Cơn hồng thủy (Phần hai)
Hóa ra ngày tận thế trong Kinh thánh là có thật. Hóa ra đời tôi được chứng kiến những điều tưởng chỉ là chuyện ảo. Chiều hôm đó, tôi nấp trong một bụi gai ngoài nội cỏ. Người ta vừa đào xong một cái hố to sâu hút.

Tiếng bọn đặc nhiệm thần chết gọi loa ra lệnh nghe ghê rợn.
Từng tốp người lũ lượt tay xách lồng gà lồng vịt tới pháp trường. Trận "tổng diệt chủng" diễn ra dưới hình thức chôn sống. Tất cả bị ném xuống hố. Tiếng kêu gào thảm thiết của các chị gà mái mất con. Đến lúc chết, vẫn chỉ biết có con. Còn thân mình ra sao không cần biết.
- Mẹ ơi, chúng con ở đây...
Đàn gà con bị quẳng xuống trước, nằm nép đáy hố. Gà mẹ xà lại sung sướng, lấy cánh xòe che chở cho con, không biết rằng đôi cánh làm sao có thể chống đỡ được sức nặng của những xẻng đất chôn sống.
Những chú vịt lạch bạch chạy trốn. Nhưng trốn đâu cho thoát. Bọn đặc nhiệm lấy chân gạt. Những cô "thôn nữ gà giò" chớm tuổi dậy thì, mất trí, chạy ngu ngơ. Mụ đặc nhiệm cầm đòn gánh vừa phang túi bụi vừa gạt. Sau lưng tuổi "thiếu nữ" là vực thẳm đen ngòm. Những cô thiếu nữ chưa một lần biết hương vị tình yêu, đã thấy trước mắt mình là bóng tối.
Tiếng khóc gào vang trên nội cỏ. Cảnh hành hình thời trung cổ diễn ra. Từng lớp, từng lớp sinh vật sống chồng lên nhau cao như đụn rạ. Xăng tưới đẫm lênh láng. Một que diêm ném xuống. Cả hố thành lò lửa bát quái. Mùi thịt cháy khét lẹt.
Gió đồng đem mùi chết chóc bay xa, bay xa đến những chân trời đời sau...
Bao nhiêu sinh mệnh đã chỉ còn trong màu khói đen lơ lửng.
Bọn đặc nhiệm vội vã lấp đất phi tang.
*
Tôi quyết định ra đi tìm con đường sống. Ngược dòng suối, tìm về thời hoang dã. Tôi biết nơi xa kia có một cánh rừng nhỏ.
Trưa hôm ấy, bên cửa suối, gặp một đàn vịt nhà cũng đang trên đường tỵ nạn. Đàn vịt đông như một sư đoàn tơi tả, đói rách, mất hết vũ khí quân trang, đang lê bước.
- Chúng tôi bị bỏ rơi. Trước đây chúng tôi là quân đánh thuê nhà nghề, được cấp phát lương thực đầy đủ - Đàn vịt nói - Bây giờ bị bỏ đói, bị xua đuổi muốn đi đâu thì đi. Bao nhiêu ngày lê gót được đến đây. Không có gì ăn...
- Thế là may cho các anh đấy. Kẻ khác còn bị chôn sống kia kìa.
- May theo một nghĩa nào thôi. Nhưng ngắc ngoải, chết đói từ từ còn khổ hơn ấy chứ. Cả đời quen được sống bao cấp, đi đánh thuê, có mỗi một nghề đánh nhau, không biết làm ăn gì. Bây giờ chết đói là cái chắc.
Có mấy con vịt giời sà xuống nghe ngóng, động viên:
- Hãy tự cứu lấy mình. Như chúng tôi từ thuở lọt lòng, ai "bao cấp" cho một hạt thóc nào, sao vẫn sống.
