Siêu thực và thiết kế

08/05/2007 00:00

Có điều gì nhầm lẫn không khi nhấc điện thoại lên nghe bạn lại tóm phải càng một con tôm hùm? Theo nghệ sĩ siêu thực nổi tiếng bậc nhất thế kỷ XX, Salvador Dalí, điều đó hết sức bình thường bởi chính ông, vào năm 1938 tại London, đã giới thiệu chiếc Điện thoại Tôm Hùm này cho nhà sưu tầm nghệ thuật Edward James.

       Đối với Dalí, tôm hùm và tay cầm điện thoại có thể hoán đổi cho nhau. “Tôi không hiểu tại sao mình lại nghĩ thế mặc dù khi vào nhà hàng gọi tôm hùm nướng tôi chưa bao giờ được mang ra một chiếc điện thoại đã chế biến”, ông nói. Còn với James, mỗi khi muốn gọi một cuộc điện thoại chắc hẳn ông phải hết sức nhẹ nhàng khi động tới con vật dù là giả này. Điện thoại Tôm Hùm đã réo chuông và sau đó các ý tưởng của Dalí được dịp thể hiện khủng khiếp hơn. Hai trong số đó là chiếc điện thoại cưỡi trên mai một con rùa sống, còn cái kia, mang hơi hướng của Edgar Allan Poe, ở trên được phủ những chiếc mũi chó cộng thêm một con chuột chết nhét vào trong ống nghe.
      Điện thoại Tôm Hùm là vật nổi bật trong Những đồ vật siêu thực (Sureal Things), một cuộc trưng bày nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa chủ nghĩa siêu thực và thiết kế, mới được mở cửa tại Bảo tàng Victoria & Albert (London). Đây là triển lãm mới nhất trong loạt trưng bày các trào lưu thiết kế thế kỷ XX mà nổi tiếng nhất là Art Deco và Art Nouveau. Các cuộc trưng bày này được tổ chức theo trình tự thời gian: lần trước là Chủ nghĩa Hiện đại còn cuộc trưng bày tiếp theo sẽ là Hiện đại thời Chiến tranh lạnh diễn ra vào mùa thu năm sau, cuối cùng là nghệ thuật Baroque quốc tế vào mùa xuân kế tiếp. Cuộc trưng bày này có vẻ đã chọn được đúng thời điểm khi chủ nghĩa Siêu thực, hoặc ít ra là phong cách mang ảnh hưởng Siêu thực, đang có xu hướng quay trở lại.
      Gần đây, một số cuộc biểu dương của chủ nghĩa Siêu thực mang tính thương mại một cách tức cười. Hãy ngắm công trường xây dựng tại số 39 đại lộ George V (Paris) mà bề ngoài được phủ bằng hình ảnh những ngôi nhà thế kỷ XIX bị siêu thực hóa uốn lượn như sóng khiến bạn không tin nổi vào mắt mình. Còn tại cửa hàng thời trang lộn ngược của các nhà thiết kế người Hà Lan Viktor & Rolf trên đường Via Sant'Andrea thành phố Milan, mọi thứ bị đảo ngược đến hoang mang: sàn nhà thì giống như trần và ngược lại. Bạn cũng có thể phát hiện ra ảnh hưởng của chủ nghĩa Siêu thực trong những dự án thiết kế trầm tư hơn của các nhà thiết kế trẻ người Thụy Sĩ Front hay nhóm Hà Lan Studio Job.
Dao động giữa Siêu thực bị thương mại hóa và việc tái thể hiện một cách cân nhắc tinh thần Siêu thực nguyên thể là chủ đề trung tâm của cuộc trưng bày tại V&A. Nó khảo nghiệm sự đa nghĩa của mối quan hệ giữa chủ nghĩa Siêu thực và thương mại cũng như những căng thẳng nảy sinh trong suốt thời kỳ chuyển giao từ một trào lưu nghệ thuật tiên tiến trong những năm 1920 đến một phong cách thiết kế từ những năm 1930.


