Học để vượt lên đẳng cấp

07/06/2007 00:00

Bang Bihar, nằm ở phía đông bắc Ấn Độ, là nơi nghèo bậc nhất nước. Nhưng tại đây, cũng như các bang nghèo khác, có nhiều thanh niên đang quyết tâm đổi đời nhờ con đường học vấn.

      Patna, thủ phủ của bang Bihar là một thành phố buồn tẻ với những dãy nhà cao tầng san sát, màu sắc đơn điệu, dễ gây cảm giác nhàm chán. Nhưng trong một ngôi nhà mái tôn bình dị ở góc đường thì lại đang có một không khí rất hào hứng. “Chúng tôi mong đợi nhiều ở các bạn”, Anand Kumar nói với 30 học sinh đang ngồi trước mặt ông trong buổi lễ nhập trường. 30 gương mặt xuất sắc, nhiều tư chất đã giành học bổng từ cuộc thi có tính cạnh tranh cao để theo học tại ngôi trường của Kumar. Đây là trường dự bị đại học có tiếng ở bang Bihar dành cho những thanh niên có mong muốn thi vào Học viện Công nghệ Ấn Độ (Indian Institute of Technology- IIT) – trường đại học vào loại tốt nhất cả nước. Ngôi trường này có điểm khác biệt so với những trường dự bị đại học khác, đó là tất cả mọi người ở đây, từ nhân viên phục vụ tới sinh viên, giáo viên và cả thầy hiệu trưởng Kumar, đều xuất thân từ đẳng cấp thấp trong xã hội.
      Chế độ phân biệt đẳng cấp trong đạo Hinđu bắt đầu xuất hiện từ khoảng thế kỉ XIII trước Công nguyên. Trong đó, ba đẳng cấp đứng đầu là Brahmins (thầy tu), Kshatriya (giai cấp cai trị cùng các chiến binh) và Vaishya (những người buôn bán và địa chủ). Các đẳng cấp thấp hơn bao gồm Shudra (thợ thủ công và người lao động chân tay), xếp sau họ là những người cùng đinh, và những bộ lạc sống trên núi  cao. 
      Sau khi giành được độc lập dân tộc từ tay thực dân Anh, Hiến pháp Ấn Độ đã ban hành quy định cấm phân biệt đối xử về đẳng cấp. Mặc dù vậy, qua hơn 3.000 năm, hệ thống tư tưởng này vẫn còn bám rễ rất sâu trong xã hội Ấn Độ. Sự phân biệt đẳng cấp thường xảy ra tại những thời điểm quan trọng của đời người, ví dụ như việc xây dựng gia đình hay khi đi tìm việc... Theo một báo cáo của chính phủ, công bố tháng 10-2006, hiện nay 70% dân số Ấn Độ thuộc các đẳng cấp thấp hơn trong xã hội, và đối với nhiều thanh niên thuộc tầng lớp thấp thì việc học tập giỏi là con đường dẫn đến thành công để khẳng định bản thân và vượt lên sự phân biệt. 

      Tuy nhiên, trên con đường đó có rất nhiều khó khăn cùng sự cạnh tranh quyết liệt. Nền giáo dục đại học Ấn Độ được thế giới đánh giá cao với những tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt. Tại IIT, hàng năm có hơn 300.000 thí sinh đăng kí dự thi trong kỳ tuyển sinh, nhưng chỉ 5.000 người xuất sắc nhất mới có thể đặt chân vào ngôi trường danh tiếng này. Ban đầu, trường IIT được thành lập năm 1947 với sự giúp đỡ của người Mỹ, chuyên đào tạo kĩ sư và các nhà khoa học để đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước Ấn Độ sau khi độc lập. Đến nay, IIT đã mở ra 7 cơ sở trên cả nước với chất lượng đào tạo rất tốt và đồng đều. Sinh viên theo học tại IIT luôn được ưu đãi đặc biệt với những khoản vay không lãi suất từ ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp, họ gần như chắc chắn sẽ là những ứng cử viên hàng đầu lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng tại các công ty lớn. 

      Chính những lợi ích này đã khiến cho mỗi kỳ thi tuyển sinh ở Ấn Độ trở nên nóng hơn với số lượng thí sinh đăng kí ngày càng tăng. Thí sinh xuất thân từ gia đình khá giả có lợi thế khi cha mẹ của họ có thể thuê gia sư kèm cặp riêng cho con em mình hoặc bỏ ra khoản tiền lớn để “chạy” trường. Còn với sinh viên nghèo thì con đường duy nhất của họ chỉ có học, học, và học. “Dù cơ sở vật chất còn nghèo nàn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành mục tiêu của mình, đó là giúp các sinh viên từ tầng lớp thấp hơn có thể thi đỗ vào IIT, càng nhiều càng tốt. Điều đó có thể dần dần thay đổi xã hội.” Thầy hiệu trưởng Anand Kumar tâm sự. Trong con số ít ỏi 30 sinh viên mà ngôi trường của Kumar giúp đỡ, số người thi đỗ vào IIT chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Priyansha Kusur, con trai cả của một người thợ sửa đồng hồ tại Patna, được người dân ở địa phương quan tâm sau khi thi đỗ vào trường IIT trong kỳ thi vừa qua, trước đó cũng đã theo học tại trường dự bị đại học của Kumar. Em gái của Kusur hồ hởi phát biểu: “Sau khi anh trai thi đỗ, anh ấy đã giúp em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Em thấy rằng tự mình có thể thay đổi số phận bằng khả năng của bản thân, dù có xuất thân từ tầng lớp nào đi chăng nữa”.

Nguyễn Đức Duy