Đã xứng tầm là bản văn hoá chưa?

01/12/2007 00:00

Những năm 90, trên 30 hộ đồng bào Vân Kiều đã rời bỏ cuộc sống trong hang rừng, núi thẳm về định cư ở bản Khe Khế, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, cuộc sống của đồng bào đã có những thay đổi, đời sống văn hoá được cải thiện và năm 2003, Khe Khế được công nhận là bản văn hoá cấp huyện…Thế nhưng, những gì mắt thấy tai nghe thì quả là “hữu danh vô thực”.

      Gặp chúng tôi, sau cái bắt tay chào hỏi, Trưởng bản Khe Khế Hồ Tư đã bộc bạch: “Nhà báo muốn viết về vấn đề gì ở bản tui (tôi)? Bản tui còn nghèo lắm, chẳng có chi (gì) để viết đâu. Không tin, nhà báo cứ đi một vòng là biết ngay…”. Chưa kịp định hình với những gì vừa nghe được, Trưởng bản Hồ Tư lại cất giọng: “…Bản tui có 42 hộ đều là dân tộc Vân Kiều. Kinh tế chủ yếu dựa vào rừng, nếu củi trong rừng mà hết thì người dân chúng tôi cũng…hết đường kiếm sống luôn. Lúa trồng một năm chỉ được một vụ, tính trung bình 1 sào cũng chỉ được 1 tạ. Phần lớn người dân trong bản chưa biết áp dụng kỹ thuật thâm canh, nên cuộc sống vẫn phụ thuộc vào rừng là chính. Nhiều lần, dân trong bản cũng lần mò sang các bản người Kinh để “bắt chước” kỹ thuật mới trong trồng trồng trọt, chăn nuôi, nhưng không hiệu quả…” 
      Chưa kịp để chúng tôi nói thêm điều gì, Trưởng bản Hồ Tư lại tiếp tục: Nước dùng cho sinh hoạt chúng tui cũng phải tự lấy từ suối về, bữa ni (dạo này) khe suối bị ô nhiễm, chưa biết sắp tới phải lấy nước ở mô (ở đâu) để dùng. Cả bản chỉ có gần chục hộ có trâu, bò nuôi. Nhà nào có 1 con trâu, hoặc 1 con bò đã được coi là khá giả. Tỷ lệ gia đình có từ 5-7 con ở bản Khe Khế chiếm khá nhiều”. Vừa dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thị Thăng, anh Tư vừa nói: “O ni (cô này) góa chồng, có 6 đứa con, tất tần tật từ việc nhỏ đến việc lớn đều đến tay o …”. Mới ngoài 30, mà nhìn chị Thăng như đã xấp xỉ 50 tuổi. Chị tâm sự: “Thu nhập của gia đình chỉ biết trông chờ vào những bó củi kiếm được từ rừng. Tháng nào may mắn, chị cùng các con kiếm được 30-40 gánh củi, còn không chỉ được 20 gánh, mỗi gánh bán được 7.000 đồng. Tổng cộng, một tháng kiếm không nổi 400.000 đồng...”. Với số tiền ấy, chị phải chắt bóp bữa rau, bữa cháo cho những đứa con triền miên từ tháng này qua tháng khác…Việc những đứa con của chị không được đến lớp cũng chẳng có gì ngạc nhiên, bởi miếng cơm, manh áo cũng không lo nổi, nói chi đến chuyện học hành.
      Theo lời Chị Hồ Thị Năng - Hội trưởng Hội Phụ nữ Bản Khe Khế thì, “ở bản, không chỉ cuộc sống của gia đình chị Thăng gặp khó khăn mà còn có tới 80% gia đình khác cũng có hoàn cảnh tương tự…Đất để trồng lúa ít, trồng trọt, chăn nuôi thì được chăng hay chớ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Hội Phụ nữ xã cũng đã thuyết phục chị em thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nhưng nhà nào cũng muốn có con trai nên ai cũng đẻ cố, đẻ thêm. Vì thế đã nghèo lại thêm phần khốn khó…” 
      Đem những điều mắt thấy tai nghe chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Việt Hoàn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thuỷ. Ông cho biết: “Từ ngày đồng bào định cư tại bản, huyện đã triển khai nhiều dự án xoá đói giảm nghèo như: 135, 134, trợ giá trợ cước, mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi, trồng trọt cho bà con… Song, phần lớn đồng bào vẫn chưa bỏ được thói quen săn bắt, hái lượm, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, do đó đồng bào Khe Khế vẫn chưa thực sự thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, nên cuộc sống của vẫn còn nghèo…”. 
      Được biết các cấp chính quyền nơi đây cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để thay đổi cuộc sống của đồng bào. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong muốn. Thiết nghĩ, để người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, điều quan trọng không chỉ phụ thuộc vào nhận thức của đồng bào mà còn phụ thuộc vào trách nhiệm, suy nghĩ và cách làm của đội ngũ cán bộ cơ sở. Có như thế, Khe Khế mới thực sự là bản Văn hoá theo đúng nghĩa của nó.

Thanh Hoàng