TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Ông già và biển cả

27/04/2007 00:00

Ông già và biển cả là một trong những đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. Đây là kiệt tác cuối cùng của nhà văn và thậm chí xét về một số phương diện nào đấy, nó còn có sức lôi cuốn và để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc hơn cả Chuông nguyện hồn ai.

TỦ SÁCH CỔ ĐIỂN: Ông già và biển cả ảnh 1

      Nhân vật chính trong tiểu thuyết là ông lão đánh cá Santiago sống cô độc trong túp lều bên bờ biển ở ngoại ô thành phố La Habana, Cuba, một ông lão nghèo khổ, thân tình gầy gò khô đét, hai bàn tay có những vết sẹo hằn sâu, vì cọ xát nhiều lần với những sợi dây câu trĩu cá. Có một bà khách ăn mặc sang trọng ở trong Khách sạn Vọng lâu bên bờ biển chỉ cho một em nhỏ cùng đi nhìn thấy bộ xương cá dài thượt với chiếc đuôi khổng lồ đang nằm phơi trên bãi cát trắng mịn. Ai nấy đều trầm trồ trước bộ xương cá vĩ đại mà có ngờ đâu rằng chủ của bộ xương cá ấy đương nằm ngủ li bì trong túp lều kia sau 3 ngày đêm vật lộn với cá trên biển cả mênh mông. Và người đó chính là ông lão Santiago. Sau mấy chục ngày liền ra khơi không kiếm được con cá nào, Santiago bị nhiều tay dân chài chế giễu, nhưng lão không nản lòng và vẫn tin tưởng sẽ đánh được một mẻ cá lớn xứng đáng với uy danh một thời của lão ngày còn trai trẻ. Thế rồi lão lại ra khơi từ lúc quá nửa đêm. Cậu bé Manolin, người bạn nhỏ của lão, giúp lão mang đồ nghề xuống thuyền rồi tiễn lão bằng một cốc cà phê nóng, mấy con cá nhỏ làm mồi câu và những lời chúc may mắn. Tấm lòng của người bạn nhỏ sưởi ấm và làm tăng thêm niềm tin tưởng cho Santiago. Lão cho thuyền đi xa hơn mọi ngày, đến tận vùng Giếng lớn, mà theo kinh nghiệm nhiều năm đi biển, lão biết đây là một bãi cá dầy. Trời chưa sáng rõ, lão đã thả xong mồi nhưng đợi mãi đến gần trưa mới thấy chiếc phao gỗ chúi mạnh xuống nước. Lão mừng rơn giật giây câu lên nhưng không tài nào kéo nổi. Đằng kia đầu dây là một sức nặng kinh khủng: Chắc phải là một con cá rất to. Cá lôi cả thuyền đi. Lão phải vắt sợi dây câu ngang lưng, gập mình ráng hết gân cốt mà níu lấy nó. Từ trưa cho đến chiều, lão hy vọng con cá sẽ yếu sức dần, nhưng lạ thay, cá vẫn kéo thuyền và bây giờ thì không còn thấy bờ đâu nữa. Rồi đêm xuống, trời đầy sao. Vai và tay Santiago bị cứa rách, ứa máu. Suốt đêm ấy và cả ngày hôm sau không có được một miếng bánh nào vào bụng, nên sức lão yếu dần, chân tay tê dại, có lúc tay trái bị chuột rút co quắp, có lần mệt quá đã thiếp đi trên thuyền, nhưng lão vẫn không chịu buông tha: “Mình sẽ cho nó biết sức con người có thể làm được gì và chịu đựng được đến đâu”. Sang đến ngày thứ ba, cá đuối sức, Santiago dùng lao đâm chết cá, buộc nó vào mạn thuyền và lôi về. Đó là một con cá kiếm khổng lồ, dài hơn chiếc thuyền của lão và nặng chừng 6, 7 tấn. Tưởng đã được nghỉ ngơi và mừng thầm với kết quả lao động của mình, nhưng ông lão có ngờ đâu đàn cá mập đánh hơi thấy mùi tanh của máu đã lăn xả tới, Santiago lại bước vào cuộc chiến đấu với loài “thú dữ của biển” xúm đến rỉa thịt con cá kiếm. Lão đem hết sức tàn chống chọi với lũ cá mập, phóng lao, đâm lao, dùng sào, thậm chí cả mái chèo để đánh, để vụt túi bụi. Lão giết được nhiều con, cuối cùng đuổi được chúng đi, nhưng khi nhìn đến con cá kiếm của mình thì thật đau đớn! Nó đã bị rỉa hết thịt chỉ còn trơ lại bộ xương. Lão cho thuyền cập bến. Chú bé Manolin giúp lão trở về túp lều nghèo nàn. Santiago mệt mỏi, đau xót và ngủ thiếp đi, với “đàn sư tử” lởn vởn trong giấc mơ...
      Ông già và biển cả là bản hùng ca ca ngợi con người, sức lao động và khát vọng của con người. Tác phẩm cũng toát lên lòng thông cảm và yêu thương vô bờ của nhà văn đối với những con người nghèo khổ. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng Hemingway muốn nói lên nỗi niềm của mình qua Ông già và biển cả. Các tác phẩm nhà văn để lại cho đời so với những mong muốn và dự định của mình thì cũng chỉ như bộ xương cá kia; Nhưng người đời mấy ai đã hiểu được nhà văn đã hao tâm tổn trí như thế nào để có được bộ xương ấy.

Phùng Văn Tửu