Tủ sách cổ điển: Những con đường đói khát

05/10/2007 00:00

Những con đường đói khát là bản cáo trạng đẫm máu chế độ ruộng đất tàn khốc ở thế kỷ XX của các nền độc tài Mỹ Latin. Qua số phận một gia đình, nhà văn Brazil Jorge Amado trình bày số phận bi thảm của hàng triệu nông dân bị tước đoạt ruộng đất và bị xô đẩy vào những con đường phiêu bạt đầy máu và nước mắt.

      Tiểu thuyết gồm 2 phần chính: Những con đường đói khát và Những con đường hy vọng. Phần mở đầu giới thiệu cuộc sống của nông dân ở một phadăngđa – tức là một đồn điền miền Đông bắc Brazil, đói khát, cơ cực dưới quyền kiểm soát tàn bạo của tên quản lý Actua. Một lễ cưới vui vẻ, có rượu, đàn hát và nhảy múa, chấm dứt bằng cái tin khủng khiếp của Actua: Phadăngđa đã bị bán cho chủ mới và tất cả nông dân, tá điền bị đuổi khỏi đồn điền, hàng nghìn người hoảng hốt, la khóc, rồi bán tống bán táng đồ đạc, ngựa, bò, lợn... để ra đi trên “Những con đường đói khát”, phiêu bạt đến nơi góc biển chân trời. Gia đình ông Jeronimo và gia đình em trai ông là Giao Pedro gồm 11 người, từ ông bà Jeronimo đến đứa cháu ngoại mới được mấy tháng, với một con lừa và một con mèo – cả thảy 13 sinh mạng chuẩn bị lên đường đi Sao Paulo – nơi nghe nói của cải như nước. Mọi người di cư phải qua vùng catanhga khủng khiếp; Ở đây là sa mạc cằn cỗi, chỉ có độc những loại cây gai góc, xương rồng và rắn độc, kỳ đà, diều hâu. Lớp người lưu vong qua lại vùng catanhga khô cằn, ốm đau, bệnh tật, mặt mày rách nát, trái tim tuyệt vọng, để lại biết bao xác chết. Cái gia đình kia không thoát khỏi số phận cay nghiệt: Con bé Noca sưng phù chân, mủ tấy lên, chết ở dọc đường; Xác thím Dina vùi nông trên sa mạc, làm mồi cho đàn diều hâu hung dữ; Lương thực cạn, người ta ăn thịt mèo, thịt rắn ráo. Cô Depha bỏ vào rừng mất tích. Con lừa đã cưu mang đoàn người đau khổ, ăn phải cỏ độc, lăn ra chết. Giectơruyt và Agôxtiniô ở lại một phadăngđa trên dọc đường. Đến thị trấn Giudêrô, ông Jeronimo ốm nặng, biết bao người chết, người ta chôn xác bên bờ sông, hoặc vứt xác xuống nước...
      Những con đường hy vọng thuật chuyện ba người con trai của ông bà Jeronimo, ba đứa con này, lúc lớn lên đều đã bỏ nhà ra đi, trước khi gia đình phải bỏ phadăngđa về Sao Paulo. Đứa thứ nhất, Giôđê đi theo một toán cướp, đứng đầu là Lucat Acvôriđô, hoành hành trong khắp vùng catanhga; Toán cướp này gồm toàn những nông dân nghèo khổ bị bọn chúa đất cướp nhà cửa, ruộng vườn; Họ đánh phá các catanhga, có khi chiếm cả một thị trấn lớn trong mấy hôm, đốt phá, giết người, làm nhục bọn nhà giàu, rồi rút lui vào vùng catanhga hiểm trở. Giôđê trở thành một tùy tướng đắc lực của tướng lục lâm Lucat, người ta gọi anh là DeThiênlôi – anh bắn súng rền như sấm sét. Trong một cuộc vây bắt của lính cảnh vệ, tướng Lucat bị giết, DeThiênlôi thoát chết, lên thay thế, tiếp tục sống những ngày đẫm máu. Cậu con trai thứ hai là Giôao vào lính cảnh vệ. Tình cờ, anh bị sung vào đội quân vây bắt toán cướp và cũng tình cờ bị DeThiênlôi anh mình giết chết. Con trai út, Nenem hoặc Giuvăngxiô là một thanh niên thông minh, có nghị lực, ra đi, cùng đường, anh phải vào lính, tìm đến phong trào cách mạng, gặp những người cộng sản và gia nhập Đảng. Trong cuộc khởi nghĩa ở thành phố Natan, anh chỉ huy chiếm trại lính và tỏ ra một tài năng lãnh đạo có uy tín. Cuộc khởi nghĩa thất bại, anh bị tù 9 năm, rồi được ân xá. Anh đã gặp mẹ ở Sao Paulo, rồi lại lên đường chiến đấu, anh mang theo cháu Tonio cũng trở thành một chiến sỹ cộng sản đầy triển vọng. 
      “Những con đường đói khát” đã giết chết biết bao nông dân vô tội, làm mồi cho bệnh lao, bệnh lỵ, bệnh sốt rét, cho rắn độc, diều hâu. Chế độ độc tài lúc đó biến những người nông dân hiền lành, chất phác thành những kẻ giết người. Lucat và DeThiênlôi, Bêatô Extevao và Depha là hình ảnh ghê sợ của những người nông dân bị đẩy vào những con đường tuyệt vọng – con đường đạo tặc và con đường thần bí, con đường tha hóa đến mức khủng khiếp của xã hội tư bản chủ nghĩa. Hình ảnh Giuvăngxiô, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, mưu trí và dũng cảm bên cạnh các chiến hữu Kirono, Vanvec, Roberto... là những mầm mống tương lai sáng rực, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đói khát và đỏ máu ấy. 
      Những con đường đói khát mang tính khái quát của từng hoàn cảnh, từng sự kiện, từng bước đi của các nhân vật. Con đường dài đầy gai góc trong tác phẩm mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Nó khúc khuỷu, gay go như chính nhận thức của người nông dân Brazil về việc xây dựng một xã hội mới, nhân đạo hơn. Chỉ có con đường của Nenem mới có khả năng chấm dứt vĩnh viễn những mâu thuẫn gay gắt giữa ước mơ tươi đẹp và thực tế bất nhân, chấm dứt những cảnh não lòng mà ta có thể bắt gặp trên từng trang sách của Jorge Amado.

Hà Lệ Dung