Thị trường chứng khoán không phải chỉ là sòng bạc !

09/06/2007 00:00

Cơn sốt trên thị trường chứng khoán vừa qua đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội với kết quả là những đồng tiền vốn được nối tiếp nhau đổ vào đó, đẩy giá chứng khoán liên tiếp lên những đỉnh cao mới. Nhiều người dường như nhận ra rằng, thị trường chứng khoán chỉ như một sòng bạc ngày càng phình to, đồng tiền dường như chỉ chui từ túi người chơi đến sau vào túi người chơi đến trước, và người chậm chân đến cuối cùng sẽ là người thua bạc. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô, thị trường chứng khoán phát triển mạnh ở một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

      Với tư cách là kênh chuyển tải cần nhắc đến trước tiên, khả năng thanh khoản trên thị trường chứng khoán – khả năng mua và bán cổ phiếu dễ dàng – được coi là có tầm quan trọng lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hơn, nhiều khoản đầu tư có lời thường đòi hỏi những cam kết cho vay vốn dài hạn, trong khi nhiều nhà đầu tư bỏ vốn thì không muốn bị trói buộc vào những cam kết vay nợ dài hạn như vậy. Thị trường chứng khoán cũng như cổ phiếu có tính thanh khoản là một công cụ hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn này, bằng cách cho phép nhà đầu tư dễ dàng bán cổ phiếu nắm giữ với chi phí tối thiểu. Đồng thời, các doanh nghiệp có một kênh huy động vốn dài hạn (chính xác hơn là không có giới hạn về thời gian sử dụng vốn huy động này) thông qua phát hành cổ phiếu. Tuy vậy, cũng cần lưu ý, nếu thị trường chứng khoán có tính thanh khoản quá cao, tức là tính bất trắc được giảm thiểu, thì các nhà đầu tư (chính xác hơn, những người có tiền tiết kiệm) có xu hướng giảm mức tiết kiệm, và do đó làm giảm tăng trưởng kinh tế.
      Thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao sẽ khuyến khích người ta tìm hiểu các thông tin về doanh nghiệp và do đó buộc các doanh nghiệp phải nâng cao hiệu quả kinh doanh, là một yếu tố quan trọng dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Trong những thị trường chứng khoán lớn hơn và có tính thanh khoản cao hơn thì các nhà đầu tư càng dễ dàng hơn trong việc thu thập các thông tin về doanh nghiệp và nhờ đó định giá cổ phiếu chính xác hơn, hoặc giám sát hoạt động của doanh nghiệp một cách chặt chẽ hơn. Thông tin nhiều hơn, chất lượng thông tin tốt hơn cũng sẽ cải thiện việc phân bổ các nguồn lực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc chia sẻ rủi ro trên tầm quốc tế thông qua sự liên thông giữa các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ cải thiện việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm cần thiết cho phát triển, nhờ đó tốc độ tăng trưởng được nâng cao. Thị trường chứng khoán càng phát triển thì càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, làm tăng mối liên kết giữa các thị trường chứng khoán, các nền kinh tế với nhau, nhờ đó làm tăng cường mức đa dạng hóa các rủi ro. Thông thường, những dự án đầu tư có lãi lớn cũng chính là những dự án có mức rủi ro lớn. Do đó, càng đa dạng hóa rủi ro thì càng khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn cho những dự án có mức rủi ro lớn, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Và tất nhiên, sự chia sẻ rủi ro này nếu ở mức quá lớn thì lại có hại cho tăng trưởng ở trên giác độ là mức tiết kiệm của nền kinh tế sẽ giảm sút, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
       Cuối cùng, sự phát triển của thị trường chứng khoán sẽ cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp, nhờ việc ràng buộc mức đãi ngộ ban giám đốc doanh nghiệp vào giá cả cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Việc này có tác dụng ráp nối quyền lợi của cổ đông với quyền lợi của ban giám đốc. Ngoài ra, sự đe dọa bị thôn tính bởi một doanh nghiệp khác buộc ban giám đốc phấn đấu hết sức để làm tăng thị giá cổ phiếu của mình (thông qua tăng lợi nhuận và cổ tức). Như vậy, thị trường chứng khoán phát triển sẽ làm dịu mối xung đột quyền lợi giữa cổ đông và ban giám đốc, cũng như cải thiện phân bổ các nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng.
      Mục tiêu xây dựng một thị trường chứng khoán phát triển ở Việt Nam là một chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở nước ta. Điều cần lưu ý ở đây là sự phát triển của thị trường chứng khoán không nên chỉ được hiểu gói gọn trong tỷ trọng quy mô vốn hóa của thị trường trên GDP như hiện tại chúng ta đang theo đuổi. Ngoài chỉ tiêu này, không thể có một thị trường chứng khoán phát triển theo đúng nghĩa nếu nó không có mức thanh khoản cao (phản ánh qua hai chỉ số: Chỉ số tổng giá trị các giao dịch trên thị trường trên GDP, và chỉ số tổng giá trị các giao dịch trên tổng giá trị vốn hóa của thị trường), và mức độ chia sẻ rủi ro, hội nhập với các thị trường vốn quốc tế lớn (có thể xây dựng chỉ số phản ánh mức độ hội nhập này theo các mô hình kinh tế lượng).

Ts Phan Minh Ngọc