Thông điệp nghệ thuật

27/11/2007 00:00

Sau những biến động quyền lực chính trị liên tiếp trong 28 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pakistan cuối cùng cũng đã mở cửa vào cuối tháng 8.2007. Đây là một biểu tượng của tính sáng tạo và hiện đại trong quốc gia Hồi giáo này.

      Với những bức tượng phụ nữ đạo Hồi trong chiếc áo choàng truyền thống kín đầu chào đón khách ngay tại lối vào, công trình kiến trúc bằng gạch tọa lạc trên đại lộ Constitution đã mang lại cho thủ đô cằn cỗi Islamabad một nét tươi mới. Còn với Naeem Pasha, kiến trúc sư của bảo tàng, nó còn đại diện cho tâm hồn của người dân nơi đây.
       “Bảo tàng mỹ thuật này gửi một thông điệp nghệ thuật đến toàn thể thế giới, rằng chúng tôi là những người sáng tạo và yêu hòa bình, và tôi muốn thông điệp này sẽ mạnh hơn là hành động của một người đánh bom tự sát”, Pasha nói khi dạo quanh bảo tàng vào buổi sáng. “Hành động của anh ta là đơn lẻ còn chúng tôi là số đông”, và số đông này “phải được lắng nghe, và đó là thông điệp mà bảo tàng này gửi đi”.
      Sáu mươi năm sau khi độc lập, Pakistan vẫn đang vật lộn với những giá trị văn hóa của mình. Chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo và ảnh hưởng của những giáo sĩ đạo Hồi, những người thường không bằng lòng với những ngành nghệ thuật mang tính ẩn dụ, đã kìm hãm nền nghệ thuật nước này phát triển. “Tôi nghĩ chúng tôi đã tự kiểm duyệt mình”, Pasha nói. “Tinh thần thất bại (defeatism) này gây tổn hại đến văn hóa”.

      Năm 1973, thủ tướng dân túy đầu tiên, Zulfikar Ali Bhutto, tán thành kế hoạch xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật, nhà hát và thư viện quốc gia trên quảng trường văn hóa tại trung tâm của thủ đô mới. Nhưng sau khi chính quyền Bhutto bị tướng Mohammed Zia ul-Haq lật đổ thì kế hoạch này chẳng bao giờ được triển khai. Là một người bảo thủ tôn giáo, Zia không khuyến khích nghệ thuật. 
      Vào đầu những năm 1990, sau khi lên nắm quyền, Benazir Bhutto, con gái của Zulfikar Bhutto đã cho tiến hành một cuộc thi để lựa chọn thiết kế xây dựng bảo tàng. Công ty của Pasha đã chiến thắng nhưng sau đó, người kế nhiệm Bhutto, Nawaz Sharif, lại yêu cầu văn phòng thủ tướng phải được xây dựng trên phần đất dự kiến dành cho bảo tàng. Sau khi Bhutto quay lại nắm quyền, bộ trưởng văn hóa của bà phục hồi dự án này và quyết định bảo tàng sẽ được xây dựng trên đại lộ Constitution, gần tòa nhà quốc hội và dinh tổng thống.
      “Đó là một công trình quan trọng quốc gia nên nó cần được nằm ở một đại lộ quốc gia”, Pasha nói. Vào năm 1996 Bhutto đã đặt viên đá khởi công ở đây. “Bà ấy muốn công trình được hoàn thành trong vòng một năm nhân dịp 50 năm quốc khánh Pakistan, nhưng về sau ngân sách xây dựng của nó lại bị chuyển cho Trung tâm Hội nghị”, Pasha cười chua chát. “Tôi nghĩ đó là sự thiếu hiểu biết của bộ máy quan liêu hoặc cơ quan lập pháp về tầm quan trọng của một bức tranh hay một tác phẩm nghệ thuật trong đời sống người dân”, ông tiếp. “Họ nói Pakistan là một nước nghèo, mọi người còn chưa đủ ăn. Nhưng nghệ thuật là linh hồn của quốc gia”.
      Công trình bị bỏ dở tám năm cho đến tháng 1.2005, khi nhà lãnh đạo tiếp theo, tướng Pervez Musharraf, chuyển từ tổng hành dinh quân sự đến dinh tổng thống, nơi nhìn ra bảo tàng này. “Trong suốt ba, bốn tháng, ông ấy chẳng thấy ai đến làm việc ở đây”, Pasha nói. Naeem Tahir, tổng giám đốc của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Pakistan đã được vị tướng này triệu tới, “Ông có thể làm gì với cái thứ chướng mắt này?”.
      Musharraf cấp gần 9 triệu đô la để hoàn thành công trình. Khi bảo tàng mở cửa, vị tướng này đã đến tham quan các phòng trưng bày, nơi có một lượng lớn tác phẩm phản chiến và bất kính, nhưng ông không vào nơi triển lãm các tác phẩm khỏa thân của một số họa sĩ xuất sắc nhất Pakistan. Điều ngạc nhiên là nhà độc tài quân sự này đã không tác động gì tới công việc của vị kiến trúc sư hay của Tahir. Nhà quản lý nói rằng ông biết ơn khi vị tướng và gia đình ông ta là những người yêu âm nhạc và hội họa. “Chúng tôi vẫn chưa vượt qua được giới tuyến”, Tahir nói. “Tôi nghĩ chúng tôi cần thêm 10 năm dành cho nghệ thuật nữa”. Ông cho biết vị tổng thống này vừa mới đồng ý với dự án xây dựng nhà hát quốc gia. 
      Bảo tàng này đi ngược lại với nhiều khuôn mẫu của xã hội Pakistan ngày nay. Có một lượng đáng kể các tác phẩm thể hiện sự hài hước và tình dục. Hai bên tường của một căn phòng chứa đầy những chiếc vòi hoa sen đặc biệt dùng trong các lễ tắm gội Hồi giáo hay những chiếc kéo và dao cạo rất to nhằm chế giễu nhu cầu của các tín đồ này. Còn tác phẩm điêu khắc phụ nữ bằng kim loại trong nhiều hình dáng khác nhau gợi lại hình ảnh thắt lưng trinh tiết của thời trung cổ. Những chiếc loa gỗ lơ lửng mời gọi du khách tiến vào một mê cung và đập liên hồi vào đầu họ những âm thanh của hàng trăm học sinh trường dòng đang đọc kinh Koran. 
      Kiên quyết bác bỏ kiểu kiến trúc thuần Hồi giáo, Pasha đã mang vào đây nhiều di sản khác nhau của Pakistan; những ban công thời đế chế Mogul (cách đây đã 400 năm), một sân nhỏ Trung Á lát gạch, một thứ vật liệu Pasha cho là khiêm nhường, mà không trát kiểu thuộc địa Anh. “Tôi không muốn nó như dinh tổng thống”, Pasha vung tay hướng về tòa nhà bên kia đường. “Một công trình của nhân dân không nên khoa trương hay hoành tráng”.

 Đăng Ngọc
Theo IHT