      “Chủ nghĩa siêu thực có ảnh hưởng hết sức to lớn đến thiết kế vào những năm 1930, đặc biệt trong ngành thời trang, quảng cáo, và từ đó đến nay vẫn định kỳ quay trở lại”, Ghislaine Wood, người phụ trách cuộc trưng bày này nói. “Nhưng mối ràng buộc giữa các nghệ sĩ Siêu thực và các nhà thiết kế diễn ra cụ thể ra sao thì chưa ai có thể làm rõ. Đó là một chuyển động thăng trầm diễn ra liên tục khiến mọi thứ hết sức mù mờ.”
      Từ chủ nghĩa Siêu thực được Guillaume Apollinaire phát minh ra vào năm 1917 và đến năm 1924 được nhà thơ Pháp André Breton dùng làm của riêng để mô tả một trào lưu cấp tiến của các nghệ sĩ và các nhà văn, những người đã dùng tiềm thức của mình để miêu tả hình ảnh phóng đại hay “siêu - thực” của thế giới này. Cuộc trưng bày tại V&A bắt đầu hai năm sau đó với những đạo cụ được thiết kế bởi các nghệ sĩ Max Ernst và Joan Miró dành cho vở Romeo và Juliet do đoàn ba lê Russes của Serge Diaghilev trình diễn. Buổi ra mắt vở ba lê này tại Paris đã bị cắt ngang bởi một nhóm người phản đối la ó mà dẫn đầu là Brenton và nhà thơ Louis Aragon, người kết tội Ernst và Joan Miró đã phản bội các lý tưởng của chủ nghĩa Siêu thực khi buôn bán tác phẩm của mình.
      Trong suốt những năm 1930 sự căng thẳng này diễn ra còn trầm trọng hơn khi một số nhà siêu thực, dẫn đầu bởi Dalí, thay vì tập trung vào ngôn từ và hình ảnh đã chuyển sang thiết kế những đồ vật dành cho các nhà sưu tầm nghệ thuật, thậm chí cả cho các khách hàng thương mại. Chủ nghĩa Siêu thực ngay lập tức trở thành một phong cách thời thượng trong các thiết kế đồ họa, thời trang và trang trí nội thất. Một số nhà siêu thực mà đáng chú ý nhất là Man Ray và kể cả Brenton đã có nhiều thành công trong các hoạt động thương mại nhưng cũng không cách xa với những nhà nghệ thuật thuần túy. Đã diễn ra những cộng tác đầy cảm hứng giữa nhà thiết kế thời trang Elsa Schiaparelli và Dalí; giữa Aragon và Meret Oppenheim; giữa nhà thiết kế nội thất Jean Michel Frank với họa sĩ, nhiếp ảnh gia Man Ray và họa sĩ, người vẽ phác thảo Alberto Giacometti.


      Nhưng bên cạnh đó rất nhiều hoạt động chỉ nhằm mục đích thương mại đã khiến chủ nghĩa Siêu thực hạ mình thành một phong cách trang trí và xa rời tính cấp tiến ban đầu của nó. Thủ phạm chủ yếu là Dalí, người mà Brenton đặt cho biệt danh Tha thiết Đô la - Avida Dollars (đảo chữ trong tên thật của ông), khi họa sĩ này nhúng tay vào mọi thứ từ quảng cáo, vẽ trên đồ sứ đến trang trí cho một siêu thị tại New York. Khi phát hiện ra siêu thị Bonwit Teller đã không tôn trọng tác phẩm của mình, Dalí đã xô một cái bồn tắm ở đây mạnh đến nỗi cả ông và nó lao ra ngoài cửa kính. Dalí sau đó đã bị bắt.
      Những vụ việc ầm ĩ như vậy cùng với những  tác phẩm ngày càng có vấn đề của Dalí đã hủy hoại danh tiếng nghệ sĩ này cũng như chủ nghĩa Siêu thực. “Những chiến lược về ý tưởng như thổi phồng hay sắp xếp những hình ảnh phi lý trái ngược cận kề nhau đã biến chủ nghĩa Siêu thực thành một thứ hàng hóa”, Ghislaine Wood nói. “Vấn đề đã nảy sinh khi đó là một tác phẩm mô phỏng đúng nghĩa chứ không còn là một lối tiếp cận mới mẻ”.
      Cho nên, điều mà chủ nghĩa Siêu thực thường xuyên gặp phải là cứ mỗi khi nổi lên từ sau những năm 1930 nó lại trượt vào xu hướng mô phỏng tác phẩm. Mặc dù cuộc trưng bày V&A đã lần theo những ảnh hưởng của chủ nghĩa này đến tận các đồ vật hình thái học sinh vật (biomorphic) do các nhà thiết kế hậu chiến như Isamu Noguchi của Mỹ và Carlo Mollino của Ý tạo ra từ những năm 1940 nhưng Siêu thực vẫn hiện diện nhiều hơn trong các hoạt động thương mại hào nhoáng ít giá trị.
      Ở một mức độ nào đó, mọi trào lưu nghệ thuật đều bị thương mại hóa nhưng trong số ấy rất ít phải chịu đựng dai dẳng như chủ nghĩa Siêu thực. Thậm chí những cuộc biểu dương tiêu cực nhất của chủ nghĩa Hiện đại cũng đang được củng cố bởi mục đích xã hội của nó khi khuyến khích sử dụng công nghệ để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng vốn là một trào lưu thuộc phạm trù duy ngã, bắt rễ từ sự biểu thị cái tôi, nên cũng dễ hiểu tại sao chủ nghĩa Siêu thực thường sa vào phong cách cường điệu thái quá.
      Chủ nghĩa Siêu thực đã truyền cảm hứng đến trào lưu Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art) vào cuối những năm 1960 và Hậu Hiện đại vào đầu những năm 1980. Đây là những thời kỳ được đặc trưng bởi sự phục hồi kinh tế cộng thêm một nền văn hóa nghệ thuật gần như là cầu kỳ và thiếu nghiêm túc nhằm khỏa lấp những lo âu bị phủ trùm bên dưới. Điều đó giải thích tại sao ngày nay chủ nghĩa Siêu thực một lần nữa lại hiện lên trong các tác phẩm lạ lùng của các nhà siêu thực mới như Front và trên đại lộ George V tại một công trình xây dựng.

Đăng  Ngọc