Công nghệ có mở ra con đường mới cho châu Phi?

24/08/2007 00:00

Lục địa Đen đang hướng tới công nghệ cao với hy vọng sẽ mở ra con đường mới cho tương lai của họ. Tuy nhiên, đầu tư những khoản tiền lớn vào phát triển công nghệ trong bối cảnh phần lớn người dân sống dưới mức nghèo đói đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

       Thị trấn Jinka nằm trên dãy đồi đầy cây xanh phía Nam Ethiopia là một trung tâm thương mại của 9 bộ lạc ở thung lũng Omo Valley. 80% sinh viên Ethiopia sống ở những nơi xa xôi như vùng Jinka, không có điện và nước máy. Thoạt nhìn Jinka giống như một xứ lạc hậu, tù túng kém phát triển nhưng thực tế thị trấn này nằm trong tốp đầu của xu hướng áp dụng công nghệ cao đang phổ biến ở châu Phi, một trong những yếu tố được coi là cứu tinh cho hệ thống giáo dục của châu lục này. Trường trung học Jinka, thoạt nhìn như một khu nhà bỏ hoang với các dãy bàn ghế xiêu vẹo, lại có phòng máy tính mới và hệ thống màn hình vô tuyến phẳng rộng 42 inch. Đây là những công cụ trợ giảng, giúp học sinh tiếp cận với bài học bằng những phương pháp tiên tiến nhất.  
      Trường học Jinka là một phần trong dự án đưa công nghệ vào giáo dục trị giá 100 triệu USD của Ethiopia, được thực hiện trong 3 năm với sự giúp đỡ của Tổ chức Văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO), Ngân hàng Thế giới (WB) và tập đoàn Cisco Systems. Hiện đã có 458 ngôi trường trên khắp Ethiopia được lắp đặt những thiết bị tiên tiến này.
      Ngày càng nhiều quốc gia châu Phi tìm đến công nghệ cao với hy vọng con đường này sẽ đưa họ đến với cuộc đua toàn cầu hóa. LHQ và Chương trình Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD) đặt ra mục tiêu đưa châu Phi sẵn sàng gia nhập thế giới công nghệ thông tin vào năm tới. Khi đó, đường dây cáp quang chạy dọc bờ biển phía đông châu Phi sẽ hoàn thiện, mang lại cơ hội kết nối internet băng thông rộng cho 22 quốc gia. NEPAD còn đưa ra sáng kiến thành lập các trường học trực tuyến, có khả năng kết nối 600.000 trường trung học châu Phi sau khi hệ thống mạng internet được đưa vào sử dụng . 
      Nhưng có nhiều ý kiến phản đối xu hướng tập trung vào công nghệ tin học của châu Phi. Những ý kiến này cho rằng việc tiêu quá nhiều tiền vào cơ sở công nghệ trước khi có giáo viên và giáo trình là không đúng với trình tự đào tạo thông thường. Vladimir Kinelev, Giám đốc Viện công nghệ thông tin giáo dục của UNESCO cho rằng chỉ những thiết bị tiên tiến không thể giúp giải quyết được vấn đề của châu Phi, nơi phần lớn người dân đang phải sống dưới mức 1 USD/ngày và không có nước sạch sử dụng. Các chuyên gia của UNESCO cho rằng trong khi châu Phi còn đang thiếu những thiết bị giảng dạy cơ bản như sách giáo khoa, phấn, thậm chí cả giáo viên thì những khoản đầu tư vào công nghệ cao không thể là ưu tiên hàng đầu. Giám đốc đào tạo giáo dục bậc cao của Kenya David Siele cũng đồng tình với ý kiến này khi nhận xét điều quan trọng nhất hiện tại là làm sao có nhiều trẻ em châu Phi được tới trường.
      Tuy nhiên, đa số các nhà lãnh đạo châu Phi và giới chuyên gia quốc tế đều đánh giá phát triển công nghệ thông tin sẽ là sự chuẩn bị tốt cho lục địa Đen khi bước vào kỷ nguyên thông tin. Các chuyên gia của NEPAD cho rằng đầu tư vào công nghệ mới là khoản đầu tư dài hạn giúp trẻ em có các kỹ năng cần thiết để tìm việc làm. Tại Nam Phi, nhiều công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang cần người nhưng các nhà tuyển dụng phải dùng nhân lực nước ngoài vì thiếu lao động có trình độ. Một trong những người tiên phong trong kế hoạch giúp châu Phi tiếp cận với công nghệ mới là Nicholas Negroponte, Chủ tịch Dự án "Mỗi trẻ em một máy tính xách tay" của trường đại học Cambridge. Thông qua Google và Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Negroponte đã bán hàng loạt máy tính xách tay với giá thấp hơn 180 USD/1 chiếc cho Ethiopia và Nigeria. Rwanda cũng đã đăng ký 2,2 triệu chiếc vào 2010. 
      Theo ông Negroponte, đào tạo giáo viên, mua sách và xây dựng trường học sẽ mất nhiều thời gian trước khi đáp ứng được nhu cầu của châu Phi. Trong khi, một chiếc máy tính xách tay và một máy chiếu sẽ mở ra những chân trời kiến thức rộng lớn. Tin vào điều đó, Kenya đang hy vọng sẽ nhanh chóng chuyển đổi đất nước thành một trung tâm công nghệ thông tin. Còn Ethiopia, Rwanda đều mong muốn công nghệ sẽ giúp nền giáo dục đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn cho dù thực tế là châu Phi còn rất nhiều việc phải làm.

Hoa Chi
Theo NW