Hội nghị của những nước nghèo

10/07/2007 00:00

Những nước thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính nhất lại là những nước phải trả giá cao vì tác động của tình trạng khí hậu nóng lên; Những người nghèo nhất đang bị đẩy dần vào những vùng đất cằn cỗi nhất và nguy hiểm nhất; Cũng chính họ là đối tượng bị tước dần cơ hội hòa nhập vào trào lưu chung của thế giới... Đó là những chủ đề nóng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị của 50 quốc gia nghèo nhất thế giới, khai mạc tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua 9.7.

      Theo tiêu chí hiện nay của Liên Hiệp Quốc, thế giới có 50 quốc gia được xếp là các nước kém phát triển nhất. Trong số này, 35 quốc gia nằm ở châu Phi, 10 quốc gia tại châu Á, 5 đảo quốc ở Thái Bình Dương và 1 quốc gia ở vùng Caribbe. Nhóm 12 quốc gia nghèo nhất thế giới hiện gồm Afghanistan, Angola, Bangladesh, Burkina Faso, Burundi, Djjibouti, Eritrea, Ethiopia, Gambia, Guinea, Sudan và Mauritania. Tất cả những nước này đều tham gia Hội nghị tại Thổ Nhĩ Kỳ do các cơ quan thuộc LHQ đứng ra tổ chức. Mục đích của hội nghị 2 ngày lần này là xem xét nhu cầu của các nước nghèo nhất; Nâng cao khả năng hòa nhập và đóng góp của họ vào nền kinh tế toàn cầu. Một tin vui trước hội nghị là đại sứ Mali (một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới) tại LHQ, Cheick Sidi Diarra, đã được bổ nhiệm làm Đại diện cấp cao của LHQ đặc trách vấn đề của các nước nghèo nhất thế giới.
      Có rất nhiều cách tiếp cận giải pháp xóa đói giảm nghèo. Có người cho rằng đảm bảo lợi ích xã hội cho trẻ em, người khuyết tật và người già sẽ giúp một quốc gia đạt được các mục tiêu xóa nghèo theo tinh thần của Mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đề ra. Đã có những nước thành công, như Nam Phi giảm được 94% số người nghèo ở độ tuổi nghỉ hưu nhờ chính sách cải cách lương hưu. Ở Mexico, nhờ chính sách hỗ trợ trẻ em của 20% số gia đình nghèo nhất mà tỷ lệ trẻ em nữ được đến trường tăng lên 9%, Bangladesh cũng giảm được 70% số gia đình thường xuyên đói ăn. Có người lại cho rằng nếu không kéo được giới doanh nghiệp nhập cuộc với chính sách của nhà nước thì nỗ lực đến mấy cũng khó thành công vì nhà nước không thể bao cấp mãi mà phải có doanh nghiệp tạo công ăn việc làm lâu bền. Theo Tổ chức Đoàn kết liên đoàn Anh, G4S là một tập đoàn lớn tại châu Phi với lực lượng lao động khoảng 82.000 người, lợi nhuận năm 2006 vào khoảng 272 triệu bảng. Ấy vậy mà nhân viên của tập đoàn này tại Malawi vẫn phải sống trong những căn nhà không có điện và nước sạch. Tổ chức Đoàn kết liên đoàn Anh cho rằng chỉ khi nào các tổ chức kinh tế và lực lượng lao động gắn kết được lợi ích lẫn nhau thì khi đó xóa đói nghèo mới hy vọng thành công.
      Nhà nghiên cứu Paul Collier tại Đại học Oxford thì tiếp cận ở một góc độ khác trong cuốn sách có tựa đề khá dài của ông là “Tại sao các nước nghèo nhất đang tiếp tục thất bại và chúng ta có thể làm những gì?”. Trong cuốn sách, Paul Collier chỉ ra 4 nguyên nhân mà ông gọi là “4 cái bẫy”. Cái bẫy thứ nhất là các chiến lược phát triển toàn cầu (như Mục tiêu Thiên thiên kỷ) chưa chú trọng đến những đối tượng nghèo nhất tại những nước đang phát triển. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của khoảng 1 tỷ người nghèo nhất thế giới chưa vượt được con số 50 và cứ 7 đứa trẻ được sinh ra thì có một đứa trẻ tử vong trước 5 tuổi. Cái bẫy thứ hai Paul Collier gọi là “bạn đường kim cương của những tay súng”, ám chỉ tài nguyên thiên nhiên là lý do gây ra những cuộc xung đột vũ trang triền miên. Cái bẫy thứ ba là sự phụ thuộc tuyệt đối của một số nước vào đường vận chuyển của nước khác nếu muốn mở rộng giao thương. Cái bẫy thứ tư và cũng là cái bẫy lớn nhất, gây hậu quả khôn lường nhất là một Chính phủ tồi. Paul Collier lấy ví dụ ở Zimbabwe, dưới thời Tổng thống Robert Mugabe cả nền kinh tế đã đổ sụp từ năm 1998 và tỷ lệ lạm phát bình quân là trên 1.000% mỗi năm. Thoát được 4 cái bẫy đó không chỉ cần đến giải pháp kinh tế mà còn cần tổng hợp các giải pháp chính trị, hợp tác quốc tế. Cái bẫy thứ tư trong lý thuyết của Paul Collier cũng tương tự như giải pháp mà Bộ trưởng Tư pháp Australia Philip Ruddock đưa ra. Đó là “không thể xóa được đói nghèo trên thế giới này nếu nạn tham nhũng trong cơ quan công quyền không bị tiêu diệt”.
      Thu nhập bình quân của các nước đang phát triển đã tăng 71% trong vòng 10 năm qua và hiện chỉ có 2 nước trong tổng số 132 quốc gia thuộc nhóm này có thu nhập giảm. Trong khoảng thời gian đó, xuất khẩu của các nước đang phát triển đã tăng 3 lần cả về kim ngạch lẫn dung lượng hàng hóa; trao đổi thương mại Nam - Nam tăng từ 577 tỷ USD năm 1995 lên 1.700 tỷ USD trong năm 2005. Trao đổi thương mại không chỉ diễn ra giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển mà còn phải diễn ra giữa các nước đang phát triển với nhau là mục tiêu của hội nghị tại Thổ Nhĩ Kỳ, để họ không bị bỏ rơi khỏi tiến trình toàn cầu hóa.

Minh Trang