Sống gửi, thác về (Phần một)

10/04/2007 00:00

Luyến sinh thằng Thái Dương vào một chiều mưa. Mưa đá. Sau những ngày nắng, trời trong vắt. Ngẩng nhìn, thấy xanh. Cúi xuống chân mặt đường loang khói vì nóng nung đốt. Đến chiều, mây đen hiện ra, và sau những hạt mưa tròn bằng đồng xu dán trên đất là những viên đá. Rơi như nhà giời cầm thúng đá mà hắt xuống trần gian.

       Lúc đầu, thấy mưa, trẻ con người lớn hỉ hả cười. Sướng quá, tự nhiên được tắm mát, đến cái cây con con còn vẫy tít. Nhưng rồi, khi những viên đá to, trắng lạnh rơi bồm bộp, vỡ kính xe ô tô, thủng cửa kính và tan nát hết tất cả đám lá cây... thì mọi người chạy hết. Mưa dứt. Mặt đất tan hoang. Xác lá, cành cây trải đâçy mặt đất. Hoang tàn, nước ngập những ngõ nhỏ, lềnh bềnh xác chuột, chết nhanh quá, chưa kịp hiểu là chuyện gì nên hai mắt mở tròn đen nháy. Cá chết nổi đầy mặt hồ, có con bụng còn phập phồng nhưng không thể vẫy đuôi mà bơi, ngáp vặt chờ chết. Đúng lúc đó, Luyến trở dạ. Thằng cu Dương phọt ra. Chị bác sĩ dốc nó lên, phát mấy cái vào cái mông tím đen, nó cũng không buồn chóe lên một tiếng cho mọi người xong việc. Luyến hét: "Chị đánh con em nhẹ thôi ". Chị bác sĩ quay lại, gắt: "Không phát cho nó khóc lên, ngạt thở, tôi không đẻ đền cô được. " 
      Ông ngoại Dương là nhà ngoại giao. Khuôn mặt phẳng lặng, mắt to nhìn thẳng, mũi cao không lộ, nhân trung dài, miệng rộng, trán phẳng. Một khuôn mặt sẽ hoàn hảo, đáng tin cậy nếu không bất ngờ ánh mắt chợt nhọn hoắt sáng khi ông thích chí hoặc khó chịu điều gì, sau đó tắt ngấm. Thật thích hay thật ghét, tia mắt như mũi dao, lấp lánh trong tích tắc rồi biến mất. Cộng thời gian sống ở quê nhà chỉ bằng một phần tám tuổi sống. Ông hướng ngoại từ nhỏ, lấy vợ - bà Mây - cũng phải hướng ngoại. Chẳng may bà bị điếc đột xuất, ở nước mình với dân mình, nói tiếng cha sinh mẹ đẻ còn khó nghe nữa là chu du hết nước này sang khối Đông Âu khác, bà ngày càng điếc. Thế là một mình quay về, không hề lưu luyến ông chồng thơm tho mùi bơ sữa Tây lẫn thời tiết trong lành, không hạt bụi hay khói xe máy. Họ có hai con, Luyến là chị, Tuấn là em. Tuấn cũng hướng ngoại, nhưng trình độ có hạn, chưa vượt ra khỏi biên giới vì không tự giao tiếp với bất cứ ai. Hết phổ thông, không ngoại ngữ, không thể tiến xa như bố, cậu đành tiến gần. Cứ Sài Gòn hoa lệ mà ở. Thế cũng tốt rồi. 
      Nhà nằm giữa một xóm ven hồ. Dân tứ chiếng mua đất từ khi chúng là những ruộng rau muống. Nghề chính của họ là trồng và bán rau. Phương tiện hoạt động là những chiếc thuyền thúng con con, hai mái chèo to hơn hai cái đũa cả xới cơm, gạt gạt như đùa mà thuyền vẫn chạy. Hôm nào gió to, sóng nổi thuyền quay tít, người trên thuyền cố chèo tới một cái gốc cây, túm vào đó, cười, buôn chuyện một lát cho qua cơn, hai mái chèo xinh xinh vung lên, dìu dặt trôi. Duy nhất có một đầm rau to không biến thành đất xây nhà vì dưới đó cơ man cốt người, tương truyền thế, vì đầm rất sâu, nên sau toàn dân cùng chính quyền nhất tâm cải tạo thành hồ. Thỉnh thoảng, buổi sáng, khi trên đầm rau lác đác những thuyền thúng lững lờ trôi, bà Mây cắp rổ đi chợ làng. Qua đầm rau, bà rướn người lên hò ra giữa đầm: "Bác hái rau muống đấy phỏng?" Trên chiếc thuyền thúng gần nhất, một người đàn bà, đang thoăn thoắt hái những cọng rau hồ óng xanh, đều tăm tắp xếp vào khoang thuyền, nghe hỏi, tháo nón ra, nghênh nghênh mặt về phía bà Mây, lắc đầu lia lịa: "Không, tôi đang hái rau muống." Trên bờ, bà Mây phẩy mạnh cái rổ nan, sõng sượt: "Thế mà tôi cứ tưởng bác đang hái rau muống". Rồi tong tong men theo con đường rợp hoa bằng lăng ngăn ngắt, đủ màu tím sẫm tím nhạt, bà ra chợ. Sau này, mỗi khi ông cán bộ ngoại giao gọi điện thoại đường dài về, khi thì ở Anh, lúc ở Canada… câu đầu tiên là: "Bà đang hái rau muống đấy phỏng?" Bà Mây cười bẽn lẽn, duyên dáng cái má lúm đồng tiền nuôi lâu, sâu hoắm: "Ông cứ trêu em. Tốn tiền điện thoại chết!"
      Dương gia nhập hộ khẩu, ngôi nhà nhỏ thành luôn một thế giới. Cậu hay hét. Mẹ cậu nựng ngay. Khi cho ăn thì: "Ngoan ngoan nào, cục vàng cục bạc của mẹ. Con trai mẹ ăn một miếng là mẹ no mười ngày nào. Mẹ xin mẹ xin, đừng có phun ra mà mẹ chết ngay đấy. Chết tươi giẫy đành đạch giống con gà bị cắt tiết đấy. Sợ không". Dương gắt ngủ, cả xóm gật gù lim dim nghe Luyến hát. Tất tật các loại ru con đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, dân ca vọng cổ Bắc Trung Nam... Chơi hết. Hát ru nhiều, Luyến thuộc như hát karaôkê, chính xác như có màn hình chạy chữ trước mặt, cũng luyến láy, nấc lên nấc xuống nghẹn ngào. Cả xóm nghe mãi thành thuộc, rồi thấy nhạc dân tộc nước mình thực ra rất hay và nhiều ý nghĩa. Ai cũng đã từng nghe, từng nhớ vài câu nhưng một bộ tổng phổ đầy đủ thế này thì chưa. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Luyến đâm ra thành có văn hóa, ai nói việc lấy chàng đồ tể là vô văn hóa đâu. Tân, chồng Luyến, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giết lợn, làm giò chả. Nói cái nghề của Tân ra có vẻ kinh, nhưng anh lành hiền, chân chất hiếm thanh niên cùng tuổi bằng. Ngày yêu Luyến, biết thanh thế nhà người yêu, Tân cấm không nói ra nguồn gốc mấy đời nhà mình. Sau bao nhiêu khó khăn, Tân hôn được Luyến một cái. Chính xác cũng chẳng phải hôn, mà cắn trộm được một cái vào môi. Cũng chẳng định cắn, mà hôn như xem ti vi, nhưng Luyến vùng vằng quá, cứ vừa kéo vào lại vừa đẩy ra, không biết thế nào mà chiều, cơn lại lên, dứt khoát môi phải chạm môi. Dí cái môi mình vào môi Luyến, hai cái môi dầy, ướt nhẹp, loang mùi húng lìu thịt rán ăn hồi chiều, lắc phải lắc trái như con lắc đồng hồ, thế là phải nhờ đến răng. Cắn cho một cái. Nguyên miếng thịt mỡ tẩm húng lìu. Thế là Luyến ngoan ngoãn, ấm mềm trong tay. Sau lần hôn thành cắn, Luyến đâm nghiện Tân cắn. Nghiện rồi, cô dắt Tân về nhà. Ông bố ngoại giao bận chu du xa xứ, còn bà mẹ luôn hỏi một câu a và tự trả lời bằng câu b lại thích ăn giò lụa, chả quế. Thế là xong. 
