Nhà đầu tư vẫn dè dặt với phương thức khớp lệnh liên tục
Ngày 30.7, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã chính thức áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, theo ghi nhận, phần lớn các nhà đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc quan sát phương thức giao dịch mới thay vì đặt lệnh mua bán như các phiên giao dịch trước đây.

Phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục được thực hiện ở phiên giao dịch thứ 2, kéo dài từ 9h - 10h30 hàng ngày; Riêng phiên giao dịch thứ nhất và thứ ba vẫn áp dụng phương thức khớp lệnh tập trung. Mặc dù tại các sàn giao dịch chứng khoán có rất đông các nhà đầu tư, song phần lớn là quan sát, rất ít nhà đầu tư đặt lệnh và đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia chứng khoán, giao dịch trên thị trường đạt mức thấp. Kết thúc đợt giao dịch thứ nhất ngày 30.7, chỉ số VN-Index giảm 11,88 điểm. Sang đợt giao dịch thứ 2, chỉ số VN-Index giảm 13,66 điểm và và kết thúc đợt giao dịch thứ 3, chỉ số VN-Index giảm 14,92 điểm, còn 925,44 điểm - mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua. Sang ngày 31.7, phương thức khớp lệnh liên tục chưa giúp cải thiện tính thanh khoản trên thị trường khi chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 17,49 điểm, tương đương giảm 1,89%, xuống mức 907,95 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 12.1 đến nay. Đa số các cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh tiếp tục giảm mạnh do cầu cổ phiếu suy giảm trong khi lượng cung cổ phiếu gia tăng mạnh và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi các công ty vẫn tăng cường phát hành thêm cổ phiếu và một lượng hàng hóa lớn đang xếp hàng để lên sàn.
Các nhà phân tích chứng khoán dự báo, thị trường sẽ tiếp tục ảm đạm trong một vài ngày tới do nhà đầu tư còn phải làm quen với phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục. Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng, về lâu dài khớp lệnh liên tục có nhiều ưu điểm hơn so với khớp lệnh theo phiên, tỷ lệ giao dịch thành công của các nhà đầu tư sẽ cao hơn. Thực tế sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã khiến thị trường trở nên quá tải, tình trạng rớt lệnh và lệnh của nhà đầu tư không được chuyển tới sàn là hiện tượng phổ biến tại công ty chứng khoán. Việc khớp lệnh liên tục như hiện nay sẽ cho tỷ lệ lệnh được khớp cao hơn so với khớp lệnh theo từng phiên. Bên cạnh đó, việc khớp lệnh liên tục sẽ góp phần hạn chế hiện tượng làm giá trên thị trường. Nếu như trong khớp lệnh định kỳ, rất nhiều nhà đầu tư không muốn mua ở giá nào đó nhưng vẫn đặt lệnh để tạo ra cung cầu giả. Thế nhưng khi chuyển sang phương thức giao dịch mới có sự kết hợp với khớp lệnh liên tục thì nếu phiên mở cửa mà nhà đầu tư cố tình đặt giá cao, sau khi chuyển sang phiên khớp lệnh liên tục có lệnh đối ứng kịp đưa vào hệ thống thì sẽ có thể khớp theo giá đó.
Về một số lưu ý trong khớp lệnh liên tục, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam Nguyễn Văn Thành cho biết: Phương thức khớp lệnh liên tục sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng các nhà đầu tư cần thận trọng trong quá trình khớp lệnh vì quan điểm của nhà đầu tư là đặt lệnh mua bán theo giá trần hoặc giá sàn để được khớp lệnh với mức giá tốt nhất. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nếu nhà đầu tư cố tình mua, bán, đặt lệnh theo mức giá mức giá khớp lệnh (ATO) là lệnh mua hoặc bán chứng khoán nhưng không ghi trước giá, do người đầu tư đưa ra cho người môi giới để thực hiện theo mức giá khớp lệnh; Hoặc lệnh ưu tiên khớp trong đợt khớp lệnh định kỳ (ATC) chỉ có thể được thực hiện khi có giá khớp, tức là khi có các lệnh báo giá (mua hoặc bán) phù hợp, nhiều khi sẽ bị ảnh hưởng đến lợi nhuận và bản thân nhà đầu tư sẽ không mua được giá như mong muốn. Do vậy nhà đầu tư cần nhanh chóng làm quen với phương thức giao dịch mới.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, từ đầu năm 2008, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng đơn vị giao dịch khớp lệnh lô chẵn là 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư thay vì theo lô chẵn là 10 cổ phiếu như hiện nay. Riêng về lệnh thị trường, việc áp dụng sẽ được thực hiện sau khi phương thức khớp lệnh liên tục đã hoạt động ổn định và được đánh giá tốt.
ĐỨC TRƯỜNG