Băng tan - vấn đề nóng bỏng

05/06/2007 00:00

Với khẩu hiệu “Băng tan, vấn đề nóng bỏng”, hôm nay, 5.6, Ngày Môi trường thế giới sẽ được tổ chức tại thành phố Tromsoe, NaUy. Cùng với hiện tượng trái đất nóng lên, băng tan đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu trong hoạt động bảo vệ môi trường.

      Sau tuyên bố năm 1972 của LHQ, hàng năm cứ đến ngày 5.6, cộng đồng quốc tế lại tổ chức kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, tập trung xung quanh những vấn đề đáng lo ngại do hiện tượng thay đổi khí hậu gây ra. Sau chủ đề sa mạc hóa năm ngoái tại Algeria, năm nay, tại NaUy, băng tan là vấn đề chính được những người quan tâm đến môi trường cùng thảo luận.
      Theo Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ Achim Steiner, Bắc cực và Nam cực chính là "hệ thống cảnh báo sớm" cho mức độ thay đổi khí hậu của trái đất vì đây là hai khu vực đầu tiên cho thấy sự biến đổi rõ nhất của nhiệt độ. Ở Bắc cực, nhiệt độ tăng nhanh gấp hai lần so với tốc độ tăng trung bình của nhiệt độ trái đất. Điều đó khiến diện tích bề mặt bị đóng băng đang giảm đi, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của 4 triệu dân tại khu vực này. Các động vật sinh sống ở Bắc cực cũng phải chịu không ít thiệt thòi. Hải cẩu bị săn đuổi. Gấu bắc cực không thể duy trì lối sống truyền thống và có nguy cơ đe dọa bị tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới do không còn môi trường sinh sống. 
      Ảnh hưởng mà hiện tượng tan băng gây ra không chỉ dừng lại ở các khu vực địa cực hay các vùng núi. Những gì diễn ra tại Bắc cực và Nam cực liên quan trực tiếp đến tất cả cư dân trên hành tinh, dù cho đó là người dân sống tại lòng chảo Congo, Australia, vùng nông thôn Trung Quốc, chốn thị thành Berlin, New Delhi, Rio de Janeiro hay Washington. Theo các nhà nghiên cứu Canada, nếu chỏm băng Groenland, nơi dự trữ nước ngọt lớn thứ hai trên trái đất, sau Nam cực, bị tan chảy sẽ làm cho mực nước biển cao lên 7m. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tất cả các hòn đảo, các vùng duyên hải, thậm chí nhiều quốc gia sẽ bị nhấn chìm. Cũng theo các nhà nghiên cứu này, từ nay đến năm 2030, chỉ riêng Indonesia sẽ có khoảng 2.000 hòn đảo bị biến mất. Băng tan cũng sẽ kéo theo hiện tượng “di cư khí hậu”, khiến hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến những nơi khác. Và tình trạng di cư ồ ạt sẽ gián tiếp tạo ra những hậu quả khác với môi trường. 
      Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đề cập đến những điểm tích cực mà hiện tượng tan băng đem lại. Chẳng hạn như vỏ băng ở địa cực bị tan chảy sẽ có thể cho phép mở hai con đường biển ngắn hơn hành trình hiện nay giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, dọc theo Cannada và Nga. Hiện tượng này cũng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận các mỏ khí đốt của Bắc cực nơi chứa đựng tới  1/4 trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên còn lại trên thế giới.
      Tuy vậy, những điểm tích cực nêu trên không đủ để khiến người ta vui mừng bởi những rủi ro mà băng tan có thể đem lại là quá lớn. Không ai chờ mong ngày tận thế. Chính vì thế, bảo vệ môi trường, chống lại sự thay đổi của khí hậu, hạn chế tình trạng trái đất nóng và hiện tượng băng tan cần phải trở thành cuộc chiến toàn cầu, huy động được sự tham gia của mọi quốc gia. Trong một bản thông cáo xuất bản nhân Ngày Môi trường thế giới, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển nỗ lực hơn nữa nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tăng hiệu suất năng lượng. Những ai quan tâm đến môi trường hẳn cũng không thể bỏ qua sự kiện tuần trước Tổng thống George Bush đã đưa ra một sáng kiến mới nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây liệu có thể coi là một tin vui hay chỉ là một động thái mang tính hình thức khi cho đến nay Mỹ, quốc gia thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, vẫn luôn từ chối tham gia các cam kết mang tính ràng buộc? Khai mạc ngày mai, ngày 6.8, chỉ một ngày sau Ngày Môi trường thế giới, hy vọng rằng lần này, Hội nghị thượng đỉnh Các nước Công nghiệp phát triển (G8) sẽ thực sự là nơi vấn đề môi trường được quan tâm, thực sự là nơi để Mỹ và các đồng minh Phương Tây đạt được thỏa thuận về bảo vệ môi trường.

Phong Á (Theo Cyberpress)