Đơn thương độc mã

30/03/2007 00:00

Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận hải quân – không quân lớn nhất tại Vùng Vịnh kể từ khi tấn công Iraq năm 2003. Sức mạnh quân sự được thể hiện, nhưng cũng chính sự kiện này chỉ ra thế yếu về chính trị của Mỹ trong khu vực khi các nước đồng minh Arập ở Vùng Vịnh từ chối tham gia.

      Cuộc tập trận huy động 15 tàu chiến và hơn 100 máy bay, được tiến hành vài ngày sau khi Iran bắt giữ 15 binh sỹ hải quân Anh và lên án việc Mỹ gia tăng lực lượng tại Vùng Vịnh. Mặc dù các chỉ huy quân sự Mỹ quả quyết, đây không phải lời đe dọa đáp trả vụ bắt giữ lính Anh, nhưng cũng úp mở rằng cuộc tập trận này chứng tỏ sức mạnh hải quân – không quân trong khu vực của Mỹ có thể được tăng cường nhanh chóng khi Mỹ cần thực hiện cam kết an ninh đối với các đồng minh. Họ cũng khẳng định rằng, trong cuộc tập trận này, các tàu sân bay, tàu khu trục, tàu phá mìn, thủy phi cơ… với khoảng 10.000 binh sỹ sẽ không xâm nhập lãnh hải của Iran, nhưng cũng chỉ cách bờ biển Iran 12 hải lý. Hải quân Mỹ cũng không ngần ngại cho báo giới tiếp cận và ghi lại những hình ảnh ngoạn mục của cuộc tập trận như để thêm phần phô trương sức mạnh quân sự. 
      Tuy nhiên, nếu như cuộc tập trận phô trương sức mạnh sự của Mỹ, thì nó cũng để lộ thế yếu về chính trị của Mỹ trong khu vực. Ngay trước khi cuộc tập trận bắt đầu, 2 đồng minh Vùng Vịnh chủ chốt của Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng là không tham gia tập trận cũng như bất cứ hành động quân sự nào nhằm vào Iran.
Đầu tiên là Qatar, nơi có 6.500 lính Mỹ đồn trú và Bộ Tư lệnh các lực lượng không quân Mỹ tại Trung Đông đặt tại căn cứ khổng lồ al-Udeid. Đầu tháng 3 vừa qua, nước này đã tuyên bố không tham gia vào các hành động chống lại Iran, và quan trọng hơn, cũng không cho phép các hành động chống lại Iran xuất phát từ lãnh thổ của mình. Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ muốn tấn công Iran thì phải từ bỏ tác chiến đường không, một việc chẳng khác nào tự chặt đứt tay, hoặc chuyển căn cứ này sang nước khác, cũng là một điều không tưởng. Tiếp đó, ngay trước cuộc tập trận, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), nơi có 1.300 lính Mỹ đồn trú và căn cứ trinh thám không quân lớn nhất của Mỹ, cũng đã thể hiện thái độ giống như Quatar. 
      Không chỉ có vậy, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, một cơ chế liên minh lỏng lẻo tập hợp các nước Arập thân Mỹ bao gồm: Kuwait, Qatar, Oman, Saudi Arabia, Bahrain và UAE, đã ra lời kêu gọi tất cả các nước thành viên không hỗ trợ hành động chống Iran của Mỹ. Trong thời gian qua, các thành viên của khối này liên tục có những tuyên bố ở các mức độ khác nhau, phản đối thái độ cứng rắn của Mỹ với Iran. Điều này hoàn toàn là có cơ sở vì nếu như cuộc chiến xảy ra, đối tượng trả đũa đầu tiên của Iran là những nước này, vốn nằm trong tầm bắn của tên lửa Iran. Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu này, hiện nay, các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, đặc biệt là UAE đang có quan hệ thương mại và ngoại giao rất tốt với Iran và hoàn toàn không muốn làm hỏng mối quan hệ đó.
      Như vậy, trong trường hợp nổ ra cuộc chiến với Iran, không những Mỹ không nhận được lợi thế từ hậu cần tại chỗ trong khu vực mà có thể còn không có được sự phục vụ đầy đủ của 40.000 lính Mỹ đang đóng căn cứ trên lãnh thổ của các nước Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. 
      Còn nhớ, năm 2003 khi Mỹ tấn công Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, dù là đồng minh thân cận của Mỹ ở cả Trung Đông và châu Âu, cũng từ chối cho phép sử dụng lãnh thổ và không phận của mình để tấn công vào Iraq. Và điều này đã buộc Mỹ phải điều chỉnh kế hoạch mở mặt trận phía Bắc Iraq.
      Nếu như mục đích của cuộc tập trận tuần này là chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tấn công trong tương lai, thì Mỹ coi như đã thất bại. Vì tinh thần chiến đấu và ý chí chính trị không thể đạt được trạng thái tốt cần thiết khi các đồng minh khoanh tay.

Minh Trâm