Singapore - “Thỏi nam châm” đang hút nhân tài thế giới

07/07/2007 00:00

Cùng với quá trình toàn cầu hoá và sự phân công lao động quốc tế, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhân tài từ khắp nơi trên thế giới đổ về Singapore, biến quốc đảo này thành “thỏi nam châm” cực lớn đang hút các nguồn “chất xám”. Đây chính là kết quả của việc thực hiện các chính sách thu hút nhân tài của Chính phủ Singapore.

      Dân số giảm, nhân tài ra đi
      Sau khi giành được độc lập vào năm 1965, việc một gia đình có 6 con rất phổ biến ở Singapore. Do lo ngại về sự gia tăng dân số, trong những năm 70, Chính phủ Singapore đã áp dụng nhiều chính sách hạn chế sinh đẻ, siết chặt các quy định pháp luật liên quan tới vấn đề nhập cư. Kết quả là tỷ lệ sinh đã bắt đầu giảm, nhất là ở các phụ nữ có trình độ văn hoá cao. Tuy nhiên dân số giảm trong khi nhu cầu lao động ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hoá. Tại thời điểm này, Singapore đang phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám do các quốc gia phương Tây thay đổi chính sách nhập cư, chấp nhận người di dân châu Á. Cuối những năm 1970, khoảng 5% người có trình độ rời Singapore đến các nước khác. 
      Trước tình trạng dân số giảm và chảy máu chất xám, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm tăng dân số và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước khác. Singapore nới lỏng dần chính sách nhập cư, trong đó ưu tiên người nhập cư có trình độ, tay nghề cao từ các nước khác. Kết quả là trong giai đoạn 1970-1980, số lượng người nước ngoài ở Singapore đã tăng lên gấp đôi. Xu hướng này tiếp tục trong hai thập kỷ sau đó. Vào năm 2000, người nước ngoài chiếm khoảng 29% lực lượng lao động của Singapore và quốc đảo Sư tử trở thành nước có tỷ lệ lao động nước ngoài lớn nhất ở châu Á. Số lượng lao động nước ngoài ở Singapore đã tăng 170%, từ 248.000 người năm 1990 lên 670.000 năm 2006. 
      Thu hút nhân tài, hạn chế lao động phổ thông
      Ở Singapore, khái nhiệm lao động nhập cư được chia thành 2 loại: lao động phổ thông và nhân tài nước ngoài. Lao động phổ thông được hiểu là lao động chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo cơ bản. Họ chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Phần đông trong số họ đến từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Philippines và Thái Lan theo các thoả thuận song phương giữa Chính phủ Singapore và các nước này. Trong khi đó, khái niệm nhân tài thường được hiểu là những người nước ngoài có trình độ, tay nghề cao. 
      Trên cơ sở phân loại lao động nhập cư, Chính phủ Singapore đã ban hành các chính sách khác nhau đối với từng loại đối tượng. 
      Trong những năm gần đây, Singapore có xu hướng siết chặt các quy định đối với việc tuyển dụng lao động phổ thông nước ngoài. Vào năm 1981, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch 10 năm nhằm giảm dần số lao động nước ngoài chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, chính sách này đã bị giới doanh nghiệp phản đối mạnh mẽ do sự thiếu hụt lao động ở nước này.
      Vào tháng 4.1987, Singapore đã thông báo về chính sách nhập cư, để kiểm soát dòng lao động nhập cư. Hai yếu tố cơ bản của chính sách này là mức thuế hàng tháng mà chủ lao động phải trả cho mỗi lao động nước ngoài và giới hạn tỷ lệ lao động nước ngoài tối đa trong một doanh nghiệp. Sau đó, vào tháng 10.1991, Chính phủ Singapore lại tiếp tục thông qua hệ thống đánh thuế hai lớp, theo đó chủ sử dụng lao động bị buộc phải đóng mức thuế cao hơn cho những lao động nước ngoài mà họ đã tuyển dụng vượt quá tỷ lệ quy định. 
      Trong khi hạn chế các luồng lao động phổ thông đến từ các nước khác, Singapore lại áp dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút chất xám từ khắp nơi trên thế giới. Vào năm 1997, Bộ Nhân lực Singapore đã xây dựng website với tên gọi Liên lạc với Singapore (Contact Singapore) để những người tài trên khắp thế giới có thể truy cập và tìm hiểu các chính sách của nước này. Vào tháng 11.1998, Singapore đã thành lập Uỷ ban Tuyển dụng Nhân tài Singapore (STAR) với mục tiêu thu hút nguồn chất xám nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore còn xây dựng một chiến lược quốc gia nhằm hỗ trợ chỗ ở tiện nghi với giá cả hợp lý cho những người có năng lực từ các nước đến sống và làm việc tại Singapore.
      Nhiều chương trình tương tự khác đang được triển khai ở quốc đảo này như Chương trình Nhân lực 21 được thực hiện từ năm 1999 hay Chương trình Nhân lực Quốc tế của Uỷ ban Phát triển Kinh tế Singapore.
Gần đây, vào tháng 1.2007, Singapore đã chính thức áp dụng hệ thống giấy phép lao động mới cho người nước ngoài nhằm giữ chân và thu hút nguồn chất xám nước ngoài tới quốc đảo này. Theo đó, người nước ngoài đang làm việc tại Thành phố Sư tử có thu nhập ít nhất 30.000 SGD/năm (hơn 19.030 USD) sẽ được cấp giấy phép mới có thời hạn trong 5 năm. Giấy phép này sẽ được cấp trên cơ sở những thành tích của họ trong công việc và họ không cần phải đăng ký để xin cấp giấy phép khác nếu họ đổi nghề. 
      Theo các chuyên gia lao động, giấy phép mới này đã giúp người nước ngoài có năng lực giảm sự phụ thuộc vào người tuyển dụng và cho phép họ có thời gian tìm công việc mới khi họ muốn.
      Vài nét về Singapore
      Từ năm 1819 đến năm 1963, người Anh đã khai thác Singapore. Vùng lãnh thổ này trở thành một bang của Liên bang Malaysia và hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của nước Anh vào năm 1963. Năm 1965, Singapore đã tách khỏi Malaysia, trở thành một quốc gia độc lập, với diện tích 692,7 km2.
Tổng dân số của Singapore năm 2006 là 4.492.150 người. Tỷ lệ sinh là 9,34/1.000 người. Tỷ lệ tử vong là 4,28/1.000 người. Tuổi thọ bình quân là 81,71 tuổi (nam 79,13 tuổi và nữ 84,49 tuổi). Thu nhập bình quân đầu người là 30.900 USD.

Thanh Tùng