Từ truyền thống tới Disney
Dùng chiếc gậy dài ở đầu có gắn phấn, Quách Uyển Linh phác nhanh hình một con cá lên sàn bê tông. Tiếp đó một người thợ trẻ cúi xuống phác thảo này, uốn sợi dây kim loại theo đúng hình vẽ. Sau khi lặp lại thao tác này một lần nữa, hai con cá giống y như nhau, dài chừng 60 cm sẽ được hàn lại để tạo nên một chiếc đèn lồng đơn giản. Những bóng đèn sẽ được lắp vào trong trước khi lụa được căng lên và dán vào khung kim loại này.

Đó là một chiếc đèn đơn giản nên toàn bộ quá trình chỉ mất chưa tới nửa tiếng đồng hồ. Nhưng đối với những chiếc đèn lồng 3-D (ba chiều) phức tạp, đặc biệt là với những nhân vật lớn hơn người thật hay những con khủng long khổng lồ, chúng có thể khiến Quách Uyển Linh cộng thêm vài người nữa phải bỏ ra vài ngày.
Hai mươi năm trước, Quách, hiện nay 57 tuổi, dành hầu hết thời gian của mình để tưởng tượng ra rồng, phượng hay những vị hoàng đế. Nhưng ngày nay, ông lại thường xuyên làm việc với những nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Hello Kitty hay các nhân vật của Disney hoặc Pixar.
Tiến bộ trong công nghệ và thay đổi sở thích đồng nghĩa với việc những chiếc đèn lồng Trung Quốc hiện nay ngày càng ít giống với tổ tiên được làm bằng giấy màu và tre từng bắt đầu thịnh hành trong suốt triều đại nhà Hán. Sự linh hoạt của sợi kim loại cộng thêm những chuyển động bắt nguồn từ việc sử dụng các con chíp điện tử đã cho phép nghệ nhân thỏa sức tưởng tượng với những chiếc đèn lồng 3-D công phu miêu tả mọi thứ từ huyền thoại Tôn Ngộ Không cho đến một chú chuột Mickey đang nhảy múa.
Những lễ hội đèn lồng lấy đề tài của phương Tây bắt đầu tại Trung Quốc vào những năm 1980, thời gian mà đất nước này mở cửa, Quách cho biết. Trớ trêu thay, hiện nay nghệ nhân này lại bận rộn với những lễ hội đèn lồng theo đề tài Trung Quốc đang được phương Tây ưa chuộng. “Làm việc với những lễ hội có tính lịch sử đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu bởi chúng tôi cố gắng trung thành với thời đại. Ví dụ, vào thời Đường, người ta thích những phụ nữ tròn lẳn nên chúng tôi cố gắng phản ánh điều đó trong đèn lồng,” ông giải thích và thêm rằng thật sự ông thích làm các nhân vật hoạt hình hơn là những nhân vật Trung Quốc truyền thống.
Là họa sĩ, trong thời gian Cách mạng Văn hóa, Quách bị gửi về nông thôn. Không được vẽ ông đã tìm ra nghề làm đèn lồng để thay thế. Trong những năm gần đây ông trở thành một chuyên gia trong việc tái tạo những nhân vật đã rất nổi tiếng như Hello Kitty và các nhân vật Disney. Với ông, để làm được những nhân vật này là rất khó bởi quan trọng nhất là phải giống nguyên bản. “Công ty chúng tôi đã mời những nhân viên của Disney tại Hồng Kông đến làm việc khi chúng tôi thực hiện một lễ hội đèn lồng Disney tại Singapore vài năm trước và quả thật họ đã giúp chúng tôi làm ra mọi thứ đúng tỉ lệ của nó,” Quách nói.
Quách và đội ngũ của mình đến từ thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên nơi tự quảng bá là thủ đô làm đèn lồng của thế giới. Spencer Tan, giám đốc Royal Vya Creative, công ty mà Quách đang làm việc, ước tính rằng tại Tự Cống hiện có khoảng 90 công ty làm đèn lồng và sử dụng 3.500 thợ. “Ngành này tại Tự Cống có giá trị trên 2,6 triệu đô la/ năm”, ông nói.
Thành phố này có truyền thống lâu đời về việc tổ chức một trong những lễ hội đèn lồng lớn nhất Trung Quốc và những nghệ nhân ở đây thường xuyên được mời đến tổ chức các lễ hội đèn lồng trên khắp Trung Quốc và châu Á.

Trong những năm gần đây, Royal Vya Creative đã xuất khẩu khái niệm lễ hội đèn lồng lớn sang phương Tây, đầu tiên là ở Đức và năm ngoái tại Toronto. Năm nay, một lần nữa họ lại tổ chức Lễ hội đèn lồng Trung Quốc Rogers, lễ hội đèn lồng lớn nhất tại Bắc Mỹ, dựng nên 40 bối cảnh khổng lồ với những cảnh trí gợi lại ba triều đại quan trọng của Trung Quốc (Tần, Đường và Tống) cũng như những miêu tả rực rỡ về những huyền thoại của Trung Quốc. Liên hoan Toronto, đã tổ chức vào ngày 19-7, kéo dài cho đến ngày 7-10.
Quách đã đến Singapore cùng với 45 người thợ lành nghề để làm bằng tay 5.000 chiếc đèn lồng trong Dụ Hoa Viên vào dịp Trung thu. Hàng năm, Singapore cũng như nhiều quốc gia châu Á khác đều đón mừng ngày lễ này. Năm nay, với chủ đề Đại dương màu nhiệm, du khách được thưởng thức những cảnh trí diệu kỳ của truyện Nàng tiên cá, những con khủng long biển thời tiền sử và hòn đảo Atlantis huyền thoại.
Để làm công việc này, Quách và đội ngũ của ông vẫn làm việc mà không sử dụng hình ảnh kỹ thuật số. “Tôi đã quá già để sử dụng máy tính,” Quách cười. Ông nói rằng chắc chắn máy tính đang giúp một thế hệ mới những người làm đèn lồng cải tiến nghề này.
Khi kết thúc công việc tại Singapore, nhóm này chuyển đến Bangkok cho một lễ hội vào tháng 11. “Nay chúng tôi có lễ hội đèn lồng quanh năm. Năm sau chúng tôi sẽ bắt đầu một lễ hội tại Ba Lan,” Tan nói.
Dù thành công nhưng ngành này vẫn đang phải đối mặt với một số khó khăn. Tan, người thuê 70 thợ, nói rằng thường không đủ nhân công để đáp ứng nhu cầu. Rất khó tìm được những người trẻ học nghề thủ công này.
“Làm đèn lồng là một công việc khó khăn. Mất nhiều thời gian cũng như sức lực và bạn phải sẵn sàng đi xa trong vòng hai đến ba tháng cho một lễ hội,” Tan giải thích. Thông thường, làm đèn lồng là nghề cha truyền con nối như trường hợp của Wen Gei Ha: “Cha tôi là thợ làm đèn lồng và khi còn bé tôi thường bị cuốn hút bởi những chiếc đèn lồng. Đến nay tôi vẫn luôn tự hỏi liệu mình có thể sẽ làm ra loại đèn lồng nào trong tương lai?”.
Để khuyến khích những người trẻ tham gia vào nghề này, Tan gợi ý chính quyền thành phố Tự Cống cần thành lập một cơ sở đào tạo.
Đăng Ngọc
Theo IHT