Đàn vịt nhà ngao ngán tuyệt vọng. Nhiều con sức tàn lực kiệt đã nằm nửa ngủ lơ mơ, nửa chết...
Tôi cũng bỏ mặc chúng, tự mình cứu lấy mình trước đã. Vào lúc này, ai có thể cưu mang được ai.
Tới rừng hoang, tôi trú chân trong hốc cây sồi già. Trên cành cao là gã Diều hâu và chú Quạ. Quạ, trước đây tôi không ưa lắm. Thỉnh thoảng có gặp nhau. Quạ về đậu chuồng lợn, nhớn nha nhớn nhác, không đàng hoàng. Còn diều hâu, thì tôi phục cái phong thái oai hùng của gã. Những chiều hè, lượn lờ trên tầng mây xanh biếc. Nhưng bây giờ thì gã cũng nhớn nha nhớn nhác
- Tôi sợ lắm. Bị truy lùng khắp nơi. Không còn đất sống nữa - gã nói.
Trong bối cảnh bước đường cùng, ba chúng tôi làm bạn với nhau cho đỡ cô đơn.
Cánh rừng chết lặng. Không một tiếng chim kêu. Mặc dù mật độ tỵ nạn về đây dày đặc.
Một buổi có đàn thiên nga từ phương Bắc về. Chúng kể chuyện:
- Chúng tôi đang nô giỡn trên những mặt hồ xanh biếc như mắt người thiếu nữ châu Âu. Chúng tôi rúc vào cánh ngủ lơ mơ trên dòng Đa nuýp xanh lơ của các bản giao hưởng cổ điển. Bao đời đã quen như thế. Vậy mà rồi bất ngờ bọn đặc nhiệm thần chết nổ súng. Chúng tôi choàng tỉnh dậy. Máu nhuộm đỏ cả mặt hồ mặt sông. Máu nhuộm đỏ những cánh thiên nga trắng tinh. Chúng tôi, ai còn sống sót, cất cánh bay lên hoảng loạn, oán hờn mặt hồ xanh biếc. Đành phải bỏ lại mặt hồ phụ bạc. Tiếng súng "tiễn chân" suốt dặm đường. Bay đến rã cánh không dám nghỉ. Nghỉ, là chết. ở đâu cũng có mũi súng đen ngòm. Lang thang giữa bầu trời mịt mù vô định, rồi đến được đây.
Một chú bồ câu ở thành phố cổ châu Âu tường thuật:
- Chúng tôi sống trên quảng trường nô đùa cùng với khách du lịch. Chúng tôi sà xuống ghế đá công viên bên những đôi trai gái đang hôn nhau. Thành phố quê hương cổ kính, mái nhà tháp nhọn dát vàng. Thành phố thân yêu, những chiều đông tuyết trắng, chúng tôi sà vào mổ vụn bánh mì bên các cửa sổ ấm cúng. Đôi khi đùa quá đáng, chúng tôi phóng uế trắng xóa vai các pho tượng đồng công viên... Vậy mà thành phố không giận. Thế thì tại sao lại có chuyện giăng lưới quây bắt. Ban đầu tưởng là trò chơi của Festival du lịch. Chúng tôi sà vào mắt lưới nô nghịch. Hóa ra sau chẳng có chuyện Festival gì ở đây cả. Hàng ngàn hàng ngàn sinh mạng bị quẳng xuống hố sâu thiêu sống. Chỉ trong vài ngày thành phố vắng hoe như một bãi tha ma. Tôi may mắn thoát chết.
Một chú bồ câu khác từ nước Mỹ tới kể tiếp:
- Tôi được nuôi trong một lâu đài cổ kính. Chú bé Jimmy thường ve vuốt tôi trong lòng. Một hôm tôi thấy trên ti vi chiếu cảnh tàn sát loài có cánh. Khắp thế giới chỗ nào cũng có hủy diệt.
