Nhiều hạt cát sẽ chưng cất thành pha lê

19/05/2007 00:00

24 giờ đồng hồ nữa sẽ tới một thời khắc thiêng liêng! Thời khắc mỗi chúng ta thực hiện trọng trách quyết định về tương lai không chỉ của bản thân mà còn của cả đất nước. Vì thế, nếu ai đó đến giờ phút này còn nghĩ lá phiếu của mình chỉ như một hạt cát và gạch ai bầu ai nào có ảnh hưởng gì thì xin hãy nghĩ lại. Một hạt cát chỉ là một hạt cát, nhưng nhiều hạt cát sẽ chưng cất thành pha lê!

      Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng gọi Quốc hội khóa XII là “Quốc hội của những kỳ vọng to lớn”. Người dân đang đòi hỏi Quốc hội phải làm việc tốt hơn; Đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải làm tốt hơn chức năng đại diện...; Mong muốn pháp luật được ban hành phải chất lượng hơn, tạo thuận lợi cho họ làm ăn và bảo vệ được lợi ích của họ; Hy vọng hoạt động giám sát sẽ giúp đẩy lùi được tham nhũng... 
      Sự đòi hỏi và kỳ vọng quyết liệt đó là chuyện bình thường, rất xác đáng sau những thành công vang dội của Quốc hội khóa XI cùng với việc ý thức về quyền lực ở nước ta là thuộc về nhân dân đang ngày càng trỗi dậy trong lòng mỗi người dân. Nó thể hiện ở sự quan tâm sát sao của người dân tới cuộc bầu cử, ở số lượng người tự ứng cử tăng cao, ở những câu hỏi đầy am hiểu và trách nhiệm trong cuộc đối thoại mới đây với Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu... Đây là thách thức đang sẵn sàng nghênh đón một Quốc hội còn chưa được bầu xong, đồng thời là sức ép lành mạnh để thiết chế quan trọng nhất của nền dân chủ đại diện vận hành tốt hơn. 
      Mới hôm qua, trong bài báo đưa tin về bầu cử sớm ở Quảng Nam trên báo NĐBND có câu chuyện về cụ Trần Y, người cao tuổi nhất đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm. Đã 95 tuổi, có 2 con là liệt sỹ, tham dự đầy đủ 11 kỳ bầu cử Quốc hội của đất nước, cụ vẫn khăn đóng, áo dài chỉnh tề ra khu vực bỏ phiếu bầu cử, tự mình lựa chọn những người xứng đáng nhất cho Quốc hội của thời kỳ đổi mới. Còn ở Đồn Biên phòng 276 đóng quân trên đảo, một chiến sỹ trẻ- lần đầu được cầm lá phiếu trên tay- nói anh đã hiểu rất nhiều về Nhà nước, về Quốc hội qua đợt bầu cử này và hy vọng Quốc hội khóa tới tiếp tục giữ vững và phát huy những gì mà Quốc hội khóa XI đã làm để phụng sự nhân dân. Cụ Y và anh lính trẻ- tuy không nói ra những điều to tát nhưng có lẽ đều hiểu và thấm thía giá trị về sự thiêng liêng của quyền bầu cử- quyền mà cả dân tộc đã phải đấu tranh bằng bao xương máu mới có được. 
      Và như thế, tất nhiên, ngày mai, 20 tháng 5, cử tri sẽ đi bầu Quốc hội khóa XII với biết bao kỳ vọng. Những kỳ vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực, nếu chúng ta lựa chọn được những người xứng đáng nhất để làm đại biểu cho mình. 
      Ai cũng biết, lựa chọn là một quyền tự do. Nhưng tự do luôn luôn gắn liền với trách nhiệm. Nếu không có quyền lựa chọn, chúng ta không phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn sai. Nhưng một khi đã có quyền lựa chọn, nhất định, chúng ta phải có trách nhiệm lựa chọn cho đúng, nhất là khi sự lựa chọn này không phải chỉ để cho riêng mình mà còn cho cả đất nước.
      Để lựa chọn được những người xứng đáng nhất cho một khóa Quốc hội mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước, thời kỳ hội nhập với rất nhiều biến động, cạnh tranh thì cử tri không thể bỏ phiếu mà không hiểu biết gì nhiều về một ứng cử viên. Bởi làm vậy thì bầu cử trở thành chuyện hình thức, chế độ trách nhiệm cũng khó xác lập được. Càng không thể giữ trong lòng suy nghĩ, một lá phiếu của mình chỉ như hạt cát giữa sa mạc mênh mông, gạch ai, bầu ai chả vậy. Một hạt cát quả thực vốn chỉ là một hạt cát nhưng không có chúng thì sao có thể chưng cất thành pha lê, và nếu ai cũng nghĩ vậy, kỳ vọng về một Quốc hội thực chất cho thời kỳ đổi mới mãi chỉ là kỳ vọng mà thôi. Cũng đừng nên lựa chọn để ủy quyền quá dễ dãi. Có vậy, mới tránh rủi ro là sau khi được ủy quyền thì người được ủy quyền chỉ làm cái người ta muốn.
      Những người chủ có ý thức sẽ là những người chủ đòi hỏi nhiều hơn, kỳ vọng sâu sắc hơn nhưng cũng là người hiểu rằng: Có thể chúng ta sẽ chỉ cần chục giây để gạch tên 2, 3 ứng cử viên và mất khoảng 5 giây để bỏ lá phiếu vào hòm kín nhưng hành động đó sẽ quyết định tương lai trước tiên là của mỗi người và sau đó là vận mệnh của đất nước. Đơn giản là vì chỉ khi Quốc hội nước ta cạnh tranh được với các cơ quan lập pháp các nước thì người Việt mới có thể cạnh tranh với những tộc người khác, vươn lên và thành đạt trong một thế giới hội nhập toàn cầu.

Hồng Loan