Những hạn chế trong hoạt động của đại biểu HĐND huyện, xã

18/08/2007 00:00

Trong những năm qua, HĐND các cấp đã có những đổi mới về tổ chức cơ cấu và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của HĐND hai cấp ở địa phương cho thấy, đại biểu HĐND còn bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao...

      Trước hết, đại biểu HĐND cấp huyện và đặc biệt là cấp xã rất ít tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các đề án, dự thảo nghị quyết. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chức năng quyết định của HĐND các cấp. Vì để đề ra được các mục tiêu KT- XH, xác định những nhiệm vụ sát với thực tế địa phương, rất cần sự tham gia đóng góp của từng đại biểu. Vấn đề càng được thảo luận kỹ thì nghị quyết của HĐND mới có sự nhất trí cao, đồng thuận và đi vào cuộc sống. Hơn nữa, thông qua thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng các nghị quyết, đại biểu mới hiểu sâu, nắm được tinh thần cơ bản của nghị quyết, từ đó có thể phổ biến, giải thích, tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện nghị quyết. Đây cũng là tiền đề để đại biểu thực hiện chức năng giám sát.
      Thứ hai, tại các kỳ họp, đại biểu HĐND cấp huyện và xã ít chất vấn và ngại chất vấn. Trách nhiệm của đại biểu chưa được phát huy, trong khi cuộc sống hàng ngày có biết bao bức xúc của người dân đòi hỏi các cấp chính quyền cần phải gồng mình lên giải quyết. Những điều bức xúc không phải đại biểu không biết nhưng không nói ra vì ngại va chạm. Vì vậy, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND cấp huyện và xã diễn ra tẻ nhạt, ít hấp dẫn. Một số kỳ họp HĐND cấp xã huyện Bình Xuyên thậm chí không thực hiện hoạt động chất vấn.
      Thứ ba, hiện nay có một số đại biểu HĐND cấp huyện, xã chưa dành thời gian thích đáng cho việc tiếp xúc cử tri, thực hiện nhiệm vụ giám sát. Khảo sát qua hơn nửa nhiệm kỳ 2004 - 2009 tại huyện Bình Xuyên, có tới 12% số đại biểu HĐND cấp xã, 10% đại biểu HĐND cấp huyện chưa trực tiếp tham gia thông báo, truyền đạt nghị quyết kết quả kỳ họp tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Nhiều Thường trực HĐND xã và đại biểu HĐND xã không thực hiện hoạt động giám sát. Thậm chí có xã, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chưa thực hiện chức năng giám sát hoặc không báo cáo được kết quả hoạt động của đại biểu trước cử tri. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ vì nó phá vỡ mối liên hệ chặt chẽ giữa đại biểu với cử tri. Nhiều đại biểu, khi tiếp xúc cử tri, mới chỉ dừng lại ở việc đọc báo cáo, thông báo chương trình, nội dung, kết quả kỳ họp mà chưa có kỹ năng phổ biến, giải thích nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND. 
      Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, nhưng tựu trung có ba nguyên nhân chủ yếu sau đây: Thứ nhất, đại biểu HĐND cấp huyện và xã không thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng để có đủ kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu. Do quy định về cơ cấu đại biểu HĐND như hiện nay, đại biểu cấp huyện và xã chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm; như HĐND huyện Bình Xuyên, đầu nhiệm kỳ có 33 đại biểu thì chỉ có 2 đại biểu chuyên trách, 100% đại biểu HĐND cấp xã là kiêm nhiệm. Từ sau cuộc bầu cử tháng 4.2004 đến nay, đại biểu cấp huyện và xã chỉ được tập huấn 1 đợt 2 ngày. Thứ hai, đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã rất thiếu thông tin, thiếu kinh phí hoạt động. Hiện nay, tại 13/13 xã, thị trấn của huyện Bình Xuyên, đại biểu HĐND xã không được cấp báo, tạp chí (trừ các đại biểu là lãnh đạo chủ chốt như Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã, thị trấn). Tài liệu duy nhất của đại biểu cấp xã là các báo cáo, nghị quyết của HĐND được phát trong dịp diễn ra kỳ họp. Ở huyện Bình Xuyên kinh phí chi cho hoạt động của HĐND cấp xã theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh chỉ đạt 37,6% và cũng mới được cấp từ năm 2007. Do vậy, phần lớn các xã không đặt mua báo, tạp chí cho đại biểu HĐND; không thể tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức hàng năm cho đại biểu. Các hoạt động xây dựng nghị quyết, tổ chức thẩm tra, giám sát cũng bị hạn chế rất nhiều do thiếu kinh phí. Thứ ba, do cách bầu cử, phân bổ cơ cấu như hiện nay (đây là nguyên nhân chung) làm hạn chế phát huy nhân tố tích cực, tính độc lập, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu. Chẳng hạn: Trong tổng số 33 đại biểu HĐND huyện Bình Xuyên, có tới 12 đại biểu hoạt động tại lĩnh vực quản lý nhà nước chiếm 36,3%; 10 đại biểu hoạt động trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chiếm 30%; trong khi đó, lĩnh vực kinh tế- văn hóa- xã hội chỉ có 9 đại biểu chiếm 27%, lĩnh vực an ninh- quốc phòng có 2 đại biểu chiếm 7%. Đây là những lĩnh vực quan trọng nhưng với tỷ lệ đại biểu như vậy là quá ít.
      Từ các nguyên nhân trên và từ thực tế của địa phương, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đại biểu HĐND: Cần thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp, nhất là đại biểu HĐND cấp xã, ít nhất là mỗi năm 1 đợt từ 2- 3 ngày. Tăng các chế tài đảm bảo cho việc thực hiện nghị quyết HĐND được thực hiện nghiêm, đảm bảo đúng pháp luật, kịp thời và đầy đủ. Cần sớm bổ sung, sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tăng số đại biểu chuyên trách HĐND các cấp, trước mắt các Trưởng ban của HĐND cấp huyện, Phó chủ tịch HĐND cấp xã, thị trấn nên là đại biểu chuyên trách; Có chế độ khen thưởng cho mọi đại biểu HĐND, không chỉ giới hạn trong số các đại biểu hoạt động chuyên trách như Điều 77 Quy chế hoạt động của HĐND hiện nay.

Trần Quang Hồng
Phó chủ tịch HĐND huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc