Bàn về kinh phí hoạt động của HĐND

20/04/2007 00:00

Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND chưa quy định về kinh phí hoạt động của HĐND. Chính phủ cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

      Một số chế độ như: Phụ cấp cho đại biểu kiêm nhiệm, chi cho hoạt động TXCT, công tác phí cho đại biểu không trong biên chế nhà nước... mỗi địa phương một cách làm, không thống nhất và nhìn chung, kinh phí cho hoạt động của HĐND đều rất khó khăn, đặc biệt là các huyện mới tái lập, có nguồn thu thấp hầu như chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu như: Tổ chức các kỳ họp, hoạt động giám sát, văn phòng phẩm, một phần chế độ xăng xe... Thực tế hoạt động của HĐND các địa phương cho thấy, rất cần thống nhất quy định: Chi cho những hoạt động nào và trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để chi đúng, chi đủ.
      Hoạt động của HĐND mang tính đặc thù, tập trung vào một số công việc chủ yếu nên thông thường có các khoản chi: Phục vụ cho 2 kỳ họp hàng năm; Phụ cấp hoạt động phí hàng tháng cho đại biểu; Xăng xe phục vụ giám sát của Thường trực HĐND và một số hoạt động liên quan khác. Hàng năm, chỉ tiêu kế hoạch giao chi các hoạt động của HĐND thấp hơn nhiều so với thực tế. Thông thường ở cấp huyện phải điều chỉnh các nguồn chi thường xuyên khác hoặc điều chỉnh nguồn kinh phí nội bộ của cơ quan Văn phòng HĐND – UBND để chi. Những năm qua, các khoản chi của HĐND không mở sổ theo dõi riêng, không bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình điều hành kinh phí.
      Từ số liệu tổng hợp các khoản chi thực tế hoạt động mang tính đặc thù của HĐND các huyện cho thấy mỗi nơi làm một cách, không có sự thống nhất các đầu việc phải chi. Định mức chi cho hoạt động giám sát, phục vụ giám sát, chi TXCT, chi bảo đảm cho kỳ họp HĐND, chi cho công tác thông tin, tuyên truyền, chi hoạt động của tổ đại biểu, chi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của HĐND... nếu có thì cũng quá thấp, không phù hợp với yêu cầu thực tế. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND còn hạn chế. Để bảo đảm kinh phí cho hoạt động của HĐND và thực hiện chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành ngân sách và thực hiện đúng quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước trước hết phải thống nhất các nội dung hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn mang tính đặc thù của HĐND để làm căn cứ xây dựng định mức dự toán chi và thực hiện chi.
      Chi phục vụ kỳ họp HĐND: Ngoài nội dung chi về tài liệu, trang trí khánh tiết... cần quy định rõ tiền ăn, ở, tàu xe đại biểu về dự kỳ họp (gồm đại biểu HĐND, khách mời, nhân viên phục vụ). Trong đó, tiêu chuẩn ăn phải cao hơn so với mức chi các hội nghị, vì tính chất, yêu cầu, nội dung của kỳ họp HĐND cao hơn so với các hội nghị thường xuyên khác.
      Chi cho công tác giám sát: Bồi dưỡng cho các thành viên theo quyết định thành lập Đoàn giám sát của Thường trực HĐND, các ban HĐND (ngoài chế độ công tác phí hiện hành); Chi tiền phục vụ hoạt động giám sát theo quyết định giám sát. 
      Chi cho hoạt động TXCT: Cần chi hỗ trợ cho đại biểu đi TXCT, hỗ trợ cán bộ phục vụ trực tiếp công tác TXCT, hỗ trợ các điểm TXCT.
      Chi cho việc xây dựng các nghị quyết của HĐND: Kinh phí cho dự thảo tờ trình, đề án và nghị quyết của HĐND; Kinh phí cho việc thẩm định nghị quyết HĐND và hoàn chỉnh nghị quyết sau khi được HĐND thông qua trình Chủ tịch ký.
      Chi tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các báo cáo, đề án, dự án, các cuộc họp của Thường trực, các ban, tổ đại biểu HĐND.
      Chi hội nghị giao ban các cấp: Tỉnh – huyện, huyện – xã.
      Chi hoạt động của đại biểu HĐND: Ngoài chế độ hoạt động phí hàng tháng theo quy định, đại biểu được hỗ trợ thêm: Phụ cấp trách nhiệm cho đại biểu HĐND được giao thêm nhiệm vụ, bao gồm: Chi bồi dưỡng cho đại biểu là thành viên Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND kiêm nhiệm; Hỗ trợ cho đại biểu HĐND không hưởng lương từ NSNN (tính theo số ngày thực tế tham gia hoạt động làm nhiệm vụ của người đại biểu).
      Chi cung cấp thông tin, báo chí cho đại biểu: Gồm Báo NĐBND, Tin hoạt động của HĐND và UBND, Văn bản pháp luật mới ban hành, Sổ tay công tác.
      Một số khoản chi hỗ trợ khác như: chi thăm hỏi ĐB khi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất cho đại biểu. Các chế độ khác phục vụ cho hoạt động của đại biểu HĐND thực hiện theo chế độ hiện hành.
      Để bảo đảm cho các hoạt động của HĐND đạt hiệu quả, đề nghị QH, Chính phủ nghiên cứu và quy định hệ số phụ cấp đối với các chức danh HĐND kiêm nhiệm ở từng cấp và thống nhất áp dụng trong toàn quốc; Đồng thời có hướng dẫn cụ thể về chế độ chi tiêu cho hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND các cấp. Có như vậy, HĐND các cấp mới có đủ điều kiện để hoạt động. 

Nguyễn Hồng Sơn
Ủy viên Thường trực HĐND huyện Si Ma Cai, Lào Cai