Những người có thú sưu tập đĩa hát cổ

12/05/2007 00:00

Giữa thời buổi hiện đại hoá như hiện nay, trong khi giới trẻ thường chọn những chiếc CD, VCD, DVD... để thoả mãn niềm đam mê âm nhạc của mình thì ở Hà Thành vẫn còn nhiều người nằm ngoài “guồng xoáy” đó và mang tâm trạng hoài cổ với âm nhạc vì họ đã và đang thưởng thức âm nhạc bằng chính những chiếc đĩa hát than cổ được quay trên những chiếc máy quay đĩa cơ cổ mà tuổi đời của nó có khi còn nhiều hơn cả tuổi đời của người nghệ sĩ đang cất giữ nó...

      Tôi tìm đến căn nhà 30 phố Hàng Bông, vào một buổi sáng đầu hè, trời lâm thâm mưa và khá oi bức. Trước mắt tôi người nghệ sĩ gìa đang thả hồn mình phiêu linh trên những phím dương cầm. Ông là hoạ sĩ Vũ Dân Tân, con trai nhà viết kịch nổi tiếng Vũ Đình Long. Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào căn phòng này là hầu như mọi thứ ở đây đều bị nhuốm phủ bởi màu thời gian. Nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là những chiếc máy quay đĩa cơ cổ đặt ngay ở góc phòng và chồng đĩa nhựa khổ lớn được bọc cẩn thận trong những chiếc bao bì cũng cổ không kém máy quay cơ đĩa. “Tôi biết đến chiếc máy quay đĩa lần đầu tiên khi tôi 14 tuổi- ông Tân kể- Hồi đó được bố mua tặng chiếc máy quay cơ đĩa, với tôi đó là cả một gia tài có giá trị và tôi đam mê luôn từ đó vì trước đó ở Việt Nam, người ta cũng chỉ biết đến cái máy quay đĩa bằng tay, mỗi lần muốn nghe phải dùng tay quay như cái guồng sợi”. Có thể hình dung vào thời điểm đó, một chiếc đĩa than loại của Tiệp là 7 đồng, của Nga rẻ hơn thì 3- 5 đồng, trong khi đó đồng lương công chức một tháng chỉ có khoảng 60 đồng mới thấy nhà viết kịch Vũ Đình Long đã cưng cậu con trai như thế nào nên mới tặng cho cậu những món quá có giá trị như thế. Cậu bé Tân ngày đó nâng niu chiếc đĩa cha tặng như một báu vật. Và rồi, cho đến hôm này, khi đã trải qua mấy chục năm sưu tập, ông Tân đã có trong tay cả một gia tài đĩa nhạc cổ gần 600 chiếc và hàng chục chiếc máy quay đĩa cơ mà không phải ai đam mê sưu tập đĩa hát cổ cũng có được... Ông Tân có lẽ là người duy nhất ở Hà Thành hiện vẫn còn đầy đủ các phương tiện để nghe đĩa hát cổ. Với hàng chục chiếc máy quay đĩa cơ đủ các loại của Nga, Nhật, Đức, Pháp, Tiệp... và mấy bộ hộp kim đĩa hát loại kim sắt đủ để nghe được từ giờ đến khi ông không còn nghe được nữa. 
      Còn hoạ sĩ Quách Đông Phương lại đến với niềm đam mê sưu tập đĩa hát cổ bằng một lý do khác. Ngay từ khi còn rất nhỏ anh đã được nghe nhạc bằng những chiếc máy quay đĩa cơ mà chú của anh vẫn mở mỗi khi đêm về. Cái không gian yên ả về đêm của Hà Nội cùng với giai điệu mượt mà trung thực của đĩa hát cổ đã thu hút anh từ dạo đó. Nhưng mãi đến khi học lớp 10, trong một lần vào Sài Gòn chơi, anh mới “vác” được chiếc máy quay đĩa cơ đã cũ của Đức về nhà. Nếu như hoạ sĩ Vũ Dân Tân có bộ sưu tập đĩa hát cổ nhiều nhất thì họa sĩ Quách Đông Phương lại là người có những dàn máy quay đĩa cơ “xịn” nhất Hà Thành. Và, có lẽ Quách Đông Phương cũng là người duy nhất đang có trong tay hơn 40 đĩa hát than của Liên Xô in tặng Việt Nam từ những năm 1960, mà trong mỗi đĩa hát đó có cả thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu... nhạc kháng chiến. Hơn 300 đĩa than cổ và gần 1.000 đĩa CD nhạc Thiền, nhạc vùng Cariber, nhạc Phật, nhạc Châu Phi, nhạc Jazz, Rock... các loại; 250 đĩa phim, ca nhạc... là gia tài mà gần 30 năm sưu tập hoạ sĩ Quách Đông Phương có được. Anh luôn tự hào vì đến nay mình vẫn lưu giữ được một vài đĩa hát cổ mà có tìm mỏi mắt cả Hà Thành cũng không có. Đó là đĩa hát của NSND Quách Thị Hồ ngâm thơ Bạch Cư Dị từ năm 1958, hay đĩa của ca sĩ Thái Thanh hát về Huế từ năm 1945... Lần nào đi nước ngoài, anh cũng khuân về hàng chục chiếc đĩa than, thậm chí có lần đi Singapore, Quách Đông Phương đã phải bỏ ra cả hơn 1.000 USD để thoả mãn thú sưu tập của mình.
      Không được xếp vào những “tay chơi” chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ để làm cho những người đã chơi đĩa cổ phải biết đến là ông già tên Điệp trên phố Hàng Gai. Ông được coi là người có thâm niên chơi đĩa nhạc cổ lâu nhất Hà Thành bởi cái gia tài gần 1.000 chiếc đĩa nhạc than và ba chiếc máy quay đĩa đời cực cổ thuộc thế hệ đầu tiên- gồm hai máy quay tay và một máy chạy điện. Ông kể, ngay cả thời đó cho đến bây giờ, chiếc máy Thorenze của Thuỵ Sĩ với đầu kim làm bằng kim cương mà tôi đang giữ là thứ của hiếm, có một không hai ở Hà Nội. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương ở phố Quán Sứ cũng có đến 500 đĩa hát than, nhạc sĩ Ngọc Đại cũng có gần 1.000 chiếc, rồi hoạ sĩ Hoàng Thế Phượng, ông Bình ở phố Hàng Khay, Dũng “trắng” ở Tràng Tiền cũng là người đang có trong tay bộ sưu tập những chiếc đĩa hát than cổ có giá trị. 
      Giải thích cho tình yêu âm nhạc một cách cổ điển của mình, hoạ sĩ Quách Đông Phương cho biết, dù chất lượng đĩa than không bằng đĩa CD mới bây giờ, tiếng điã có những hạt bụi vấp, thậm chí có những đĩa hát mà cứ nghe đến một chỗ nhất định sẽ dừng lại vì bị xước nhưng tôi đã bị “nghiện” bởi thứ âm thanh “tạch tạch” của đĩa than hơn 30 năm nay rồi. Những chiếc đĩa như thế có khi còn gợi cho tôi những câu chuyện cuộc đời chứ không đơn thuần là âm nhạc. Còn hoạ sĩ Vũ Dân Tân thì “bao bịên” cho nìêm đam mê của mình bằng một triết lý, những chiếc đĩa than giống như những tấm ảnh đen trắng vậy, nó cất giữ cho ta một thế giới cực kỳ trung thực, đôi khi rất tinh khiết nhưng vẫn ẩn chứa một chút bụi bặm, một chút âm thanh của đời thực...

Nguyễn Hoàng