Chú bé Jimmy giật mình quay lại nhìn tôi. Không bao giờ quên được ánh mắt ấy. Ôi đôi mắt xưa thân yêu bao nhiêu thì giờ đáng sợ bấy nhiêu. Dịch giết chóc từ màn ảnh ti vi chảy vào tâm trí chú bé Jimmy. Chú đứng dậy, tránh xa tôi. Rồi đưa tay xua đuổi. Tôi biết cái gì đã xảy ra. Không thể nấn ná một giây. Không nuối tiếc. Tôi vỗ cánh bay đi. Vĩnh biệt tuổi thơ êm đềm trong tòa lâu đài cổ kính gô tích.
Chú Chim Ưng từ cao nguyên Trung á góp chuyện:
- Tôi thường đậu trên tay ông chủ khi ông phi ngựa trên thảo nguyên xanh biếc. Ông tung tôi lên trời. Như một mũi tên tôi lao vào chặn đánh đối thủ giữa tầng không. Sự dũng mãnh của tôi, ai cũng kính nể. Trời cao, không là cái gì. Thảo nguyên rộng, không là cái gì. Sải cánh của tôi tung hoành gió bão. ấy vậy mà bọn đặc nhiệm thần chết đòi ông chủ dẫn độ giao nộp tôi cho chúng. Không đời nào. Tôi mổ mù mắt một tên đặc nhiệm. Và từ giã ông chủ ra đi...
Chú đại bàng vùng núi Nam Mỹ nhún vai:
- Núi cao, rừng già, hang sâu là giường nệm của chúng tôi. Sải cánh tôi đo từng đoạn bầu trời. Chúng tôi sống với trăng sao, đâu sống với con người. Tôi có thể mổ một ngôi sao nuốt vào bụng. Chúng tôi không màng các cánh đồng lầy lội đầy lúa má, hay đường phố bày bán thực phẩm ăn liền. Vậy mà chúng không để chúng tôi yên. Từng tiểu đội đặc nhiệm vào rừng càn quét. Súng vãi đạn. Chúng quyết giết chúng tôi.
Chú phượng hoàng từ vườn Bách thú thành phố kể những gì mắt thấy tai nghe:
- Nạn nhân đầu tiên là đám gà Lôi xanh biếc. Chúng như bầy nam thanh nữ tú đang trẩy hội. Tất cả bị bắt ném vào bao tải như ném củ cải. Sau đấy là các loài chim: trĩ, vẹt, oanh, én, chàng làng, ác là, sáo sậu, tu hú, bách thanh... Đây là dàn nhạc vĩ đại của công viên. Mỗi sáng chúng tấu bản nhạc giao hưởng cổ điển Môda, Béttôven du dương. Chúng bị quây, và bao tải trở thành bầu trời. Đầu tiên chúng tưởng có sự hiểu lầm. Sẽ được minh oan. Chúng còn nổi cơn giận dỗi nghệ sĩ, định bụng sẽ đình công, ngưng hòa nhạc vì các hành động thiếu văn hóa. Nhưng sau đấy, một cái hố sâu thăm thẳm là "miền đất hứa cho các nghệ sĩ". Tất cả bị xử lý bằng hóa chất. Dòng axít trong vắt như dòng suối, lan đến đâu cào xé rách toang các cổ họng nghệ sĩ đến đấy.
Tôi và đà điểu là hai thứ quý của công viên. Ban đầu tưởng số phận sẽ ưu ái biệt nhỡn. Nhưng không, nó chẳng chừa ai. Đàn đà điểu phóng thẳng ra đường phố ô tô đông nghẹt. Cao lớn lộc ngộc, chúng chạy thi cùng với những chiếc Mécxêđéc, Tôyôta, đang lao vun vút.
