Hồ treo “giải cứu” miền đất khát

07/05/2007 00:00

Ở một số huyện cao nguyên, núi đá của tỉnh Hà Giang như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh mùa khô kéo dài từ 3 -4 tháng, do đó nhu cầu nước sinh hoạt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng thành công hồ treo đã phần nào giải quyết nhu cầu nước cho người dân nơi đây.

      Cao nguyên đá mùa khô hạn
      Lên cao nguyên đá mùa khô mới thực sự thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Tình trạng thiếu nước xảy ra ở hầu hết các huyện của vùng núi đá này. Tại trường cấp 1, 2 xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, thấy xe của đoàn chúng tôi đến, các thầy cô giáo đều tiếc do không biết đoàn vào để nhờ chở nước từ thị trấn. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Hiệu trưởng trường cấp 1,2 Tả Lủng cho biết: Bình quân mỗi ngày nhà trường dùng hết 8 can nước loại 20 lít để phục vụ ăn uống cho thầy và trò của nhà trường. Trong khi đó, mỗi can phải mua với giá 8.000 đồng. Nỗi khổ thiếu nước không chỉ xảy với riêng trường cấp 1,2 xã Tả Lủng, mà tình trạng này hiện hữu khắp vùng cao nguyên đá. Không ngạc nhiên khi trên 90% đồng bào vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. 
      Ở bản Xả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn, người dân phải đi xa hàng chục km mới gùi được nước về. Ông Thào Mí Giàng gạt những sợi tóc bạc trên trán than thở: “Nước ăn còn không đủ chứ nói gì đến tắm giặt hở các chú?” Rồi buông lời: Biết làm sao được! Cao nguyên mùa khô hạn là vậy, nhưng đồng bào mình mãi không bỏ cao nguyên mà đi đâu. Đến mùa mưa cao nguyên lại hồi sinh mà. Mấy đứa cháu của ông do lâu ngày không được tắm, ghét cáu lại trên tay! Trên con đường xuống các xã của 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, đâu đâu cũng thấy một màu tím xanh của những núi đá sừng sững. Những phiến đá nhăn nhúm và bị xé nát bởi cái nóng, bởi cái nắng hạn của vùng cao nguyên. Và nỗi lo thiếu nước trong những mùa khô hạn vẫn là nỗ lo thường trực đối với người dân nơi đây. 
      Niềm vui cho miền đất khát
      Việc ứng dụng thành công công trình nghiên cứu các nguồn nước cacxtơ ở  khu vực Nà Phạ, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh của TSKH Vũ Cao Minh, Viện Địa chất đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân nơi đây có nước sinh hoạt. Chiếc “hồ treo” đầu tiên đã được xây dựng thử nghiệm tại bản Xà Phìn B, xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn với dung tích khoảng 3.000m3, đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hồ được xây dựng ngay cạnh đường đi Đồng Văn, được xây dựng theo phương pháp đắp đập, dùng trũng cacxtơ để chứa nước và chống mất nước qua các hang Karst, hố sụt Kartơ.  Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang, Bùi Thị Nhung cho biết: Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của các huyện vùng cao núi đá Hà Giang, việc ứng dụng các hồ treo nằm trên độ cao xấp xỉ 1.000m so với mực nước biển là giải pháp hữu hiệu  cung cấp nguồn nước cho khu vực cao nguyên núi đá, đồng thời, cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sản xuất cho người dân.
      Việc thử nghiệm hồ Xà Phìn thành công đã tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục đề xuất xây dựng công trình hồ treo Tả Lủng vào năm 2005 tại  xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc. Hồ có dung tích 3 vạn m3. Để tạo mặt bằng của đáy hồ, những người công nhân đã phải phá, nổ hơn 1.000m3 đá vôi. Hàng chục giếng, hang ngầm có đường kính từ 0,5 - 1m, sâu từ 5- 10m được san lấp và gia cố bằng vật liệu chống thấm. Đập chắn nước được xây dựng với chiều cao 5m, rộng 3m, dài hơn 50m. Hồ được tạo dáng như vầng trăng khuyết giống như một hạt ngọc trong xanh giữa cao nguyên bạt ngàn đá. Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Địa chất, với trữ lượng nước gần 1 triệu m3/năm, việc xây dựng hồ đập chứa nước ngay tại nguồn có thể khai thác hết công suất nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2 - 3 vạn người. Nếu tận dụng các điều kiện tự nhiên, đặc điểm thành phần vật chất của các địa tầng, địa chất... hồ treo này có thể cung cấp nước cho hầu hết người dân sống trên cao nguyên đá, với mức bình quân 150l nước/người/ngày. 
      Giờ đây, lên cao nguyên đá vào mùa khô, bạn sẽ bắt gặp cảnh tấp nập người gánh nước, người giặt rũ, trẻ em vui đùa, tắm gội. “Cơn khát” nước phần nào được giải quyết. Một tin vui cho đồng bào vùng cao nguyên đá, đầu năm 2007, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi thị sát các huyện vùng cao núi đá Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc, Yên Minh và công nhận kết quả thành công của 2 hồ treo thử nghiệm ở 2 xã Tả Lủng, Xà Phìn. Thủ tướng đã quyết định cho xây dựng 30 hồ chứa nước bằng giải pháp công nghệ “hồ treo” tại các huyện này với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng... Với việc xây dựng những hồ chứa nước này, nỗi ám ánh về thiếu nước vào mùa khô của đồng bào đã phần nào được giải quyết. Đây chính là động lực quan trọng để góp phần phát triển bền vững KT - XH của các xã vùng cao núi đá của huyện.

Đức Duy- Trường Giang