Nhà nước liên bang châu Phi - ý tưởng quá tham vọng
Cuối tuần qua, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 9 đã khai mạc tại Accra, Ghana. Thành lập một Nhà nước liên bang châu Phi và một Chính phủ cho toàn châu lục đã trở thành nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của hội nghị lần này. Tuy nhiên, ý tưởng này có nguy cơ gây ra một “cuộc chiến giữa những người khổng lồ” ở châu Phi.

Ý tưởng về một Nhà nước liên bang châu Phi không còn quá mới mẻ. Năm 1963, nhân phiên họp thành lập Tổ chức châu Phi thống nhất (OAU), cựu Tổng thống Ghana Kwame Nkrumah đã tuyên bố “chúng ta muốn một châu Phi thống nhất, thống nhất không chỉ ở quan niệm có một thể chế duy nhất mà còn thống nhất trong mong muốn cùng nhau tiến lên phía trước, cùng nhau giải quyết mọi vấn đề”. Hai năm sau, 1965, dự thảo thành lập một chính phủ cấp châu lục đã lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị Thượng đỉnh OAU tại Accra, Ghana. Sau hơn 4 thập kỷ, giờ đây ý tưởng này đã quay lại và trở thành tiêu điểm trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 9 cũng diễn ra tại Accra, Ghana, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên AU. Trong bài diễn văn khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà John Kufuor đã khẳng định “vấn đề thống nhất châu Phi là không còn phải bàn cãi gì nữa và việc cần làm giờ đây chỉ còn là xác định một lộ trình cụ thể để tiến hành quá trình này”.
Tuy nhiên, quá trình thống nhất châu Phi không phải “không còn phải bàn cãi gì nữa” mà ngược lại sẽ phải “bàn cãi” rất nhiều. Bằng chứng là tại Hội nghị lần này, ý tưởng trên đã cho thấy châu Phi chia rẽ đến nhường nào. Bất đồng sâu sắc nhất tập trung ở chỗ có nên thành lập một nhà nước liên bang châu Phi ngay trong thời điểm hiện nay hay không. Liên quan đến vấn đề này, có hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược. Một số nước cho rằng đây là một dự án hứa hẹn nhiều điều thú vị. Trong khi một số nước khác lại cho rằng đây chỉ là một dự án “đẻ non”, không khả thi và sẽ chỉ dừng lại ở lời nói. Mâu thuẫn dâng cao đến mức, không ít người lo sợ bất đồng liên quan đến vấn đề này có nguy cơ trở thành một “cuộc chiến giữa những người khổng lồ”châu Phi bởi ở cả hai phía đồng tình và phản đối người ta đều thấy có những gương mặt lớn của lục địa Đen.
Gương mặt đấu tranh nhiệt thành nhất cho dự án thành lập một Nhà nước liên bang châu Phi và một Chính phủ cấp châu lục là lãnh đạo Lybia, Tướng Muammar Kadhafi. Ông Kadhafi khẳng định mô hình nhà nước liên bang là mô hình lý tưởng cho mọi châu lục và đặc biệt đối với châu Phi đây sẽ là cứu cánh duy nhất để có thể xóa bỏ đói nghèo, đẩy lùi bạo lực và giải quyết những vấn đề nóng bỏng khác. Trước khi đến Ghana tham dự Hội nghị, nhân vật số một Lybia đã thực hiện chuyến công du đến một loạt các nước Tây Phi nhằm vận động các nước ủng hộ quá trình nhất thể hóa châu Phi. Đến Hội nghị thượng đỉnh Accra lần này, ông Kadhafi mang theo bức thông điệp cụ thể đó là thành lập một Nhà nước châu Phi duy nhất với một quân đội duy nhất, một đồng tiền chung và một hộ chiếu chung cho tất cả công dân châu Phi. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Senegal, Zimbabwe và một số quốc gia khác, nhưng lại vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều quốc gia mà đứng đầu là Nam Phi và Uganda. Khác với tướng Kadhafi, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki chủ trương một giải pháp thực tế hơn, theo đó trước mắt nên tập trung củng cố những thể chế khu vực đã tồn tại thay vì thực hiện một hoài bão quá lớn lao là thành lập một Nhà nước với một Chính phủ duy nhất cho châu Phi bởi để làm được điều này cần phải hội tụ nhiều điều kiện cần thiết mà hiện lục địa Đen chưa thể đáp ứng được.
Nhiều lãnh đạo AU lo ngại bất đồng có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các nước châu Phi. Lo lắng này không phải không có cơ sở vì Tướng Kadhafi vốn đã nhiều lần được biết đến qua những bài diễn văn với ngôn từ cứng rắn vượt quá giới hạn ngoại giao. Trong khi đó Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, gương mặt lớn của châu Phi, cũng không phải là người dễ bỏ qua mọi chuyện. Chưa hết, nhiều phái đoàn tham gia hội nghị còn lo lắng căng thẳng xung quanh vấn đề này có thể nhấn chìm những nội dung quan trọng khác trong chương trình nghị sự: chọn người kế nhiệm Chủ tịch Ủy ban AU Alpha Oumar Konaré, chiến tranh Darfur...
Kinh nghiệm cho thấy để quá trình nhất thể hóa một châu lục có thể được thực hiện một cách suôn sẻ thì các quốc gia thành viên phải đạt được sự ổn định nhất định về cả kinh tế và chính trị. Châu Âu vốn thịnh vượng là thế mà còn đang phải đối mặt với không ít khó khăn trên con đường nhất thể hóa của mình, huống hồ châu Phi còn đang ngập chìm trong xung đột và đói nghèo. Con đường đến với mái nhà chung của lục địa Đen xem ra vẫn còn khá xa và nhiều chông gai.
Phong Á