Bọn đặc nhiệm phóng mô tô chuyên dụng đuổi theo. Dân hai bên đường hò reo cổ vũ cho cuộc thảm sát. Lần đầu tiên những con đà điểu ân hận. Tại sao chúng lại từ sa mạc châu Phi về chốn phồn hoa đô hội này. Những con đà điểu như những lực sĩ thời La Mã cổ đại lao ngược vào đường một chiều. Tất cả ô tô đối đầu với chúng. Chúng đạp vào mặt những chiếc ô tô của nền văn minh tàn sát môi trường. Chúng chạy ngược chiều thời gian, ngược chiều lịch sử để về với miền hoang dã thơ ngây. Cuộc chạy vô vọng. Bọn đặc nhiệm dùng thòng lọng khéo như các tướng cướp ả rập trung cổ. Dây thừng xềnh xệch kéo những chiếc cổ cao kiêu hãnh. Rồi chúng xếp những con đà điểu lên xe tải như xếp những bó tre nứa đem về lò thiêu...
Tôi phản ứng nhanh nhất. Không có chuyện rỗi hơi xòe cái đuôi đẹp đẽ ra múa cho thiên hạ xem nữa. Tôi cụp đuôi lại, "phắn" thẳng một mạch. ở đâu rừng cũng cứu người. Tôi nương vào những hàng cây ven đường mà thoát thân...
*
Nửa năm trôi qua. Tôi nghĩ cái gì cũng có cao trào rồi đến thoái trào. Cuộc diệt chủng không có lý do gì kéo dài mãi. Tôi bảo Quạ:
- Anh nhỏ bé, cơ động, lanh lợi, thử về làng quê trinh sát xem sao.
Quạ đồng ý. Vài ngày sau về, nhớn nha nhớn nhác, mắt tròn mắt dẹt. Đáng lẽ phải cung cấp thông tin ngay, nhưng nó lại tuôn ra một tràng triết lý:
- Cái gì rồi cũng qua. Sự sống là vĩnh cửu, là bất diệt. Không gì hủy diệt được sự sống.
Triết lý thì đúng, nếu qua mồm tôi nói. Nhưng qua mồm Quạ thành ra chẳng gây ấn tượng gì.
- Tất cả mọi sự tồn tại trên đời này đều có triết lý tự nhiên của nó. Nếu không, tôi đã không tồn tại.
- Được rồi, nói đi - Tôi giục.
- Sự sống đã trở lại các làng quê thanh bình. Sân nhà lại đầy ắp gà vịt. Chim chóc trong các lùm cây lại ríu ran.
- Thế sáng ra, anh có nghe tiếng gà gáy gọi bình minh? - Tôi lo lắng.
- Có. Tiếng gà dõng dạc ngân vang, hoành tráng, và mặt trời lại từ từ lên.
- Ai thế nhỉ. Ai có thể thay tôi được...
- Thế không có ông dễ người ta chết hết, sự sống ngừng chảy chắc!
Tôi im lặng, suy nghĩ, lo âu xen lẫn mừng vui. Cuối cùng thì mừng vui là chủ đạo.
Cùng với quạ, chim cắt, bồ câu cũng đi trinh sát các thành phố, miền xa. Trở về, nhất loạt kết luận: sự sống đã hồi sinh.
- Chúng ta về chăng - Tôi nói - Các anh về quê tôi sinh sống. Mái ngói rêu mốc, rặng tre, ao bèo... đầm ấm lắm.
- Không - Bọn đại bàng, thiên nga nói - Chúng tôi sẽ qua đấy như một tua du lịch về cội nguồn. Còn chúng tôi, thiên nga phải về với dòng Đa nuýp xanh lơ, đại bàng về núi cao hùng vĩ, chim Công về với công viên thành phố hoa lệ, nơi cái đuôi xòe là biểu tượng của cuộc sống phồn hoa.
- Thôi được. Suýt chết ở đấy rồi mà vẫn không chừa.
- Cũng như anh... Sao lại còn trở lại làng quê.
ừ nhỉ, tôi bật cười.
Nguyễn Phan Hách