Kiếm trong văn hóa Trung Hoa

17/05/2007 00:00

Ngay đầu thời kỳ vũ khí thô sơ, kiếm đã xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc thế nhưng quãng thời gian chúng được sử dụng trong các cuộc chiến giáp lá cà rất ngắn. Những năm đầu thế kỷ thứ ba, kiếm đã “rời” chiến trường và đi vào các bộ môn nghệ thuật. Sau đó, người ta coi nó như một thứ “trang sức” biểu thị địa vị xã hội.

       Ngôi sao sân khấu kịch
      Sau khi rời chiến trường, kiếm, nữ hoàng của tất cả các loại vũ khí, trở thành một thứ vũ khí phòng thân, bảo vệ tính mạng cho người sử dụng, đồng thời cũng là một vật được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ. Kiếm luôn được coi là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật sân khấu và các điệu múa dân gian. Vào thời nhà Đường (618-907) hai hình thức múa kiếm rất phổ biến là múa dân gian nhẹ nhàng, thoải mái và múa võ thuật sôi động. Công Tôn Đại Nương được xem như một bậc thầy về múa kiếm thời nhà Đường. Trong bộ võ phục, nàng chinh phục người xem bằng điệu múa khéo léo với trình độ nghệ thuật xuất chúng. Người hâm mộ nàng là các bậc uyên bác, những người được trọng vọng. Ngay cả nhà thơ Đỗ Phủ cũng đã từng làm một bài thơ để ca ngợi tài múa kiếm điêu luyện của nàng (bài Công Tôn Đại Nương đệ tử vũ kiếm khí hành).
      Không chỉ làm tăng kịch tính cho các màn trình diễn võ thuật, múa kiếm còn trở thành một màn quan trọng để thể hiện chủ đề của các vở kịch. Vở Bá Vương Biệt Cơ là một ví dụ điển hình. Vở diễn kể về cảnh chia tay giữa Sở Bá Vương Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ. Nàng Ngu Cơ cuối cùng đã từ biệt Hạng Vũ bằng một màn múa kiếm kết thúc bằng chính cái chết của nàng. Điệu múa này thuộc thể loại múa dân gian điển hình cho cách dụng kiếm trong Thái cực quyền: bàn tay “thép” trong chiếc găng nhung. Nó đã diễn tả đầy xúc động sự lưu luyến của người nữ anh hùng khi phải chia tay người tình, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm không gì lay chuyển nổi của nàng khi dũng cảm đương đầu với cái chết.

      Thư pháp hay múa kiếm trên giấy?
      Những người rành võ thuật và các nhà thư pháp đều nhìn nhận rằng thư pháp và kiếm thuật có nhiều điểm chung. Dưới con mắt của các nhà thư pháp, dụng kiếm khéo léo cũng giống như múa bút điêu luyện. Còn đối với người rành kiếm thì thư pháp lại giống như múa kiếm trên giấy.
      Trương Húc là một nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường, ông đặc biệt giỏi cuồng thảo, một trong nhiều hình thức viết chữ trong nghệ thuật thư pháp. Cách viết này hoàn toàn khác biệt với các phong cách thư pháp khác. Nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế lại rất khó bởi cuồng thảo đòi hỏi một sự khéo léo giống như khi người ta vẽ tranh trừu tượng. Công Tôn Đại Nương cũng sống cùng thời với Trương Húc. Những bước nhảy táo bạo, những đòn tấn công bất ngờ, những động tác di chuyển nhanh nhưng chính xác tuyệt đối trong màn múa kiếm của Công Tôn Đại Nương dưới con mắt của Trương Húc đã vẽ nên những nét chữ Trung Hoa điển hình. Trương Húc đã lấy cảm hứng từ màn múa kiếm của Công Tôn Đại Nương và đưa vào phong cách thư pháp đặc biệt của mình. Sau này, dựa vào phong cách của ông người ta đã đề ra những quy tắc trong nghệ thuật thư pháp. 
      Tướng quân Bùi Mân cũng là một nhân vật múa kiếm tuyệt đỉnh khác thời nhà Đường. Khi Bùi Mân mời danh họa Wu Daozi đến vẽ tranh tường tại một ngôi đền để xua đuổi tà ma và tưởng nhớ mẫu thân của mình, vị danh họa này đã trả lời: “Tôi rất vinh dự khi nhận được lời mời này nhưng lâu nay tôi không vẽ gì. Vậy ngài có thể tạo cảm hứng cho tôi bằng một màn múa kiếm được không?” Tướng quân Bùi Mân đã làm theo lời yêu cầu của vị danh họa. Sau đó, tác phẩm lấy cảm hứng từ màn múa kiếm này được chính tác giả coi là “kiệt tác của đời mình”.
      Hoàng đế nhà Đường đã cho ban chiếu chỉ tuyên bố, thư pháp của Trương Húc, nghệ thuật múa kiếm của Bùi Mân và thơ Lý Bạch chính là “Đường tam tuyệt”.
      Kiếm = địa vị xã hội
      Người Trung Quốc xưa tin rằng kiếm là loại vũ khí duy nhất không mang đến những điềm xấu. Rất nhiều triều đại đã cho ban bố những luật lệ đặc biệt trong việc sử dụng kiếm, trong đó quy định người dân thường không có quyền sở hữu kiếm. Quả thật, kiếm chỉ ưu tiên dành cho những người giàu có, quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn. Kiếm là thứ vũ khí của các học giả và chiến binh. Rất nhiều người đeo kiếm như một thứ đồ “trang sức” cho hợp “mốt” và để thể hiện đẳng cấp xã hội cao quý của mình.
      Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, vua là người có quyền uy tối cao. Số phận một con người phụ thuộc vào tính khí thất thường của nhà vua. Vì cho rằng kiếm của nhà vua có một quyền lực nào đó nên người được vua ban kiếm hoàn toàn có thể sử dụng theo ý mình. Vì vậy người được hưởng ân huệ lớn lao này có quyền “xử trảm” hoặc tha bổng ai đó bất kể kẻ này có phẩm hàm cao đến đâu.  
      Không chỉ có vậy, vũ khí này còn được dùng trong Đạo giáo. Thanh kiếm bằng gỗ sồi có thể dùng để xua đuổi tà ma và thường xuyên được treo trên tường để bảo vệ cũng như trang trí nơi ở. Ngay cả các nho sỹ cũng rất có “thiện cảm” với kiếm. 
      Và không chỉ có người Trung Quốc mới yêu kiếm. Heinrich Heine, một nhà thơ lớn người Đức, từng nói: “Sau khi tôi chết, thay vì cây bút lông, hãy chôn tôi với một thanh kiếm.”

Vũ Minh Thu