      Nhoắt một cái, Dương lên mười. Nó cao bằng thằng mười bốn, mười lăm. Kết quả học tập toàn trên 8 phẩy. Tối nào hai bố con cũng chong đèn truy bài. Xào qua, xáo lại làu làu tất cả các môn mới nghỉ. Trong lúc đó, Luyến tay cầm cốc nước cam, tay kia là miếng thịt rán (nhà làm giò chả, thịt lợn lúc nào cũng tươi ngon) nhét vào miệng thằng bé. Dương thuỗn dài cái mặt, hai mắt sụp xuống, nhai thịt rán vào 11 giờ đêm, chiêu bằng nước cam đường ngọt lự. Hai thứ đó, không hiểu sao kết hợp về đêm lại gây khó chịu. Thằng Dương ngục ngoặc, rồi cũng nuốt trôi. Trong lúc nhai thịt rán và uống nước cam, nó được ra đường. Đấy là nơi duy nhất được thư giãn, với điều kiện là có mẹ đứng cạnh. Cậu đu người lên cây trứng cá cao ngang mặt, ánh mắt sáng lấp lánh nhìn sâu vào vòm lá cây xanh mướt. Nhấc hai chân lên khỏi mặt đất, ngoáy ngáy hai bàn chân to mà trắng, quay quay. Tự do. Đúng lúc đó, bao giờ Luyến cũng quát: "Dương. Ngã bây giờ. Gẫy chân đấy, què đấy. Nhẹ cái tay đu thôi, cành non, gẫy một cái là chồng xương sống lên nhau, người ngắn lại một khúc. Vào nhà ngay, mẹ lau người cho". Dương nhăn mặt, mắt tối sầm. Tuân lệnh mẹ, Dương đi trước, cúi cúi mặt chán đời. Mẹ tuy nhỏ bé nhưng ưỡn ngực đi sau, rất uy quyền. Thấy ngay phiên bản photocopy, phàm là người Việt Nam và một số người Mỹ dính dáng đến Việt Nam đều biết, là ảnh cô dân quân bắt được tù binh Mỹ, kèm một câu thơ: "O du kích nhỏ gương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu"(1).
      O du kích nhỏ mẹ và thằng Mỹ con chui vào buồng tắm. Quần áo lột dần. O du kích mẹ kiễng chân tháo được áo của thằng Mỹ con tới giờ chán đời, không thể cúi thấp hơn nữa mà ngây thộn. Nó đứng. Trần truồng. O du kích mẹ lấy khăn mặt, ngâm vào chậu nước nóng có đập củ gừng, chăm chú lau từng xăngtimet. Bao giờ đến con chim thằng Mỹ, mặt o du kích cũng nhăn lại đau khổ: "Mẹ bảo con kéo chim ra, không nghe, giờ nó không chịu lột, sao lấy vợ đẻ con được. Đúng tháng sau, mẹ cho đi cắt". Thằng Dương mếu máo: "Ngày nào con chả kéo, nhưng nó không ra. Mẹ thích thì cắt đi, không kéo nữa". "ừ, mai mẹ mời bác sĩ đến. Nhẹ lắm, không đau đâu". Dương im lặng, mặt chảy thượt đợi cái khăn mặt chà ngang lưng, xuống mông, rồi khoeo chân. Nước ấm, lại có gừng tươi, khăn đi tới đâu, da mát tới đó. Lau người xong, đánh răng. Đánh răng xong, hết quy trình một ngày. Ngủ.
