Xin đừng... tham bát bỏ mâm
Năm vừa qua, giá cá tra được đẩy lên tới 17 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục. Với mức giá này, nhiều nông dân nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu được hàng tỷ đồng lợi nhuận. Điều này đã khiến cho các ao cá liên tục được các chủ nuôi mở rộng một cách tự phát. Tất cả đều không có sự quản lý nào của các cơ quan chức năng.

“Lên nhà lầu- hoặc ra đầu cầu”
Đây là câu châm ngôn vui mà những nông dân miền Tây Nam bộ vẫn thường mang ra bàn luận về sự may- rủi, ăn- thua khi ai đã trót dấn thân vào nghiệp nuôi cá da trơn. Con cá tra giúp khối kẻ làm giàu đấy nhưng cũng loài cá này đã khiến không ít người khuynh gia bại sản.
Năm 2006 được coi là một năm được mùa của cá tra. Trong suốt cả năm, giá cá tra liên tục ở mức cao và lên đến mức kỷ lục. Nhiều người nuôi cá tra ở khu vực ĐBSCL đã thắng lớn. Điều này đã khiến cho các ao cá liên tục được các chủ nuôi mở rộng một cách tự phát. Vì vậy, quy mô của vùng nuôi cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, những người có khả năng nhìn xa trông rộng về tương lai của con cá tra lại đang có những băn khoăn riêng. Diện tích và cá tra phát triển quá nhanh trong khi số lượng các nhà máy chế biến không tăng nhiều, cơ sở hạ tầng của các nhà máy đang hoạt động cũng không thể phát triển kịp so với tốc độ phát triển của đàn cá.
Việc mở rộng diện tích nuôi cá tự phát như hiện nay đang giống như con dao hai lưỡi. Với những chủ nuôi cá lâu năm, đã có tích lũy về vốn thì việc đầu tư mở rộng diện tích sẽ rất dễ dàng. Nếu không may, những chủ nuôi này bị thất bại thì họ không bị tác động nặng nề. Đáng lo hơn cả là những người đua theo phong trào. Việc đầu tư nuôi cá thường mất rất nhiều vốn nên nếu muốn nuôi, đa phần các hộ thuộc diện “lính mới” đều phải đi vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp ngay từ vụ đầu, giá cá rớt mạnh thì những đối tượng này đa phần đều thua lỗ nặng, thậm chí bị phá sản. Những người có thâm niên trong nghề nuôi cá tra dự đoán trong thời gian tới giá cá tra sẽ hạ. Đây là một quy luật có tính chu kỳ bởi từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi lần giá cá tra tăng cao thì diện tích ao nuôi mở rộng, sản lượng tăng cao thì giá lại hạ thấp và ngược lại. Chính vì vậy, chưa thể có dự đoán nào chính xác về số phận của con cá tra trong thời gian tới.
Những gì con cá tra đang “cho” và “lấy”
Kinh nghiệm của những người cao tuổi cho biết, khi con cá tra bắt đầu xuất hiện tại khu vực Tây Nam bộ, người nuôi cá thường nuôi với mật độ trung bình khoảng 7 con/m2. Nay mật độ này là 30 con/m2. Khi cá tra còn nhỏ, lượng thức ăn chúng ăn bằng khoảng 8% so với trọng lượng cơ thể, khi lớn cần 5% và khi gần thu hoạch thì cần khoảng 3%. Như vậy, với hàng trăm ngàn tấn cá, mỗi năm số cá này thải ra lượng chất thải cũng lên tới hàng trăm ngàn tấn. Tất cả lượng chất thải này đều được “tống” ra sông Hậu - con sông lớn nằm cận kề với thành phố Cần Thơ.
Các nhà nghiên cứu về môi trường quốc tế mới đây cũng đã đưa ra lời cảnh báo với việc phát triển ồ ạt diện tích cá tra của Việt Nam. Theo các chuyên gia thì tỷ lệ nước ngọt tại khu vực Nam bộ (đặc biệt là vào mùa khô) không nhiều. Nếu chỉ chú ý dùng cho việc nuôi cá thì sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp giữa việc phát triển thủy sản với nguồn nước sinh hoạt. Việc phát triển đàn cá tra không tuân thủ theo các điều kiện về môi trường sống sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chính môi trường.
Hậu quả “nhỡn tiền” nếu như những người nuôi cá và các nhà quản lý không tôn trọng cân bằng sinh thái và không tính toán tới những vấn đề nảy sinh từ con cá tra. Mặc dù đây đang là sản phẩm làm đổi đời nhiều người dân, nhiều vùng đất nhưng nếu để phát triển tràn lan như hiện nay mà không có quy định chặt chẽ nào về vấn đề này thì có thể đến một lúc nào đó chính con cá tra sẽ “quật” lại người nuôi…
Phượng Hoàng