Hỏi là đã trả lời
- Đức Phật - Ta ngươi - 1? 0?

1.
Thông tin ghi nhận từ buổi giao lưu và giới thiệu tác giả Hồ Anh Thái tác phẩm Đức Phật nàng Savitri và tôi tại Cung Văn Hóa Lao động TP. HCM có những cái độc đáo nhất:
- Đây là tiểu thuyết Việt ngữ đầu tiên viết về Đức Phật ngài Siddhattha, Đấng giác ngộ của nhân loại, với nhiều chi tiết được chọn lọc, sử dụng, đặt để chân thật và thú vị.
- Tác giả lần đầu xuất hiện với người đọc phương Nam và thành phố HCM nói riêng.
Ta chọn ngươi. Cách lập ngôn lạ biệt từ một hướng dẫn viên du lịch vùng đất Phật với khách phương xa cùng không gian trong buổi chiều mù sương, khả năng thấu thị kỳ lạ nhìn trong bóng tối, sáu cái bao tải căng phồng mà nhẹ bỗng, huyền bí… trong phần đầu câu chuyện đã gợi mở trong người đọc chúng ta dễ chừng đến n câu hỏi
Có một câu hỏi, của riêng ta. Dự buổi giao lưu sáng 26-5-2007, ta mới chỉ đọc hơn 200 trang sách, già nửa quyển, vừa mua chiều ngày hôm trước. Đọc trong những lúc có thể và trong cả những lúc tưởng chừng không thể. Đến gần hai giờ sáng! Câu hỏi của ta có xuất phát điểm từ chính bộc bạch của tác giả: quyển tiểu thuyết này đã từng khởi viết từ mười năm trước...
2.
Thật ra, sách do người Việt viết về Đức Phật trước nay đã có Đường xưa mây trắng và Ánh đạo vàng. Cả hai đều do các bậc cao tăng và cao niên dựa vào Phật sử viết lại, lưu truyền trong tăng giới. Đức Phật qua tiểu thuyết của Hồ Anh Thái rất gần gũi đời thường: ngài được mẹ, vốn là bà hoàng hậu sinh dưới một gốc sa la cổ thụ bên đường, chặng trở về quê nhà để sinh con theo tập tục của người Ấn. Dân gian ta vẫn gọi những trường hợp trên là đẻ rơi, thường gặp với những gia đình nghèo khó. Song tác giả vẫn giữ và đưa lại những chi tiết của cái bào thai chửa trâu (hơn mười tháng) và huyền thoại về ánh hào quang toả sáng bằng nước da trắng của hài nhi (người Ấn vốn dĩ có màu da vàng + đen ) như một sự lạ cần thiết.
Ta lẫn trong dễ hơn trăm người, ngồi bên dưới trông lên ngươi. Ta cảm được sự khiêm nhường của bậc trí giả qua những gì - trong hơn hai tiếng đồng hồ - ngươi đã tâm tình, bộc bạch. Chẳng phải nàng Savitri đã cùng ngươi qua những chuyến đi về miền đất Phật “tung hứng” hết mực, vẽ nên cuộc đời của Phật - quá quen thuộc với mọi người - song vẫn cứ lấp lánh, lung linh. Đấy là một cửa khó cho những người làm nghề viết
Câu hỏi của ta: Là người viết, xin anh cho biết đâu là mấu chốt giúp anh hoàn tất được quyển tiểu thuyết này, giải thoát 10 năm sống khốn cùng, vất vả? Ta đã đảo mắt, thậm chí đưa tay nhờ chuyển câu hỏi lên trên, nhưng rồi nghĩ lại, biết đâu câu trả lời nằm trong những trang sách mình chưa kịp đọc...
3.
Đức Phật, trong số ít bậc thánh nhân của các đạo giáo nhân loại có gốc gác người đời nhất. Điều này sử sách ghi chép rõ ràng và còn lưu truyền bao đời nay. Khoảng cách thời gian, không gian... trên 25 thế kỷ, tất yếu sẽ xuất hiện và tồn tại song song những huyền thoại hiển thánh. Đọc, hiểu và “giải mã” những huyền thoại xa xưa cho người thời nay đồng cảm đòi hỏi từ cả hai phía: người viết và người đọc. Và cần có một khoa học của khoa học... Đấy là cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
Ta chọn và dẫn ra đây đoạn trích trong bài Phật sử và hư cấu văn chương của nhà phê bình Hoài Nam, đăng báo Văn nghệ ngày 12.5.07: Giải thiêng theo nghĩa quét sạch những mây mù huyền thoại bao quanh cuộc đời Đức Phật để hiển lộ chỉ một hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát. Thường xuyên có một sự phản biện ngầm của tác giả trước những chi tiết mang màu sắc huyền thoại về Đức Phật mà kinh điển Phật giáo đã ghi lại... (Từ giải thiêng Hoài Nam dùng trong bài đúng nhưng không thật sáng). Và đoạn ngươi trả lời được lược thuật trên trang web Evan.com.vn: Tôi tôn trọng những ý kiến phê bình cho rằng tiểu thuyết của tôi nhằm mục đích giải thiêng. Nhưng tôi không tán thành ý kiến này. Tôi chỉ muốn qua trang viết của mình, xây dựng một hình ảnh Đức Phật, gần gũi, giản dị đến được với mọi người, gạt mây mù và ánh sáng huyền thoại bao quanh đời Phật… (Đặt cạnh nhau là mục đích của ta: chúng không có chút gì cách biệt nhau.)
