Hai người khổng lồ mới trong cuộc đua lên Mặt Trăng

27/08/2007 00:00

Nhật Bản vừa thông báo sẽ phóng vệ tinh thám hiểm lên Mặt Trăng trong khuôn khổ một chương trình nghiên cứu vũ trụ quy mô nhất thế giới. Đây có lẽ là bước tăng tốc của Nhật Bản trong cuộc chạy đua vũ trụ với Trung Quốc, nước có thể sẽ phóng vệ tinh lên Mặt Trăng trong tháng 9 tới.

      Nhật Bản đánh giá Dự án vệ tinh thám hiểm Mặt Trăng SELENE có quy mô lớn nhất thế giới kể từ chuyến thám hiểm của tàu Apollo cách đây gần 4 thập kỷ. Trung Quốc cũng không chịu lép vế khi tuyên bố đã xây dựng đủ cứ liệu khoa học về bề mặt Mặt Trăng để sẵn sàng cho một cuộc đổ bộ sớm diễn ra. Nhật Bản và Trung Quốc đang tạo ra một cuộc chạy đua nóng bỏng nhất kể từ sau cuộc đua đưa người lên Mặt Trăng của hai nhà khổng lồ trong ngành hàng không vũ trụ là Mỹ và Liên Xô.
      Hệ thống vệ tinh SELENE gồm 1 trạm chính và 2 trạm phụ, sẽ được phóng lên quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 13.9 sau nhiều năm bị trì hoãn vì lỗi thiết kế kỹ thuật. Vệ tinh Chang'e 1 của Trung Quốc lúc đầu cũng được cho là sẽ phóng lên vào một ngày đầu tháng 9, nhưng đến nay vẫn chưa có lịch trình cụ thể. Tuy nhiên, trước việc Nhật Bản ấn định ngày 13.9, thì Trung Quốc cũng sẽ sớm có "ngày của họ". Với cả hai nước, đây đều là những chuyến thám hiểm đặt nền móng đầu tiên, nên họ đều tỏ ra thận trọng. Yasunori Motogawa, một lãnh đạo của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản JAXA nói rằng: “Tôi không muốn đặt vấn đề thắng thua ở đây. Trong suy nghĩ của mình, tôi thấy dù nước nào phóng vệ tinh lên trước thì chương trình của Nhật Bản cũng sẽ đem lại những thông số kỹ thuật siêu hạng. Rồi chúng ta sẽ biết ai sẽ đạt được những tiến bộ đột phá”.
      Nhật Bản đang nỗ lực đuổi theo những kết quả mà Trung Quốc đã đạt được. Ngành công nghệ vũ trụ của quốc gia đông dân nhất thế giới đã có những bước tiến dài trong vài năm trở lại đây. Năm 2003, họ khiến cả châu Á rúng động khi thành công trong việc đưa công dân đầu tiên vào vũ trụ. Còn phương Tây thì thật sự lo ngại khi mới cách đây gần 1 năm, Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa tìm diệt vệ tinh, một đòn quân sự mà chưa một quốc gia nào, kể cả Mỹ và Nga, từng thực hiện. Theo nhiều đánh giá chuyên môn, Nhật Bản còn cách Trung Quốc một khoảng cách không lớn, nhưng sự thiếu hụt lớn nhất của họ là chưa một lần phóng tàu vũ trụ thành công, điều mà Trung Quốc đã làm được cách đây 4 năm. Sau sự cố tên lửa đạn đạo Taepodong của CHDCND Triều Tiên “hạ cánh” xuống Thái Bình Dương sau khi bay qua lãnh thổ Nhật Bản năm 1998, Tokyo đã dồn công sức vào dự án tổ hợp 4 vệ tinh do thám nhằm bám sát từng diễn biến nhỏ nhất dưới trái đất. Nhưng một vệ tinh bị hỏng chẳng bao lâu sau khi được phóng khiến người ta nghi ngờ về hiệu quả của hệ thống, nhất là khi nó không phát hiện được vụ thử tên lửa mới đây của Bình Nhưỡng.
      Tuy vậy, các đời Thủ tướng Nhật Bản đều hào phóng chi hàng trăm triệu USD để phát triển hệ thống vệ tinh do thám. Con số này có lẽ cao nhất châu Á, khu vực mà các nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan đều có vệ tinh của riêng họ. Hệ thống vệ tinh SELENE đã ngốn khoảng 276 triệu USD. Xét về kinh phí và cả mục tiêu dự án đặt ra thì chưa có một nước nào dám chi mạnh tay như thế để nghiên cứu Mặt Trăng, ngoại trừ Mỹ từng chi cho chương trình tàu thám hiểm Apollo. Các dự án của Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay, cũng như dự án Clementine và Prospector của Mỹ cũng không sánh nổi. Hệ thống vệ tinh SELENE sẽ gồm một vệ tinh trạm bay trong quỹ đạo Mặt Trăng, hai vệ tinh nhỏ khác có trách nhiệm thu thập thông số về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Tiếp sau dự án SELENE, Nhật Bản lên kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng vào khoảng năm 2025.
      Trung Quốc thì đặt ra thời điểm sớm hơn, trong vòng 15 năm tới. Chuyến thám hiểm tới đây của Chang'e 1 sẽ có nhiệm vụ thu thập chứng cứ về bề mặt Mặt Trăng. Chang'e 1 cũng sẽ sử dụng thiết bị máy quay chuyên dụng và máy quang phổ để vẽ bản đồ ba chiều về bề mặt Mặt Trăng, nghiên cứu bụi Mặt Trăng nhờ một robot. Chang'e 1 dự kiến bay quanh Mặt Trăng trong vòng 1 năm. Kinh phí mà Trung Quốc đã bỏ ra cho dự án này là 185 triệu USD. "Đây là một cuộc chạy đua khốc liệt và tốn kém; Do vậy, hợp tác là giải pháp tốt nhất. Nhưng ở vào giai đoạn này thì đó là điều không tưởng"- cựu lãnh đạo của JAXA Hideo Nagasu nhận xét.

Minh Trang