      Nhà rộng, nhưng ba người nằm chung. Dương nằm trong, sát tường. Đến Luyến. Tân chặn ngoài cùng. Khi ngủ. Tự động có luật bất thành văn, người ngoài úp mặt vào lưng người trong. Gọi là thế úp thìa. Không biết từ lúc nào, thằng Dương nằm cong mà chân còn dài hơn bố mẹ nằm thẳng. Một đêm, thấy Luyến giật lên đùng đùng, túm cổ Tân kéo dậy. "Gì thế? Lại mơ à?" Luyến mếu máo, lè nhè: "Mai phải gọi người cắt chim cho thằng Dương. Càng để lâu, càng hại". "Thì em gọi bác sĩ đi. Có gì mà ầm lên". "Lo quá. Không biết cắt xong có sao không? Nó mà làm sao, em chết". "Khổ lắm. Ngủ đi. Chuyện vặt". Ba người lại úp thìa. Tân ôm chặt Luyến. Luyến ôm chặt Dương. Đêm nào ngủ cũng trong tình trạng 3 người chết đuối vớ được nhau, phải có nhau chống lại sóng cao gió lớn, cuộc đời ngoài kia không tin ai được.
      Thằng Dương được cắt bao quy đầu. Hôm ấy, cả làng một phen kinh hãi. Đương sự hét. Mẹ đương sự hét. Bố đương sự hét. Cuối cùng là bác sĩ chốt hạ hét to nhất: "Tất cả có im đi không, cắt cho thằng bé chứ có cắt của bà đâu mà bà gào lên. Tôi ong đầu quá, sao mà khâu cho nó đây". Luyến hét đúng như tiếng lợn bị lôi ra khỏi chuồng, trói bốn chân, móc hàm vào cái lưỡi cân, rồi ném lên xe tải chở đi. Hét một đoạn đường dài, tới khi mũi dao nhọn ngắn xoáy một xoáy vào họng. Thì câm. Bác sĩ mặt đỏ huyết áp cao căng thẳng, kì cạch nơi con chim thằng Dương một lúc, rồi thở phào. "Nó sẽ là một thằng đàn ông hoàn hảo. Thanh toán nhanh, tôi phải về trực. Tối nay còn hai ca như thế này". Ba hôm sau. Thằng Mỹ con lom khom hơn, hai chân dạng rộng thiếu cái váy cháo lòng ố đỏ thành gái đẻ, đi trước. O du kích mẹ đi sau, mặt tái ngắt không hột máu. Điểm đến của hai mẹ con vẫn là cây trứng cá không cao lên được vì Dương ngày nào cũng vít, nhất là những đêm nhai thịt rán già, dai nhách. Lần này là chai thuốc bổ 14 vitamin và xiên thịt lợn nướng. Mẹ với với đưa thịt vào miệng con, kèm thìa thuốc bổ, chiêu bằng nước cà rốt ép đỏ lịm. 
      Dương sinh nhật tuổi 16, cao 1,72m, nặng 57 kg, nhìn từ sau đúng chàng trai hoàn hảo. Nhưng đấy là nhìn từ đằng sau. Đằng trước thì khác. Gặp mặt Dương một lần, sẽ ám ảnh. Mặt nó ngày càng dài, thuôn thuôn nhạt màu, hai mắt dài, đuôi mắt sụp xuống, mũi cũng dài, miệng lại rộng. Giống những trái bầu bằng thủy tinh đặt cạnh nhau ngang dọc hay bán ở quầy lưu niệm người ta mua làm móc khóa. Dương hiền. Không nói không hét như bọn bạn cùng tuổi, mỗi khi tới lớp, hay chơi ngoài sân trường. Nó luôn đứng nhìn. Chỉ nhìn. Rồi cười. Đến cười cũng hiền lành, kìm nén. Nó chưa bao giờ được ra đường cách nhà mười mét nếu không có mẹ hoặc bố đi kèm. Cũng chỉ được chơi trò ném ống bơ với lũ trẻ con nếu hôm đó nó lớn nhất hội. Không thể chơi khi có đứa lớn hơn, chả may nện vào thằng bé thì Luyến đau lòng đứt ruột chết mất. Trò ném ống bơ được truyền từ đời này sang đời khác, bất kể đứa trẻ nào lớn lên ở khu phố ấy đều có những ngày tháng mê không dứt ra được. Chúng đặt ba hay bốn lon bia hay côca-côla ở cuối sân, đứng cạnh nhau đầu sân bên này, cách khoảng 10 mét, mỗi đứa cầm một chiếc dép của mình, nhằm thẳng ống bơ mà ném. Ai ném trúng thì nhẩy cẫng lên, được ăn nắm trun vòng hay gói bimbim của thằng khác. Mẹ thằng Dương trước khi cho con tham gia, cũng đặt ống bơ vào vị trí ấy, cũng cầm dép nhún lên nhún xuống lia thẳng vào mục tiêu, cốt để xem trò này có tốn sức của con trai mình không, có nguy hiểm cho cái tay vung ra quá đà, chẳng may sái thì sao. Thấy sau vài lần lia thật lực, mồ hôi toát ra, tay có vẻ khỏe hơn. Thế là đồng ý cho Dương tham gia, nhưng có sự giám sát của chính mình.
