Nghệ nhân là di sản văn hóa sống
Di sản văn hóa phi vật thể đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Trong đó các nghệ nhân được coi là những “bảo tàng sống” của nền văn hoá phi vật thể. Song hiện nay, các “bảo tàng sống” đó đang có nguy cơ mất dần. Xung quanh vấn đề này chúng tôi có cuộc phỏng vấn Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT LÊ THỊ MINH LÝ…

PV: Thưa Phó cục trưởng (PCT), căn cứ vào những tiêu chí nào để xét công nhận di sản văn hóa phi vật thể?
PCT LÊ THỊ MINH LÝ: Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu theo nghĩa rất rộng, đó là những truyền thống văn hóa, giá trị văn hóa và được truyền từ đời này qua đời khác bằng các phương thức truyền khẩu, trao truyền. Di sản văn hóa phi vật thể khác với di sản văn hóa vật thể ở chỗ nó luôn gắn với con người, nó ở trong con người, con người thực hành các hoạt động văn hoá đấy. Ví dụ như trình diễn một nghệ thuật hoặc làm một nghề thủ công truyền thống đều phải thông qua con người. Về mặt tiêu chí thì không có một tiêu chí chung cho từng loại hình. Mỗi loại hình nghệ thuật và mỗi nghệ nhân gắn với loại hình nghệ thuật ấy là khác nhau. Do đó có rất nhiều tiêu chí để công nhận đâu là di sản văn hóa phi vật thể. Nhưng tiêu chí chung còn phụ thuộc vào từng quốc gia và từng loại hình nghệ thuật.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng các nghệ nhân cũng là di sản văn hóa phi vật thể. PCT có suy nghĩ gì về vấn đề này?
PCT LÊ THỊ MINH LÝ: Như tôi đã nói ở trên, di sản văn hóa phi vật thể luôn gắn với con người và thông qua con người để thể hiện. Do đó, người ta nói: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể chính là bảo vệ con người. Vì họ là những người nắm giữ các di sản và ở họ có những tài năng, có những kinh nghiệm, có những bí quyết, có những tri thức từ ngàn đời để lại. Và những tri thức đó cần phải trao truyền lại cho thế hệ mai sau. Chúng ta cần giúp các nghệ nhân để họ phát huy những khả năng, tiếp tục sáng tạo và truyền lại cho con cháu. Nghệ nhân là người nắm giữ các di sản. Quốc tế đã dùng thuật ngữ “Livif Human Treasure”, nghĩa là “báu vật nhân văn sống” để nói về vai trò của các nghệ nhân. Nghệ nhân là di sản văn hóa sống.
PV: Vậy chúng ta đã có những chính sách đãi ngộ thế nào đối với các nghệ nhân được công nhận?
PCT LÊ THỊ MINH LÝ: Theo tôi, đối với các nghệ nhân thì hình thức cao quý nhất để tôn vinh họ là được cộng đồng, được xã hội công nhận. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu chúng tôi sẽ có những đánh giá khác nhau để phong tặng cho các nghệ nhân là nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, hay nghệ nhân xuất sắc. Hoặc được Nhà nước, được một tổ chức, ngành nghề nào đó phong tặng một danh hiệu khác. Đơn cử như nghệ nhân các làng nghề cổ truyền dân gian được tặng danh hiệu “bàn tay vàng”. Có lẽ phải có danh hiệu nào đó để phân biệt nghệ nhân dân gian - người nắm giữ các di sản văn hoá phi vật thể với người nghệ sĩ chuyên nghiệp. Quan tâm tới các nghệ nhân không chỉ riêng Bộ VHTT, Nhà nước mà phải đòi hỏi toàn xã hội, từ cộng đồng, từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghề nghiệp cũng như các cơ quan quản lý văn hoá. Còn về phía Bộ VHTT, chúng tôi cũng đang mong muốn Quốc hội điều chỉnh Luật Thi đua khen thưởng. Vì trong Luật của chúng ta chỉ có một điều khoản dành cho các nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống. Còn các nghệ nhân ở lĩnh vực khác thì chưa có điều khoản nào để vận dụng cả. Chúng tôi bắt tay vào việc chuẩn bị nghiên cứu để đề xuất những nghệ nhân cần được Nhà nước phong tặng thì vướng phải điều đó. Chính vì thế, qua trao đổi với Viện Thi đua khen thưởng chúng tôi biết rằng nếu định hướng như vậy chắc phải chờ Quốc hội điều chỉnh Luật. Chúng tôi đang cố gắng để các nghệ nhân có được những chính sách đãi ngộ tốt nhất.
PV: Thưa PCT, lần đầu tiên Việt Nam góp mặt tại Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonia lần thứ 41 được tổ chức tại Hoa Kỳ (từ ngày 23.6-8.7.2007). Bạn bè quốc tế sẽ được trực tiếp xem các nghệ nhân của chúng ta biểu diễn. Với tư cách là Trưởng đoàn, PCT có thể cho biết ý nghĩa của nó trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới?
PCT LÊ THỊ MINH LÝ: Tham gia lễ hội, Việt Nam có gần 40 nghệ nhân cùng với các thành viên là trên 50 người. Đánh giá của tôi về vấn đề này thì chưa có vì nó chưa diễn ra. Còn hy vọng của tôi thì đây là một cơ hội may mắn để chúng ta mang những người nghệ nhân đích thực, mang những người chủ sở hữu các di sản văn hóa đích thực - Họ không phải là những người chuyên nghiệp, mà họ là những người nông dân, những người làm ăn tiểu thương bình thường. Nhưng họ có những kỹ năng, những tài năng mình cần phải trân trọng. Và thông qua việc tôn vinh những chủ thể văn hóa, chúng ta cũng giới thiệu được văn hoá của dân tộc mình với bạn bè thế giới. Đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta quảng bá đất nước và văn hóa Việt Nam. Vì có số ít người họ vẫn chưa hiểu hết về Việt Nam, ở chỗ này, chỗ kia còn có ý kiến cho rằng ở Việt Nam có vấn đề về mặt nhân quyền. Thế nhưng rõ ràng là chúng ta bình đẳng, các dân tộc thiểu số, dân tộc đa số, dân tộc này hay dân tộc kia đều có bình đẳng như nhau; các nền văn hóa đều đựợc coi trọng. Qua chuyến đi này chúng tôi muốn người Việt Nam đang sinh sống ở Hoa Kỳ hiểu thêm về văn hóa cội nguồn của mình. Đồng thời đây cũng là một cơ hội để tôn vinh các nghệ nghệ nhân.Và xa hơn nữa về mặt chuyên môn, chúng tôi nghĩ rằng đây là bài tập thực hành về việc tổ chức một lễ hội dân gian.
PV: Xin cám ơn Phó cục trưởng!
Đào Huyền thực hiện