Các nét tiêu biểu về tư tưởng giáo dục của Hồ Chủ Tịch

24/06/2007 00:00

Tập sách Bác Hồ với Giáo dục, NXB Giáo dục, Hà Nội 2005, là nguồn cảm xúc và gợi ý cho bài viết Các nét tiêu biểu về tư tưởng giáo dục của Hồ Chủ Tịch.

      Gốc người
      Mở đầu cho tư duy đúng đắn về một hướng giáo dục nhân văn và hiện thực phải là một nhận thức đúng về tính người từ lúc vỡ lòng, để từ đó xây dựng hướng giáo dục con người hiện thực và toàn diện, nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển cá nhân và xã hội, trong mối liên hệ không thể tách rời của các hiện hữu.
      Mạnh Tử, trong văn học Trung Quốc, chủ trương "nhân chi sơ tính bản thiện" - con người sinh ra, tính vốn thiện. Tuân Tử thì chủ trương ngược lại, "nhân chi sơ tính bản ác" - con người sinh ra, tánh vốn ác. Hồ Chủ Tịch, dù thông rõ văn học Trung Quốc, vẫn độc lập tư tưởng, rất trí tuệ cho rằng con người sinh ra tính vốn không thiện, không ác: thiện hay ác là do giáo dục mà nên, khi Người viết: 
      Thiện, ác nguyên lai vô định tính
      Đa do giáo dục đích nguyên nhân
      (Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn
      Phần nhiều do giáo dục mà nên) (Sđd, tr14)
      Quan điểm của Người rất tương ứng với quan điểm giáo lý nhà Phật, đỉnh cao của trí tuệ: "nhân chi sơ tính vô ký" - con người sinh ra tính không phải thiện, không phải ác, về sau do huân nhiễm văn hóa, giáo dục và các tập quán xã hội mà thành. Quan điểm đó ở ngoài phạm trù tư tưởng của siêu hình, thần quyền hay duy ý chí.
Trên thực tế, trẻ được dạy ăn, bò, đi, nói; lúc biết nghe và biết nói thì được dạy những điều nên làm, những điều không nên làm vì lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội: đây là bước đầu hình thành các ý niệm về đạo đức, trách nhiệm, bổn phận. Thực ra, trẻ vốn đã thầm lặng chịu ảnh hưởng tác thành từ thai nhi, qua thức ăn, thức uống và tâm lý, tình cảm của người mẹ. Lớn lên giữa các cộng đồng có thiện, ác lẫn lộn, trẻ tập nhiễm cả hai. Đây là điều mà gia đình, xã hội và học đường có trách nhiệm giúp trẻ chọn lựa cái tốt và tránh xa cái xấu, như Hồ Chủ Tịch đã lưu ý: "Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong lòng mỗi người nảy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi". (Sđd, tr.186)
      Sứ mệnh giáo dục tại đây hiện ra như là sứ mệnh đem lại mùa xuân an lành, hiền thiện cho đời. Hệt như sứ mệnh của văn hóa Phật giáo biểu thị qua bài kệ thu tóm ý nghĩa của kinh tạng nhà Phật rằng: 
      "Không làm các điều ác,
      Làm các việc thiện,
      Giữ tâm, ý thanh tịnh
      Là lời chư Phật dạy" (Dhp.183)
      Hình mẫu giáo dục
      Trong lần viếng thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, vào tháng 9.1949, Hồ Chủ Tịch đã ghi những dòng ngọc ngà vào trang đầu sổ vàng rằng: " Học để làm việc làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. 
      Muốn đạt được mục đích, thì phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính chí công vô tư". (Sđd, tr103)
      Thế nào là học để làm người?
      Khổng Tử đã từng than: "Vi nhân nan, vi nhân nan" - làm người khó thay. Đức Phật thì dạy: "Phật pháp nan phùng, nhân thân nan đắc" - Phật pháp khó gặp, thân người khó được (Dhp. 182): giữa dòng luân lưu sinh tử, thác sinh làm người là rất khó, cái thân người có điều kiện để đạt đến đỉnh điểm của hạnh phúc và trí tuệ; nếu để cơ hội hành thiện trôi đi thì thật là muôn tiếc!
      Như thế, các bậc hiền triết phương Đông đều đặc biệt quan tâm đến giá trị cao quý được làm người. Hồ Chủ Tịch đã xác định giáo dục giữ vai trò đào tạo các cá nhân phát triển tốt các đức tính nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính. Làm người là thế. Nói theo ngôn ngữ của giáo dục hiện đại là giáo dục con người chính nó: con người hiểu mình, hiểu thế giới quanh mình và biết sống hạnh phúc.
      Thế nào là học để làm việc?
      Học để làm việc là học văn hóa với hiểu biết, kiến thức chuyên môn về các ngành, nghề để trở thành các lao động có tay nghề cao, các cán sự, chuyên viên, lãnh đạo các tổ chức xã hội nghề nghiệp, để sinh sống và phục vụ xứ sở. Đây là nội dung học tập ở các trường Trung học chuyên nghiệp, các trường Cao đẳng và các Phân khoa Đại học, Học viện. Đây là nội dung giáo dục con người xã hội của học đường hiện đại. Ghép lại hai nội dung giáo dục trên thì có đầy đủ nội dung giáo dục toàn diện thích ứng với các thời đại. 