       Vào một ngày không báo trước, ông ngoại ở nước ngoài về. Một chiếc xe đen trũi biển xanh nhà nước đỗ xịch, rì rì tiếng động cơ xe xịn, cửa mở cũng không tiếng động, ông ngoại bước ra, vẻn vẹn chỉ ông và chiếc cặp mỏng. Hoàn toàn không tin được là ông từ bên kia trái đất trở về. Bộ dạng đó, chỉ là vừa đi họp ở Hội trường Ba Đình hay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Cả nhà Luyến đang ngồi quanh mâm cơm. Vẫn đĩa dồi tràng lợn, ít tiết luộc ăn cho giải độc, bát mắm tôm sủi bọt vì pha thêm rượu quốc lủi cho thơm, đĩa thịt luộc, chén rượu thuốc của Tân sau một ngày nâng lên hạ xuống cả nghìn nhát giã giò. Luyến thì có miếng thăn lợn rán, quả dưa chuột ăn tươi cho có Vitamin. Dương thì mấy xiên thịt, bát canh rau thập cẩm... Mỗi người một góc mâm, một nhu cầu, một khẩu vị. Đúng lúc cao trào, rượu cạn, bát mắm tôm vơi sạt và đĩa lòng chỉ còn mấy miếng tiết luộc vụn thì ông ngoại tay xách cặp mỏng hiện ra. Cả nhà chết sững, không biết bày tỏ tình cảm kiểu gì vì trí tưởng tượng đã ít mà nếu có cũng cao không hơn cây trứng cá trước cửa. Cuối cùng thì ông cũng phải tự tìm đường mà len mình vào cái thế giới chật cứng, khép kín hoàn hảo, bằng cách, ném cái cặp mỏng vào góc nhà, vồ lấy thằng cháu ngồi cao gần bằng ông đứng. "Trời ơi, cháu của ông lớn thế này rồi sao?". Thốt lên một câu cảm thán đến chính ông cũng ngượng. Ai lại nói thế, hả nhà ngoại giao? Biết là sến quá, nhưng trong hoàn cảnh này, những con người mà ông mỗi lần nhớ đến là lạnh tê tái, rét run từ trong rét ra, cảm giác chán nản bế tắc nhưng không bao giờ từ bỏ được. Biết là giả dối, nhưng chẳng lẽ lại quay sang thằng con rể quanh năm ôm cối giã giò nướng chả mà hỏi, giá giò có lên không? Biết là hỏi một câu rất thừa, nếu có rỗi việc, ngồi xem phim truyền hình của ta phát trên kênh VTV4 dành riêng cho kiều bào yêu quê hương xa tổ quốc, nhân vật nào đó như ông, hỏi thằng cháu ngoại một câu như ông, chính ông sẽ nhăn mặt, lầm bầm: "Vô duyên, hỏi chả để làm gì". Mà nhạt, sến thật.

Nguyễn Thị Thu Huệ


      (1). Thơ Tố Hữu