Thêm thuốc nổ vào thùng thuốc súng
Cảnh sát Italy vừa phát hiện một đường dây buôn vũ khí lậu vào Iraq. Tình trạng "thêm thuốc nổ vào thùng thuốc súng" này càng khiến viễn cảnh ổn định Iraq trở nên xa vời.

Tại một góc khuất nẻo trong sân bay Fiumicino, nhộn nhịp nhất thành Rome, khi cảnh sát lúi húi kiểm tra các thùng đồ lớn của khách hàng, đã phát hiện những thứ bất ngờ: Một cẩm nang vũ khí, áo giáp chống đạn và mũ sắt. Dựa trên những bằng chứng này, cơ quan điều tra chống Mafia của Italy đã mở một chiến dịch đặc biệt nhằm vào thị trường giao dịch ngầm và phát hiện một đường dây buôn lậu vũ khí cực lớn giữa Italy - Iraq. Chuyến hàng vận chuyển hơn 10 vạn khẩu súng máy xuất xứ từ Nga tới Iraq, có trị giá không dưới 40 triệu USD đã bị giăng lưới và hốt gọn vào thời điểm quan trọng nhất, khi kẻ mua người bán đã phần nào lộ diện. Hãng tin AP xác minh được rằng nhúng tay vào phi vụ này có cả các quan chức trong Chính quyền Iraq trong khi bộ máy quân sự của Mỹ tại Iraq không hề hay biết.
Chiến dịch điều tra do công tố viên Dario Razzi chỉ huy bắt đầu từ năm 2005, ban đầu chỉ hướng tới các đường dây buôn bán vũ khí sang Libya, nhưng sau chuyển hướng nhanh sang Iraq vào cuối năm 2006, thời điểm mà nhiều kho hàng trên biển ở Malta và CH Síp bị nghi ngờ. Đến nay mới chỉ có 4 công dân Italy bị bắt giữ, một người khác và có thể là kẻ chủ mưu đang ẩn náu đâu đó bên châu Phi. Dấu vết về sự can dự của Chính quyền Iraq bắt đầu xuất hiện khi cơ quan điều tra bắt được bức thư của một công ty xuất nhập khẩu Iraq gửi cho chủ kho hàng MIR Ltd. ở Malta, đặt mua 10 vạn khẩu AK-47 và 1 vạn khẩu súng máy loại khác để “trang bị cho Bộ Nội vụ”. Một đối tác khác là công ty tổng hợp Al-Handal ở Dubai cũng đặt Bettinotti chuyến hàng thiết bị quan sát ban đêm. Al-Handal và công ty mẹ - tập đoàn al-Thuraya - sau đó đã trở thành nhà trung gian trên đường dây mua bán vũ khí này. Lúc đầu, hai bên mặc cả giữa AK-47 sản xuất tại Nga và sản xuất tại Trung Quốc, nhưng sau đó một tay buôn Bulgaria đã nhảy vào đáp ứng 5 vạn khẩu AKM (phiên bản nâng cấp từ AK-47), 5 vạn khẩu AKMs báng gấp và 5.000 khẩu súng máy PKM. Giá được rao trọn gói là 39,7 triệu USD và phía Iraq sốt sắng đồng ý dù biết rằng bên trung gian người Italy sẽ nẫng gọn 6,6 triệu USD tiền chênh lệch.
Iraq đang là cục nam châm cực mạnh hút các đường dây buôn lậu vũ khí. Nhưng việc mua bán vũ khí có lẽ không nghiêm trọng bằng việc sau đó chúng “mất tích” ở Iraq. Mỹ mới đây cũng thống kê được 19 vạn khẩu súng các loại, 13,5 vạn áo chống đạn, 11,5 vạn mũ sắt họ trang bị cho quân đội Iraq đã mất dấu vết. Con số thống kê đó dù có thể không chính xác cũng gần như đóng băng kế hoạch thay thế AK-47 bằng M-16 của Mỹ cho Iraq. Còn trong Chính quyền Iraq, số vũ khí mà Chính quyền phân phát nhưng không kiểm soát nổi cũng dễ dàng đến tay các tổ chức vũ trang và chúng được sử dụng để chống lại chính các cơ quan đầu não. Việc cộng đồng người Sunni mới đây gửi thư cầu cứu tới các quốc gia Arập láng giềng hy vọng được bảo vệ trước sự lộng hành của các nhóm vũ trang Shiite cực đoan là một ví dụ. Các lực lượng vũ trang bất hợp pháp ở Iraq hiện nay vẫn rất mạnh và có hỏa lực không dễ bị đè bẹp. Ngoài các trung tâm lớn liên quân do Mỹ cầm đầu đã kiểm soát được, các nơi khác chính quyền Baghdad chỉ nắm được vào ban ngày, còn ban đêm là một thế giới khác.
Chính phủ đoàn kết của Thủ tướng al-Maliki đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Hàng loạt các thành viên nội các người Sunni đã từ chức khiến "Chính phủ đoàn kết dân tộc" chỉ còn hữu danh vô thực. 17 ghế Bộ trưởng vắng người điều hành đã làm tê liệt bộ máy Chính quyền trung ương. Trong hôm nay hoặc ngày mai, một cuộc họp khẩn cấp nhằm cứu vãn tình thế sẽ được ông al-Maliki triệu tập nhưng khả năng thành công thì vô cùng nhỏ nhoi vì Thủ tướng đã rơi vào thế không còn tự quyết định được các kế hoạch của mình. Ở Iraq, người ta đang nói đến hai cuộc xung đột vũ trang và dân sự.
Minh Trang
Theo AP, Reuters