      Thế nào là học để làm cán bộ?
      Bên cạnh mục đích làm người, làm việc, người cán bộ, đảng viên còn có mục địch phục vụ Tổ quốc, Đảng và Nhân dân trong các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí với thái độ phục vụ có yêu cầu cao hơn: "Tôi tớ trung thành của nhân dân". 
      Tư tưởng "Tôi tớ trung thành của nhân dân" là tư tưởng cấp tiến, rất nhân văn và rất trí tuệ của thời đại mới. Chỉ với thái độ phục vụ ấy, người cán bộ, đảng viên mới biểu hiện đúng mức vai trò và chức năng của mình. Chỉ với thái độ phục vụ ấy, người cán bộ, đảng viên mới có thể làm tiêu biến các tâm lý tiêu cực: tự ngã, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, lãng phí, tham nhũng... và thực sự cảm nhận niềm hạnh phúc cao quý của tâm lý vị tha, yêu thương đồng bào. Chỉ với thái độ phục vụ ấy mới đem lại cái được cho cả hai: người phục vụ và người được phục vụ. Đây là điểm tỏa sáng của trí tuệ. 
      Các thiền sư Phật giáo, các tu sĩ và cư sĩ hành hạnh "Bồ tát" (độ tha) cũng thực hành phương châm "làm thị giả cho chúng sinh" - làm người hầu hạ, phục vụ chúng sanh. Như thế, "làm tôi tớ" là hạnh phúc, mà không phải là gánh nặng. Đây là điểm tâm lý thực nghiệm có yêu cầu đạo đức cao hơn mức bình thường của người công dân thực hiện công bằng của luật pháp, vừa khơi dậy một nỗ lực vươn tới, vừa đưa ra một triết lý mới về lãnh đạo: thái độ chân thật, khiêm tốn vì dân, vì nước là thái độ lãnh đạo đích thực.
      Mục đích của giáo dục
      Nội hàm của "hình mẫu giáo dục" nói trên là mục đích của giáo dục Việt Nam, rất đầy đủ. Với phần học để phục vụ nhân loại, giáo dục biểu hiện một tầm nhìn xa hơn và sáng suốt, vừa chân xác về mối liên hệ không thể tách rời của thực tại: rối rắm, bất an ở vùng này là rối rắm, bất an ở vùng kia; vừa rọi sáng nghĩa vụ làm người bảo vệ trái đất thoát khỏi các tác nhân hủy diệt của chiến tranh và ô nhiễm môi sinh. Đây là viễn kiến phi thường của Người, đòi hỏi học đường Việt Nam có các ngành học về môi sinh và về đối ngoại - ngôn ngữ học, quốc tế học, khu vực học...
      Môi trường giáo dục
      Giáo dục hiện đại quan niệm giáo dục là con đường hai chiều của dạy và học, từ vỡ lòng cho đến cuối đời, tỏa khắp ba môi trường: gia đình, xã hội, và học đường. Với quan niệm ấy, khi nói chuyện với lớp Nghiên cứu chính trị, khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, tháng 7.1956, Hồ Chủ Tịch bảo: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân". (Sđd, tr226)
Cuộc sống vốn là một dòng chảy liên tục như Héraclite đã nói: "Bạn không thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước (You can not step into the same river twice); Như Khổng Tử đã than: "Trôi chảy mãi thế này ư, ngày đêm không dừng nghỉ" - thệ dã như tư phù bất xả trú dạ; Và như Đức Phật đã tuyên bố: "Hết thảy hiện hữu là vô thường" (sabbe sankhàrà aniccà). Thấy rõ điều đó, Hồ Chủ Tịch nhận thức việc dạy và học là kéo dài trọn đời, bởi mỗi người phải học hiểu chính mình và thế giới quanh mình để sống và để phục vụ. Với Người, môi trường giáo dục gồm cả trường học và trường đời.
      Nguyên tắc (nguyên lý) của giáo dục
      Trong tiến trình thể hiện chức năng của giáo dục, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, học sinh, học đường, theo ý kiến chỉ đạo của Hồ Chủ Tịch, cần tôn trọng một số nguyên tắc gọi là các nguyên lý giáo dục:
      - Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
      - Trung học thì cần đảm bảo cho học sinh những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
      - Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu. (Sđd, tr.217)
      Người còn kết hợp tâm lý giáo dục vào công tác giảng dạy và nghệ thuật giảng dạy, như là nguyên lý. Lúc đến thăm nơi giáo dục dạy nghề ở trại Kim Đồng, năm 1957, Người căn dặn các cán bộ quản lý: "Các cháu đã không còn bố mẹ, thì các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ các cháu. Các cô, các chú nuôi dạy các cháu phải đem cả tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Bác thấy ở đây, đối với các cháu còn có vẻ trại lính, thiếu cái ấm cúng của gia đình. Dạy bảo các cháu vào khuôn phép, sống có kỷ luật, trật tự là đúng, nhưng không để các cháu mất cái hồn nhiên, mất cái vui tươi, thỏa mái. Đừng biến các cháu thành các ông cụ non". (Sđd, tr163)
      Ở một nơi khác, Người dạy: "...Làm sao cho các cháu khi chơi là được học, mà trong khi học vui vẻ như được chơi". (Sđd, tr. 180)
      Nguyên tắc giáo dục trên không chỉ áp dụng với các cháu thiếu nhi, mà còn cần áp dụng rộng rãi vào Trung học, Đại học và cả các đoàn thể xã hội. Cái nghệ thuật tạo cho người nghe có một tâm lý hoan hỉ lắng nghe là một nghệ thuật đầy tính nhân văn và thiện xảo mà sinh thời Đức Phật, các đại đệ tử của Ngài và các vị bồ tát của các thời đại, vẫn thường vận dụng. Một trong bốn đức biện tài vô ngại của Đức Phật và các bậc A-la-hán lớn là thuyết giảng hay và khiến người nghe sanh tâm hoan hỷ gọi là "nhạo thuyết biện tài vô ngại".
