Làm bố ở tuổi... ông

01/09/2007 00:00

Một người đàn ông buồn bã cùng cậu con trai lầm lũi lê bước qua một vùng đất mọi thứ bị cháy rụi. Mỗi giây phút đều đối mặt với bạo lực, đói khát, bệnh tật, chết chóc… "Đồng hành" với họ là một khẩu súng chứa 2 viên đạn, luôn sẵn sàng cho mục đích "phải tự sát trước khi bị bắt"...

McCarthy và Hollywood
      Năm 2000, Tất cả những con ngựa đẹp được dựng thành bộ phim cùng tên do Billy Bob Thornton đạo diễn với sự diễn xuất của Matt Damon và Penelope Cruz. Một bộ phim chuyển thể từ Người già không có quê hương (No Country for Old Men) dự định trình làng vào cuối năm 2007 do anh em Joel và Ethan Coen đạo diễn. Nhà làm phim người Australia John Hill Coat đã chọn Con đường làm kịch bản cho bộ phim tiếp theo của mình.

      Giới yêu văn chương không khó nhận ra những dòng chữ trên ở trong tác phẩm nào. Cuối tháng 8 vừa qua, Con đường (The Road) của nhà văn Mỹ 74 tuổi Cormac McCarthy đã đoạt giải Tiểu thuyết của Năm trị giá 10.000 bảng Anh của Giải thưởng Tưởng nhớ James Tait Black dành cho tiểu thuyết - giải thưởng văn học lâu đời nhất của nước Anh (từ năm 1919). Thành viên Ban giám khảo, Giáo sư Trường Đại học Edinburgh Colin Nicholson nhận xét Con đường xứng đáng đoạt giải vì đó là “một tác phẩm kinh điển về tiểu thuyết”. 
      Sự đánh giá cao của Ban giám khảo dành cho Con đường không phải là không có cơ sở. Tháng 4-2007, tác phẩm thứ 10 này của Cormac McCarthy đã đoạt giải thưởng Pulitzer dành cho tiểu thuyết hư cấu - một trong những giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Mỹ. Cho dù ở giữa màn đêm vô tận, hai con người đó vẫn không ngừng hy vọng và tin tưởng về một phương Nam ấm áp, rằng họ là "những con người tốt" với một ngọn lửa không bao giờ tắt trong tim... Trên cốt truyện tưởng chừng khô khan, Con đường chứa đựng những điều đen tối nhất: nền văn minh nhân loại bị phá hủy, sự sống trên trái đất đang đến chỗ diệt vong... Sau khi được chọn giới thiệu trong chương trình sách của Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey, Con đường đã tiêu thụ được hơn 1 triệu bản. "Câu chuyện sởn tóc gáy nhưng xúc động" đã được Tuần báo Mỹ Time bình chọn vào danh sách Top 10 cuốn sách hay năm 2006. Tờ New York Times viết: "Một thứ nghệ thuật vừa gây khiếp sợ vừa tạo cảm hứng". Đó có lẽ cũng là cụm từ chính xác nhất khi nói về những trang viết của Cormac McCarthy...

07-Lam-bo-2907-300A2.jpg

      Là học trò xuất sắc của William Faulkner, Cormac McCarthy được đánh giá là một trong bốn nhà văn Mỹ xuất sắc nhất thế kỷ XX (cùng với Thomas Pynchon, Don Delilo và Philip Roth). Ngoài Con đường, tên ông còn gắn liền với những tiểu thuyết như Blood Meridian, or the Evening Redness in the West - một trong những tiểu thuyết hay nhất của văn học Mỹ thế kỷ XX, Tất cả những con ngựa đẹp (All the Pretty Horses) - tác phẩm lãng mạn đoạt giải thưởng Văn học Quốc gia năm 1992... Nét chung (nếu có) thì đó là: văn chương của ông chứa đựng bóng tối, bạo lực, nỗi khiếp sợ có thể làm "nổ tung" người đọc... 
      Sinh ra ở Providence, Đảo Rhode, và lớn lên tại Knoxville, bang Tennessee, Cormac McCarthy là người con thứ ba trong gia đình luật sư có sáu chị em. Năm 1951, ông theo học ngành khoa học nhân văn tại Trường Đại học Tennessee. Hai năm sau, ông tham gia Lực lượng Không quân Mỹ trước khi trở lại Đại học Tennessee vào năm 1957. Trong thời gian ở trường, ông đã xuất bản hai truyện và giành hai giải thưởng Ingram-Merrill. Năm 1961, ông kết hôn với người bạn học Lee Holleman, sinh cậu con trai Cullen. Rời trường học mà không có tấm bằng tốt nghiệp, McCarthy cùng gia đình chuyển đến Chicago – nơi ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay vào năm 1965...
      Khi đó, McCarthy quyết định gửi bản thảo Người canh vườn (The Orchard Keeper) cho Nhà xuất bản Random bởi “đó là nhà xuất bản sách duy nhất mà tôi nghe nói đến”. Người biên tập bản thảo này chính là Albert Erskine, biên tập viên của William Faulkner cho đến khi ông qua đời vào năm 1962. Và Erskine tiếp tục biên tập các tác phẩm của McCarthy trong 20 năm sau đó. 
      Mùa hè 1965, dùng giải thưởng Traveling Fellowship từ Học viện Văn học và Nghệ thuật Mỹ, McCarthy lên tàu thuỷ Sylvania, hy vọng tới thăm Ireland. Trên chuyến tàu đó, ông đã gặp ca sĩ Anne DeLisle và một năm sau, họ cưới nhau ở Anh. Cũng trong năm 1966, McCarthy dùng khoản trợ cấp từ Quỹ Rockefeller để du lịch vòng quanh Nam Âu trước khi “hạ cánh” ở Ibiza, nơi ông viết tiểu thuyết thứ hai Tăm tối bên ngoài (Outer Dark). Sau đó, ông cùng vợ trở về Mỹ và sách được phát hành vào năm 1968.
      Năm 1969, McCarthy chuyển đến Louisville, bang Tennessee và mua lại một ngôi nhà thô sơ. Ông bắt tay vào tiểu thuyết thứ ba... Con của chúa (Child of God), xuất bản vào năm 1973, lấy bối cảnh ở miền Nam Appalachia. Năm 1976, cuối cùng thì tiểu thuyết Suttree mà ông viết trong 20 năm trời cũng đã hoàn thành. Với số tiền từ Hội MacArthur (MacArthur Fellowship) do ông thành lập năm 1981, ông đã xuất bản được Blood Meridian, or the Evening Redness in the West…
      McCarthy hiện sống ở Tesuque, New Mexico, với vợ ba là Jennifer Winkley (kết hôn năm 2006) và con trai John McCarthy. Nhà văn 74 tuổi được biết đến như một người "cô độc, lạnh lùng" và luôn "ưa thích cuộc sống ẩn dật". Ông nói "không" với các  hoạt động như giới thiệu sách, viết báo, giảng dạy, đọc sách trước công chúng và rất hiếm khi chịu trả lời phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên tờ The New York Times, McCarthy tiết lộ rằng ông không hâm mộ những nhà văn không “giải quyết các vấn đề của cuộc sống và cái chết” kiểu như Henry James, Marcel Proust. “Tôi thật không hiểu họ. Đối với tôi, đó không phải là văn chương. Nhiều nhà văn được đánh giá tốt thì tôi lại xem như xa lạ”. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầu tiên của McCarthy - chương trình của Oprah Winfrey hôm 5-6-2007, ông kể lại một số chuyện minh hoạ cho cảnh nghèo nàn mà ông đã chịu đựng trong sự nghiệp văn chương của mình, nói về kinh nghiệm làm bố ở độ tuổi... ông, và việc cậu bé John 8 tuổi trở thành nguồn cảm hứng cho ông viết Con đường như thế nào...

Hoàng Diễm