Hành trình tìm mộ Liệt sỹ Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên (Phần cuối)

27/07/2007 00:00

Hơn 10 năm giúp thân nhân các liệt sĩ theo phương pháp tìm mộ từ xa, điều tâm niệm lớn lao nhất đối với ông là sự may mắn trở về sau chiến tranh và trách nhiệm với những đồng đội đã ngã xuống.

Hành trình tìm mộ Liệt sỹ Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên (Phần cuối) ảnh 1

      Kỳ III: Về một thương binh - nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sỹ
      Chính ĐBQH, Nhà sử học Dương Trung Quốc và ông Nguyễn Thìn Xuân (Ban liên lạc Hội truyền bá Quốc ngữ) đã đặt vấn đề với nhà ngoại cảm Nguyễn Đức Phụng về việc tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố. Ông Phụng đã vui vẻ nhận lời mà không kèm theo bất cứ một điều kiện nào. Sự làm việc nghiêm túc, tận tâm của một người thương binh chuyên tìm mộ liệt sỹ là điều dễ hiểu. Nhưng kết quả, những chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên trong việc tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố mà chúng tôi chứng kiến từ đầu đến cuối không thể lý giải một cách đơn giản được. Và ngay chính cuộc đời của ông với những biến cố thăng trầm, từ một sỹ quan quân đội trở thành người có khả năng ngoại cảm và chuyên tâm tìm mộ liệt sỹ từ xa là những câu chuyện đầy bí ẩn. 
      Ông Nguyễn Đức Phụng sinh năm 1944, quê ở Bắc Mã, Đông Triều, Quảng Ninh. Ông là kỹ sư thủy lợi, là sỹ quan quân đội và có giai đoạn là giảng viên lý luận chính trị, hiện là thương binh loại 2/4. Ông tham gia bộ đội, chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ 1968- 1975, thuộc Sư đoàn 2, Quân khu V. Thời quân ngũ, ông đã 11 lần được tặng Huân chương, trong đó có 8 Huân chương Chiến công; 18 lần là Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ưư tú và diệt xe cơ giới ưu tú. Đồng đội của ông nói rằng, ông xứng đáng và nếu may mắn đã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.   
      Nhân chuyện tìm mộ cụ Nguyễn Văn Tố, Cậu Phụng kể cho tôi nghe một số câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp khó quên. Đó là năm 1971, ông là chính trị viên đại đội công binh, thuộc Sư đoàn 2, được lệnh cùng 11 đồng đội đi tiền trạm từ cao nguyên Boloven trên đất Lào, tiến sâu vào đất Quảng Nam làm nhiệm vụ tác chiến. Đặt chân đến đất rừng Quảng Nam, ông bị sốt rét nặng, không thể tiếp tục đi được. Ông tình nguyện ở lại một mình để không cản trở đồng đội làm chậm tiến độ hành quân. Đồng đội mắc võng giữa 2 gốc mun cổ thụ để ông nằm. Cơn sốt rét khiến ông mê man, thiếp đi từ 4h chiều đến tảng sáng hôm sau. Mờ sáng, ông mở mắt thì thấy một con hổ nằm ngay trên tảng đá, cách chỗ ông nằm chừng 10 m. Nó nằm phủ phục, đầu hướng về ông nhưng không lao đến tấn công. Thấy ông tỉnh, hổ phóng vào rừng. Ông nghĩ rằng, hổ đói nhưng không nỡ ăn thịt anh bộ đội!