Hỏi, với người biết nghĩ là đã trả lời. Thật tình, ngay khi hỏi ta chỉ ngờ ngợ trước nàng Savitri trong ba nhân vật có trên bìa sách. Hơn nửa quyển đọc thấy, rõ ràng nàng Savitri mang tính sáng tạo cao nhất của người viết. Nhiều thủ pháp của nghề văn như tượng trưng, huyền ảo, đồng hiện... Đây rất có thể là nhân vật - người kể chuyện Phật thời hiện đại đồng thời là công chúa Savitri của tiền kiếp - mới xuất hiện trong quá trình hoài thai/tư duy suốt mười năm sống cùng câu chuyện của nhà văn Hồ Anh Thái.
4.
Đức Phật, nhân vật của tiểu thuyết được xây dựng vẫn bám sát tích xưa sử cũ song vẫn cứ thật với người đời. Cuộc đời người, từ thiếu thời, tuổi thanh niên, cùng quá trình tầm sư học đạo, sáu năm khổ hạnh tu hành xác, đến đắc đạo, rồi quá trình hình thành phát triển cùng hoàn thiện tổ chức... Phật giáo. Tác giả đã sử dụng nhiều tích hay như khi đứng ra giải quyết tranh chấp nguồn nước giữa hai quốc gia; chuyện người mẹ trẻ mất con đi xin hạt muối của gia đình nào chưa hề mất người thân; một lần Phật nhận bát cháo sữa của người đạo Bà la môn... Cả câu chuyện người được Phật tử ca ngợi như một bậc Thầy vĩ đại nhất. Những lời răn dạy tỏ rõ một triết thuyết đầy tính nhân văn, một tấm lòng của người đức cao vời vợi...
Ta chọn vì không thấy ngươi “quá đà” khi viết về dục lạc (từ mới) như một yếu tố câu khách thường thấy trong nhiều sách của người viết trẻ, trong hàng loạt sách, truyện dịch từ Trung, từ Nhật… Những mối tình, những quan hệ/ quan niệm… tình dục cùng nhân vật Savitri và nàng Juhi, tì nữ của nàng đi ra từ kinh Kama Sutra, bộ sách tình dục Ấn cổ xưa nhất của nhân loại.
Ta đã đọc thêm nhiều lượt cho sự xác tín của mình. Đọc sách, và những bài viết/ phát biểu quanh đấy. Phát hiện của riêng ta còn có một cô nàng Savitri khác nữa, thủy chung nhất mực trong tích cổ Ấn Độ. Một cô nàng công chúa kén chọn chồng, nguyên là một hoàng tử con vị vua đang thất sủng, dù nàng biết trước chồng mình sẽ chỉ sống được tròn năm. Khi chồng đến hạn chết nàng đã quyết tâm và thông minh thừa đủ đòi thần chết phải hứa giúp mình thực hiện ba điều ước, trong đó có điều ước sanh được trăm người con. Và thần Yama đã phải đầu hàng trước đòi hỏi ấy, đưa trả chồng nàng trở lại dương thế...
5
Đức Phật gồm mười ba chương, 121 trang sách. Mười một chương mang tên Savitri 242 trang sách. Có hai lần bốn chương Đức Phật ở phần cuối quyển tiểu thuyết 431 trang liền kề nhau, chưa rõ nguyên do. Người viết có ý gì, hẳn không là sơ suất? Từ khâu biên tập chăng? Chi tiết về đôi chân ngài bọc trong vải trắng thò ra ngoài giàn thiêu vì thiếu củi ta không thấy nêu trong Đường xưa mây trắng của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Điều này thì ta có thể hiểu được!
Ta chọn ngươi vì trong năm chương Tôi, ngoài văn phong giễu nhại thuộc về phong cách trong một loạt tiểu thuyết gần đây, ngươi vẫn đan xen thủ pháp hư ảo “đĩa và máy CD”; tiếng cười không đúng chỗ đúng lúc của cựu nữ thần đồng trinh… Bộ ba Đức Phật, nàng Savitri và tôi hội tụ đủ đầy những yếu tố hấp dẫn được người đọc, song ở mỗi phần kiểu cách có khác nhau. Hẳn đây là mặt mạnh cần thiết cho những quyển sách có độ dày 500 trang in!
Một câu hỏi cuối cùng đã không được hỏi. Và rồi ta đi tìm câu trả lời. Không quá khó. Để có thêm niềm vui được khám phá. Cho chính ta.
5+1
Đất Phật và sự phát triển của du lịch thời đại... Mỗi mét vuông nơi đây đều phải trả tiền. Người ta chen chân, tranh nhặt từng chiếc lá bồ đề rơi... làm kỉ niệm. Không mấy người có được sự thành tâm tìm và hiểu chân lý, triết thuyết đạo thành. Và dù không xa lạ trước lối sống của giới “quý tộc”, đâu chỉ từ những 25 thế kỷ trước, nhưng sao ta vẫn đau và buồn trước thứ hạng 2, xếp sau Nam Phi trong con số người có HIV đến 5,13 triệu dân Ấn...
Ta chọn người không sai. Gần đây, tác giả Nguyễn Huy Thiệp cũng chọn những scandal (ai cũng biết) từ thời sự xã hội để viết ra sách. Quyển Tiểu Long Nữ và mới hơn là Gạ tình lấy điểm. Nhưng không thật sự thành công. Có thể, những phương cách/ hiệu quả nghệ thuật mà ngươi sử dụng trong quyển này - Đức Phật nàng Savitri và tôi sẽ giúp/ mở được lối đi cho không ít người viết khác.
Câu hỏi, thể nào rồi ta cũng có… Một chuyến đi qua cuộc đời Đức Phật, dù chỉ bằng trang sách, ta đã không còn như người cũ trước chuyến đi!
Tháng 6.2007
Lê Anh Thu