      Quan điểm về giá trị trong giáo dục
      Hệ thống triết lý giáo dục thường đề cập đến ba yếu tố cấu thành: đánh giá về nhận thức (hay nhận thức luận); đánh giá về sự thật của hiện hữu, bản chất của hiện hữu (hay bản thể luận) và đánh giá về giá trị (hay giá trị luận).
      Với giáo dục Việt Nam hiện đại, nhận thức luận là thuật ngữ tương đương với từ  lý luận; bản thể luận thì tương đương với từ thực tiễn, thực tế; và giá trị luận thì tương đương với từ giá trị thiện, ác đánh giá các giá trị của hành động, hiện hữu.
      Hồ Chủ Tịch chủ trương luôn luôn kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tế, nghĩa là kết hợp nhận thức với thực tại. Người cho rằng thực tế mà tách rời khỏi lý luận là thực tế mù quáng; lý luận mà không thống nhất với thực tế là lý luận suông, thực tế của con người phải là sự gặp gỡ của nhận thức và thực tại. Người bảo: "Trong lúc học tập lý luận chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế... Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Marx - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". (Sđd, tr203)
      Luận lý học của Phật giáo cũng là sự thống nhất giữa lý luận, nhận thức với thực tế: sự thật của các mệnh đề lý luận gọi là chân (truth); sự thật của thực tế gọi là như (reality). Sự thật được chấp nhận gọi là chân như: nơi gặp gỡ, kết chặt giữa luận lý và thực tế. Chân như là thực tại của cuộc đời.
      Trên cơ sở thực tế và nhận thức, các hành động được đánh giá: tốt hay thiện, nếu vì mục đích phục vụ Tổ quốc, nhân dân và rèn luyện đạo đức bản thân; xấu hay ác, nếu chỉ vì vị kỷ, tự lợi và phát triển các tâm lý tiêu cực- lười biếng, tham ô, quan liêu, cửa quyền... Hồ Chủ Tịch minh định: "...Nếu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích của nước nhà, của dân tộc, thế là Ác. Thực hành chí công, vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, thế là Thiện. Nếu phạm phải quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lười biếng, thế là Ác. (Sđd, tr.187)
      Trung tâm điểm của giá trị vẫn là độc lập, tự do, hạnh phúc của Tổ quốc và Nhân dân, và hạnh phúc của cá nhân luôn gắn liền với hạnh phúc của toàn dân. Cái nhìn rất trí tuệ của Người vừa ứng hợp với sự thật tương quan mật thiết của vạn hữu, vừa canh cánh mối lo lâu dài của lịch sử dân tộc: thường đối mặt với họa xâm lăng và các khắc nghiệt của thiên nhiên; và vừa trọn vẹn phát triển con người toàn diện của từng công dân đi vào hạnh phúc trần thế. Cái nhìn ấy cần được lịch sử giữ gìn, trân trọng, học đường đương đại thể hiện và phát huy.
      Tự học
      Giáo dục nhân văn và cấp tiến chủ trương người thầy giáo chỉ giữ vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, học viên thì phải làm lấy phần việc của chính mình: lắng nghe, tìm hiểu, và thực hành, bởi hầu như mọi người đều có một khả năng vô hạn tiềm tàng ở bên trong mình. Vai trò của học đường chỉ giúp biểu hiện khả năng ấy vào thực tế cho đến bước đi sau cùng của cấp Trên đại học - Tiến sỹ, bước đi mà người học có đủ điều kiện để tự mình đi. Tự mình đi là tự học đúng chân nghĩa. Lộ trình học, như vậy là tự học từng phần và tự học toàn phần, như lời Hồ Chủ Tịch nói: "Về việc học, lấy tự học làm cốt". (Sđd, tr.16)
      Đời người, theo đó, trong ý nghĩa tích cực, là một quá trình của học tập và phát triển, học tập ở gia đình, học đường, xã hội, và lắng nghe, học tập ở chính mình và thiên nhiên. Nghe rất văn hóa và giáo dục vậy.

ĐBQH, Hòa thượng  Thích Chơn Thiện