      Cũng tại chiến trường, năm 1973, Nguyễn Đức Phụng cùng đồng đội giữ điểm cao 445m chiến lược Liệt Kiểm ở quân khu V. Suốt 125 ngày ông không rời chốt, kiên trì bám trụ dưới làn đạn pháo, bom cùng sức tấn công không ngừng của Sư đoàn bộ binh 125 ngụy. Chuyện hy hữu đã xảy ra, một quả bom tấn rơi trúng căn hầm mà ông đang trú ẩn nhưng không nổ. Ông vẫn sống và chốt vẫn còn. Đó là chưa kể việc năm lên 3, bị một trận ốm thập tử nhất sinh, người nhà đã đặt vào quan tài, chuẩn bị chôn thì phát hiện ra ông vẫn còn sống. Hay là chuyện sóng biển Quảng Ninh đã cuốn ông ra xa hàng km khi ông hộ đê chống bão, cuối cùng lại đưa ông dạt vào bờ ngay chính nơi ông bị cuốn đi khiến mọi người chứng kiến đều kinh ngạc.  
      Trong đời bộ đội, ông bị thương 17 lần, tổng cộng cơ thể ông chịu 53 vết thương. Năm 1975, ông Nguyễn Đức Phụng chuyển ngành về công tác tại Quảng Ninh; từng làm các chức vụ như chuyên viên và giảng viên chính trị Tỉnh ủy Quảng Ninh, Giám đốc xí nghiệp, Giám đốc Trung tâm văn hóa...
      Việc xuất lộ khả năng ngoại cảm nơi người thương binh một thời trận mạc bắt đầu từ năm 1988, là thời điểm mẹ ông ốm nặng. Ông đã 18 ngày đêm liên tục không ngủ để chăm sóc mẹ trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Sau khi mẹ mất, ông rơi vào trạng thái trầm uất, hay chiêm bao, mộng mị. Trong giấc mơ, ông thường thấy có một người phụ nữ xuất hiện trong ánh sáng rực rỡ, sau này ông gọi là Mẫu Đệ Nhất. Điều kỳ lạ là giấc mơ mách đường, chỉ lối cho ông về Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương gặp một người thầy. Năm 1994, sau khi nghỉ hưu, ông quyết về Tứ Cường tìm người trong những giấc mơ kỳ lạ. Khi tìm đến nơi, ông đã kinh ngạc tự hỏi: Tại sao lại chính xác đến thế! Người này cho đến nay ông vẫn kính trọng gọi là Mẫu và thường xuyên xin chỉ bảo.
      Từ những giấc mơ kỳ lạ, ông đã tìm được thầy học (Bà Mẫu). Từ đó, ông Nguyễn Đức Phụng học tập ngoại cảm với sự truyền dạy từ xa của thầy. Cách thức học không theo sách vở, trường lớp bình thường mà có sự liên thông giữa thầy và trò. Cuộc đời thương binh của ông Nguyễn Đức Phụng với những biến cố kỳ lạ, chịu nhiều thử thách trong chiến trường khốc liệt để rồi ông tự nguyện đứng ra gánh trách nhiệm đi tìm đồng đội bằng khả năng ngoại cảm của mình. 
      Đến nay, sau 10 năm, ông đã tìm được 24.857 ngôi mộ liệt sỹ thuộc các mặt trận: Việt Nam, Lào, Campuchia... vừa tìm mộ vừa trả lại tên cho các liệt sỹ vô danh. Ngoài ra, ông đã giúp tìm được 21.534 ngôi mộ gia tiên. Theo ông, khoa ngoại cảm mà ông theo học và thực hành hiện nay sẽ tồn tại với nhân dân, với đất nước. Ngoài khả năng tìm mộ từ xa, nó còn có tác dụng trợ giúp trên nhiều ngành, lĩnh vực khác. Ông nói rằng, khoảng cách giữa ngoại cảm và mê tín dị đoan chỉ là gang tấc, nếu không có tâm rất dễ lợi dụng. 
      Hơn 10 năm giúp thân nhân các liệt sĩ theo phương pháp tìm mộ từ xa, điều tâm niệm lớn lao nhất đối với ông là sự may mắn trở về sau chiến tranh và trách nhiệm với những đồng đội đã ngã xuống. 
      Khi tìm được mộ phần của Liệt sỹ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố, ông rất vui vì đã làm được một việc rất khó, nhưng lại rất có ý nghĩa. Được hỏi, ước muốn của cá nhân ông là gì? Nhà ngoại cảm cho rằng, cả người thầy ông (Bà Mẫu) và ông đều mong muốn nhà Nước công nhận hoạt động có ý nghĩa này và tạo điều kiện, quan tâm để khoa học ngoại cảm Việt Nam được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Nguyễn Minh Đức