Rủi ro với các ngân hàng trong tiến trình hội nhập

05/06/2007 00:00

Áp lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong nước đang ngày càng tăng, nhất là khi nước ta đã bắt đầu thực hiện các cam kết về mở cửa lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một trong những yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý là kiểm soát được rủi ro trong quá trình hoạt động...

      Rủi ro trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Đến nay, chưa có báo cáo cụ thể về việc các ngân hàng đã đầu tư bao nhiêu vốn vào thị trường chứng khoán, trong khi việc xác định lượng vốn này có ý nghĩa rất quan trọng để cơ quan quản lý có thể tuýt còi các ngân hàng khi đến ngưỡng rủi ro. Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Bùi Khắc Sơn, rủi ro tín dụng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, mặc dù từ trước tới nay chưa có ngân hàng nào mất khả năng thanh toán dẫn tới đổ vỡ ngay khi đầu tư vốn vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc hạn chế và quản lý được các rủi ro trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng rất quan trọng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đài Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán KGI, Đài Loan Sean Chen chia sẻ kinh nghiệm đối với các ngân hàng khi kiểm soát luồng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán: “Năm 1988, thị trường chứng khoán Đài Loan gần như sụp đổ khi cơ quan quản lý quyết định đánh thuế đặc biệt đối với các nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Sau đó, các cơ quan quản lý đã phải huỷ bỏ quyết định này. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là đa số các nhà đầu tư trên thị trường dùng nguồn vốn của cá nhân để đầu tư chứ không phải đi vay ngân hàng hay các nguồn tài chính khác nên khi thị trường bị khủng hoảng, đã không tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế Đài Loan. Thị trường chứng khoán Việt Nam mới phát triển đầu năm 2000, còn khá mới mẻ và có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, cần tránh xu hướng đầu tư theo kiểu đánh bạc để tránh rủi ro”.
      Rủi ro cho vay đầu tư chứng khoán chỉ là một phần trong rủi ro tín dụng có thể xảy ra đối với các ngân hàng thương mại. Trên thực tế, những khoản nợ xấu của ngân hàng được phát sinh từ nhiều dự án triển khai ở các địa phương, thiếu sự giám sát và đánh giá hiệu quả của các khoản vay. Có thực tế, là ngay lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại cũng không đánh giá được chính xác số nợ xấu của ngân hàng mình. Từ thực tế ở Bắc Ninh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bắc Ninh Nguyễn Đức Quỳnh cho biết: Rủi ro thường rơi vào một số dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề. Nguyên nhân chính là các chủ dự án không có kinh nghiệm trong quá trình lập dự án. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chủ quan khi quyết định cho vay, thu hồi vốn không kịp thời.
      Bên cạnh những rủi ro về tín dụng, các ngân hàng còn phải đối phó với những  rủi ro khác như: Rủi ro liên quan đến việc thanh khoản, rủi ro về lãi suất, tỷ giá... Trước những rủi ro này ngày càng có xu hướng gia tăng khi các ngân hàng thương mại hội nhập sâu rộng hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống giám sát rủi ro, theo đó sẽ sớm thành lập Tổng cục giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nghiệp vụ giám sát từ xa và giám sát tại chỗ. Bên cạnh đó, sẽ thành lập các Ngân hàng Trung ương khu vực để thực hiện giám sát quản lý hệ thống, đồng thời giảm bớt sự can thiệp của chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Theo Vụ trưởng Vụ chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Lê Xuân Nghĩa: Để tránh tình trạng khó khăn của thị trường chứng khoán tác động xấu tới chính sách tiền tệ và ngược lại, cần có sự phối hợp giữa hai cơ quan là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, sự phối hợp này chưa được chặt chẽ, chính vì vậy về lâu dài đòi hỏi phải có tổ chức độc lập và giám sát tổng hợp về thị trường tài chính như giám sát thị trường chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ tài chính khác... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ quản trị của lãnh đạo. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng, điều quan trọng là phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức tín dụng với chất lượng hoạt động. Có như vậy mới giám sát và quản trị ngân hàng một cách hiệu quả.
      Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị soạn thảo Dự thảo Nghị định về quản trị đối với các ngân hàng theo nguyên tắc quản trị của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để nâng tầm quản trị ngân hàng - yếu tố quan trọng để các ngân hàng nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đức Thành