Kinh tế Tây Nguyên - Thế và lực mới

29/04/2007 00:00

Trong những ngày tháng 4, náo nức với những hoạt động kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, có lẽ không ai lại không một lần nhắc đến Tây Nguyên, nơi mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, nơi thực hiện cuộc tấn công chiến lược làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng thủ của quân ngụy, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      32 năm trôi qua, nhìn lại đời sống kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng trước sự hồi sinh kỳ diệu của đất và người nơi đây. Thực tế sau chiến tranh, 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay (Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum) là một bãi chiến trường xơ xác, cơ sở hạ tầng kinh tế hầu như còn “trắng”. Sản xuất nông nghiệp ở trình độ lạc hậu “phát, đốt, cốt, trỉa”, không đáp ứng nổi nhu cầu tự cung tự cấp tại chỗ. Tỷ lệ nghèo đói chiếm hơn 70% dân số. Hậu quả tàn phá nặng nề của chiến tranh, sự khắc nghiệt của rừng thiêng, nước độc làm cho Tây Nguyên một thời bị coi là vùng đất chết. Thế nhưng, với các chính sách đầu tư thỏa đáng cả về nguồn lực, con người, cùng với sự nỗ lực của các dân tộc anh em trên vùng đất bazan, Tây Nguyên đã từng bước vươn lên hòa nhập cùng cả nước. Đặc biệt, sau thời kỳ đổi mới, nội lực Tây Nguyên được khai thác, phát huy cao độ, trở thành một vùng kinh tế quan trọng. Bình quân của các địa phương đã đạt 7- 8,5%/năm; Từ 1996 đến nay đã đạt trên 11% năm. Từ chỗ tự cung tự cấp không đủ, đến nay sản lượng lương thực của 5 tỉnh đã đạt trên 100 vạn tấn, bảo đảm được an ninh lương thực tại chỗ. Trên cơ sở tiềm năng đất đai, các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, bông vải, cao su, hạt điều, chè, gỗ rừng trồng... đã tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Tính đến cuối năm 2006, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có hơn 450.000 ha cà phê, đạt sản lượng trên 600.000 tấn, tăng 25 lần về diện tích và 30 lần về sản lượng so với năm 1986. Hiện tại các tỉnh Tây Nguyên đang dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng cà phê, cao su, bông vải, hồ tiêu... Như vậy, trong 5 loại cây “vàng” xuất khẩu của nước ta gồm, gạo, cà phê, cao su, tiêu, hạt điều thì các tỉnh Tây Nguyên đã chiếm lĩnh tới ba mặt hàng có giá trị cao. 
      Đi đôi với phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp chế biến cũng được đẩy mạnh với hơn 12 nhà máy chế biến cà phê tổng công suất trên 350.000 tấn/năm, 7 nhà máy chế biến cao su, công suất 100.000 tấn/năm. 5 nhà máy đường, tổng công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 2 nhà máy chế biến bông vải và 5 nhà máy chế biến chè cùng với hơn 140 cơ sở sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu, trong đó có nhà máy ván ép MDF Gia Lai lớn nhất Đông Nam Á. Các khu công nghiệp lớn cũng đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, như Khu Công nghiệp Tâm Thắng (Đăk Nông), Khu công nghiệp Trà Đa, Phú Diên (Gia Lai), Khu Công nghiệp Hòa Bình (Kon Tum), Khu Công nghiệp Sơn Lộc, Phú Hội (Lâm Đồng)... và đang trở thành những địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Sự chuyển dịch cơ cấu công - nông nghiệp - dịch vụ hợp lý làm cho kinh tế Tây Nguyên phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình như thủy điện, khai khoáng, du lịch, chế biến nông lâm sản, xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, đã tăng hàng năm từ 16,5%, dịch vụ tăng 10%, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 15%... Từ chỗ là một thị trường bó hẹp mang tính tự cung tự cấp, đến nay, sản phẩm hàng hóa Tây Nguyên đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,5- 1,7 tỷ USD, tăng bình quân hàng năm từ 6,5- 7%. Đặc biệt từ sau khi các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế như Bờ Y- Ngọc Hồi (Kon Tum), Đức Cơ (Gia Lai) chính thức đi vào hoạt động, thì Tây Nguyên gần như đã thoát thế ngõ cụt, trở thành đầu cầu hội nhập của miền Trung – Tây Nguyên với các nước trong khu vực qua con đường ngắn nhất. Rất nhiều thương hiệu hàng hóa của Tây Nguyên đã chinh phục thị trường thế giới như cà phê Trung Nguyên; Gỗ Trường Thành (Đăk Lăk), Hoàng Anh Gia Lai (Gia Lai); Hồ tiêu Chư Sê, chè Ô Long, hoa lan Đà Lạt (Lâm Đồng)... Theo đánh giá của UBND tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2006- 2010, nếu phát huy tốt các nguồn lực, Đăk Lăk sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 11- 12%/năm. Ở Gia Lai, nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề là chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nông- lâm nghiệp, với mục tiêu đến năm 2010, trong cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp chỉ còn 30%, công nghiệp - dịch vụ chiếm 45%; Trong đó, công nghiệp chế biến đạt 32%... Kon Tum sẽ tập trung đầu tư cho các dự án kinh tế trọng điểm như Bờ Y- Ngọc Hồi, vùng nguyên liệu bột giấy, chế biến cao su, bột sắn làm điểm nhấn cho quá trình phát triển. Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định thế mạnh về dịch vụ, du lịch, chế biến nông - lâm sản nhằm phấn đấu mức tăng trưởng kinh tế từ nay đến 2010 đạt từ 12- 15%.
      Trong chuyến thăm và làm việc với các tỉnh Tây Nguyên đầu năm 2007, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã đánh giá cao những thành tựu kinh tế vượt bậc của các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua và khuyến khích các địa phương nỗ lực hơn nữa để phát triển Tây Nguyên thành vùng kinh tế động lực của cả nước... Chủ trương phát triển Tây Nguyên thành vùng kinh tế năng động cùng với sự quan tâm đầu tư thích đáng của Nhà nước là cơ hội lớn cho các tỉnh Tây Nguyên tạo thế và lực mới trên con đường phát triển.

Ngô Minh Thuyên