trong vòng 3 năm.
Trước khi Hội nghị Paris diễn ra, Tổng thống Palestine Abbas đã cảnh báo nguy cơ Palestine sẽ chìm trong “thảm họa” nếu các nhà tài trợ từ chối giúp đỡ. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng chia sẻ lo ngại này và khẳng định Hội nghị Paris là “hy vọng cuối cùng để cứu Chính phủ Palestine khỏi bờ vực phá sản”. Để thuyết phục các nhà tài trợ, Tổng thống Mahmoud Abbas và Thủ tướng Salam Fayyad đã trình bày một kế hoạch phát triển đầy tham vọng đến năm 2010, tập trung vào việc thiết lập các thể chế vững chắc, xây dựng một thành phố mới giữa Naplouse và Jénine và chỗ ở cho người nghèo. Kế hoạch này còn nhắm đến việc thiết lập một hệ thống an ninh theo kiểu phương Tây, đồng thời nâng cấp hệ thống giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Tiền tài trợ cũng dùng để trả lương cho 160.000 công chức của Chính quyền Palestine.
Điều khiến nhiều người quan tâm là tiền tài trợ thu được từ Hội nghị Paris sẽ được phân chia thế nào khi Palestine tồn tại cả 2 phong trào không đội trời chung là Hamas và Fatah? Trước đây, từ khi Phong trào Hồi giáo Hamas chiếm đóng dải Gaza, trợ giúp quốc tế hầu như “trôi” hết về khu Bờ Tây do Fatah kiểm soát. 1,5 triệu người ở dải Gaza, chiếm 1/3 dân số Palestine phải sống trong nghèo khổ. Các hoạt động kinh tế ở khu vực này bị ngưng trệ hoàn toàn. Lần này, 7,4 tỷ USD dự tính được phân chia cho cả khu Bờ Tây và dải Gaza. Để tránh tiền rơi vào tay Hamas, trước Hội nghị Paris, Thủ tướng Salam Fayyad đã đề nghị áp dụng hệ thống đặc biệt, theo đó, tất cả các công chức Palestine ở dải Gaza được trả lương vào tài khoản. Bên cạnh đó, Chính quyền Palestine còn dành ưu đãi khác cho những người dân ở dải Gaza như miễn thuế cho việc cấp các giấy tờ hành chính. Các nhà phân tích cho rằng Hội nghị lần này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang cả ý nghĩa chính trị. Thông qua đó, Chính quyền Palestine muốn cho những người Palestine ở dải Gaza thấy rằng họ sẽ được lợi nếu ủng hộ Fatah và chống Hamas, rằng Fatah được quốc tế ủng hộ còn Hamas thì không.
Một điều đáng chú ý khác của Hội nghị là tại phiên khai mạc, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị thành lập một lực lượng quốc tế trên lãnh thổ Palestine. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đề xuất này chỉ hợp lý nếu cách đây vài năm. Bởi, theo ông Sarkozy, nhiệm vụ của lực lượng quốc tế này là nhằm bình thường hóa lãnh thổ Palestine, giúp đỡ Chính quyền Palestine lấy lại quyền kiểm soát dải Gaza. Để làm được điều đó, Chính quyền Palestine và Hamas bắt buộc phải đạt được thỏa thuận. Nếu không, lực lượng quốc tế tại Palestine có nguy cơ sẽ rơi vào thế gọng kìm như quân Mũ nồi xanh ở Lebanon. Bên cạnh đó, ý tưởng thành lập lực lượng quốc tế ở Palestine của ông Sarkozy còn mang tham vọng ổn định lãnh thổ, khuyến khích Israel rút hết quân về nước. Mà thực tế, tham vọng này chỉ là ảo tưởng. Người Israel sẽ không đời nào rút quân trước khi đạt được thỏa thuận với người Palestine về việc đảm bảo an ninh cho Israel. Nói cách khác, những vấn đề đã được bàn thảo tại Annapolis xung quanh quyền hồi hương của người tỵ nạn, biên giới và quy chế Jesuralem mới đây nhất quyết phải được giải quyết thành công thì lực lượng quốc tế được triển khai ở Palestine mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra tại Annapolis là điều không dễ dàng...
Nhiều người mừng vui trước “cơn mưa dollar” mà cộng đồng quốc tế dành cho Palestine. Nhưng, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế đất nước Trung Đông này chỉ có thể được khôi phục thành công khi Palestine đạt được những bước tiến song song về mặt chính trị.
Phong Á