Chùa Khmer

10/05/2007 00:00

Ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer đảm trách hai chức năng chính: Nơi sinh hoạt tôn giáo tâm linh và cũng là nơi sáng tạo, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của mọi tầng lớp trong cộng đồng dân cư.

      Đại đa số trong hơn 1 triệu người dân tộc Khmer Nam Bộ đều theo Phật giáo phái Tiểu thừa. Với họ, chùa là thư viện nơi lưu trữ các thư tịch cổ gồm: các pho kinh điển Bà la môn và kinh Phật, các di sản văn hóa dân tộc, cũng là nơi truyền đạt đạo lý Phật giáo và học chữ mẹ đẻ. Có thể nói Chùa là trung tâm văn hóa, là nơi để được học kinh, học chữ, học đạo lý làm người. Thiêng liêng hơn, đây cũng là nơi lưu giữ hài cốt của thân nhân, dòng họ, tổ tiên trong các Tháp giữ hài cốt sau khi thiêu... Việc hỏa táng cũng được tiến hành tại chùa. Khi có dân cư sống tập trung thì nơi đó ắt phải xây dựng một kiểng chùa. Ở vùng Bảy Núi, An Giang có ấp có đến 2 chùa như Tà Miệt trên, Tà Miệt dưới (ở Lương Phi), chùa Păng Trạo, chùa Mới ở ấp Ninh Hòa (An Tức), chùa Hoạch Bưng, chùa Cụp Bưng ở ấp Phước Bình (Ô Lâm)... cả vùng Tri Tôn, Tịnh Biên có đến 64 chùa.
Các lễ hội của dân tộc Khmer Nam bộ nói chung, ở Bảy Núi nói riêng thường gắn với tín ngưỡng dân gian, với các nghi thức của Bà la môn giáo và Phật giáo Nam Tông. Có thể điểm qua các lễ hội chính tại các chùa trong năm: Lễ Phật Đản - rằm tháng 4 âm lịch; Lễ Chol Chnam Thmay - vào năm mới chịu tuổi; Lễ Đolta - cúng ông bà; Lễ Thvai Pres Khe - cúng trăng; Lễ Ka Thanh - dâng y cà sa; Lễ Bonchoôs Seinia - kết giới; Lễ Kom Sal Sra - cầu an; Lễ Banh Môha Chhat - đại cầu siêu...
      Phật giáo Nam Tông chi phối sâu sắc đời sống tinh thần, tư tưởng chủ đạo trong mọi ý thức hệ của người Khmer. Họ đặt cuộc sống, niềm tin vào Phật giáo mà điểm hội tụ là các ngôi chùa và sư sãi - tà à cha. Quan niệm chung của phật tử và con sóc (con sóc: dân cử trong 1 đơn vị hành chính) là “Nếu cúng chùa dâng sãi một thì thu phước được mười” nên chùa xây dựng khang trang là do con sóc, phật tử quyên góp dần để trùng tu, sửa chữa - và thể hiện qua nét kiến trúc, điêu khắc ở mỗi ngôi chùa rất hoành tráng, uy nghi, từ trang trí hoa văn, vật thể gắn tích truyện dân gian cả nội thất lẫn ngoại thất, cổng chùa... Trên nóc tháp chùa chính ở chùa Soai Tông A (Xvay Ton) tại thị trấn Tri Tôn có tượng thần rắn Naga nằm dài - tượng trưng cho sự bất diệt và dũng mãnh. Nóc nhọn và hai mái cong ngoéo lại, thường là mái tam cấp. Quanh chùa có nhiều ngôi tháp đựng hài cốt, trên chót nhọn thường chạm tượng thần Bayon - Thần bốn mặt, thần sáng tạo... Ngày nay, các chùa còn vẽ tranh về sự tích phật Thích ca đi tu và biển khổ con người giữa niết bàn và địa ngục... nhằm giáo dục, răn đe phật tử... Tại chùa Soai Tông A còn lưu giữ trên 100 bộ kinh lá cổ có nguồn gốc từ hơn trăm năm nay, bộ ghi chép mới nhất từ năm 1963 cũng đã trên bốn mươi năm, được ghi bằng chữ Khmer cổ. Theo sư cả - Đại đức Trầm Phước, đang trụ trì cho biết: Để làm được một bộ kinh lá rất công phu. Kinh lá được làm bằng lá Buông - dân tộc gọi là Sa tra, loại cây rừng tại địa phương, giống cây cọ, nhỏ hơn và gần giống cây thốt nốt, hiện nay rất hiếm. Mỗi bộ kinh nặng cỡ 1kg, ghi lại truyện dân gian Khmer, hoặc Kinh luận thuyết giảng của nhà sư. Đầu năm 2006, Trung tâm Sách kỷ lục VN đã xác lập kỷ lục Xvay Ton là ngôi chùa lưu giữ nhiều sách kinh lá nhất Việt Nam.
      Từ cuối năm 2005 đến nay, chủ trương của huyện đảng bộ Tri Tôn lấy chùa làm “điểm sáng văn hóa phum sóc” là một sáng kiến mới, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại địa phương. Nó tác động rất lớn đến mọi tầng lớp nhân dân trong các phum sóc người dân tộc - nhằm xây dựng nên một điểm sinh hoạt lành mạnh, phù hợp với nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trong tình hình hiện nay. Điều này được thể hiện qua các nội dung tiêu chí tự nguyện xây dựng chùa văn hóa, chẳng hạn tiêu chí: thường xuyên cùng với UBMTTQ ở địa phương giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống lai căng; không để các phần tử xấu lợi dụng, xâm nhập, lôi kéo phật tử theo đạo khác; vận động khuyến khích sư sãi, phật tử học hai thứ tiếng phổ thông Khmer - Việt. Phong trào tự nguyện xây dựng chùa văn hóa đã trở thành phong trào đi vào lòng sư sãi, à cha, phật tử, quần chúng nhân dân.

Phạm Ngọc Trường