Tiếp xúc tại thôn bản để hiểu cử tri hơn

13/03/2007 00:00

Một trong những hoạt động quan trọng của đại biểu dân cử là TXCT. Trong những năm qua, việc tổ chức cho các đại biểu dân cử TXCT thường được làm như sau: Thường trực HĐND thông báo lịch TXCT đến HĐND, UBND các xã, yêu cầu số lượng cử tri tham gia buổi tiếp xúc tùy theo sức chứa của hội trường UBND xã.

      UBND viết giấy mời cụ thể số cử tri sẽ được tham gia buổi tiếp xúc, thành phần gồm: Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Trưởng các ban ngành, đoàn thể, các Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn đại diện cho cử tri toàn xã. Nhìn vào thành phần đó có thể thấy hầu hết là các đại cử tri. Họ là những người chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết HĐND các cấp chứ không trực tiếp thực hiện. Mặt khác, khi có giấy mời, UBND, UBMTTQ xã lại chỉ định các đại biểu phát biểu và gợi ý các nội dung sẽ phát biểu tại buổi tiếp xúc. Vì vậy các ý kiến phát biểu thường trùng lặp, thậm chí chưa tiếp xúc các đại biểu đã biết được vấn đề mà cử tri sẽ nêu, như: Chế độ cho cán bộ đoàn thể thôn bản thấp; Ngân sách xã khó khăn, đề nghị Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, miễn thu thủy lợi phí, tăng số lượng và chất lượng hàng trợ giá, trợ cước, biên chế cho giáo viên mầm non ngoài công lập, hạ giá vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm nông sản cho nông dân... Những việc nhỏ nhưng thiết thực như xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông thôn, xóm, hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương bao giờ cũng được kiến nghị... Mặc dù các đại biểu đã phân tích, giải thích rõ những gì có thể làm được, chưa làm được; Những vấn đề cần xã, thôn và mỗi người dân phải hợp sức để thực hiện, nhưng đến kỳ tiếp xúc sau, những nội dung đã nêu ở kỳ tiếp xúc trước đó lại được đưa ra, để tiếp tục đề nghị quan tâm giúp đỡ. 
      Trong các cuộc tiếp xúc, những ý kiến về thực trạng công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội ở cơ sở như thế nào ít được đặt ra, ít được phản ánh do ngại va chạm, do sợ nói ra địa phương sẽ gặp khó khăn nên không nói thật, nên ý kiến thường xuôi chiều. Vì thế trong các cuộc TXCT, các đại biểu dân cử cũng không thể biết hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, không thể hiểu hết được những diễn biến phức tạp ở cơ sở nên đơn thư phản ánh, kiến nghị, KNTC đông người, vượt cấp vẫn gia tăng. 
      Để góp phần giải quyết những bức xúc ở cơ sở, phải đổi mới và nâng cao chất lượng TXCT. Thường trực HĐND huyện yêu cầu các đại biểu HĐND phải tăng cường bám sát cơ sở, nắm chắc các vấn đề mà ngành mình, địa phương mình đang thực hiện; Phải biết người dân đang làm gì, mong muốn gì. Không nên tổ chức TXCT ở hội trường UBND xã mà yêu cầu các xã tổ chức TXCT tại thôn bản. Thành phần cử tri được mở rộng, ai có nhu cầu trao đổi với đại biểu dân cử đều có thể thực hiện. Thời gian, địa điểm, thành phần đoàn đại biểu TXCT được thông báo trên Đài phát thanh của thôn, xã trước 3-4 ngày để nhân dân được biết. Cải tiến như vậy, cử tri đến dự các cuộc tiếp xúc đông hơn, nhiều ý kiến phát biểu, trái ngược với báo cáo của UBND nhưng rất đáng để chính quyền địa phương lưu ý... Đại biểu TXCT tại các thôn bản cảm nhận được sâu sắc những vấn đề người dân quan tâm và hiểu ra rằng cơ sở đang có nhiều việc phải bàn, phải giải quyết, nhất là việc tổ chức thực hiện các chính sách xã hội như: Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số... Việc thực hiện chế độ trợ cấp cho các đối tượng là thương binh cũng có nhiều sai sót. Một số người lợi dụng những sơ hở, thiếu chặt chẽ trong công tác điều tra, đã lập hồ sơ giả để được cấp giấy chứng nhận là thương binh, nhận tiền trợ cấp của Nhà nước, gây bất bình trong dư luận và giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước. Trực tiếp xuống cơ sở, đại biểu mới thấy vẫn còn những hộ dân nghèo thực sự do ốm đau, bệnh tật, ở trong những túp lều tạm bợ... nhưng do công tác điều tra của địa phương làm chưa tốt nên họ nằm ngoài danh sách những gia đình được xóa nhà ở tạm. Các đại biểu cũng phát hiện ra huyện Lục Nam, Bắc Giang có rất nhiều cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng cơ sở hạ tầng như cứng hóa đường giao thông thôn, kênh mương; Hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, lớp học...; Mức hỗ trợ từ 20-40% tổng giá trị xây lắp công trình. Nhưng khi đến được công trình, mức hỗ trợ chỉ còn từ 10-20%; Không phải do thất thoát, tham ô mà cơ bản là do thủ tục, quy trình thiết kế và thẩm định thiết kế. Thực tế còn có một số công trình như lớp học cắm bản xây dựng chưa phù hợp, hiệu quả không cao. Đến với dân các ĐB mới thấy họ rất cần một con đường vượt lũ để bảo đảm giao thông trong những ngày mưa lũ, mới thấu hiểu đời sống của đa số giáo viên mầm non ngoài công lập với mức lương 290.000đ/tháng thực sự khó khăn...
      Các đại biểu dân cử đã lắng nghe dân nói, tiếp thu, phân loại các ý kiến của cử tri, và gửi đến các cơ quan, các ngành chức năng xem xét, trả lời. Đồng thời, Thường trực HĐND nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cùng với UBND giải quyết những bức xúc tại cơ sở. Việc làm này đã tạo được sự thống nhất giữa HĐND và UBND huyện Lục Nam, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện nghiêm túc.
      Năm 2006, HĐND huyện Lục Nam đã làm được nhiều việc hữu ích từ kết quả của những cuộc TXCT tại các thôn bản. Thực hiện kiến nghị sau TXCT, UBND đã chỉ đạo các xã rà soát lại các hộ nghèo không để sót, không để hộ nghèo không có nhà ở. Đến nay cơ bản Lục Nam đã xóa xong nhà ở tạm cho người nghèo. Từ phát giác của nhân dân, HĐND huyện đã yêu cầu ngành chức năng vào cuộc, điều tra khám phá một số đối tượng có liên quan đến tổ chức làm hồ sơ thương binh giả, lấy lại được niềm tin trong nhân dân; Xây dựng được bộ thiết kế mẫu nhà văn hóa thôn, bêtông hóa đường giao thông thôn xóm. HĐND đã thông qua NQ về trích ngân sách trợ cấp cho giáo viên mầm non ngoài công lập bảo đảm mức lương tối thiểu; Có ý kiến với các cơ quan chức năng điều chỉnh thuốc chữa bệnh phát không cho người nghèo; Chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cơ quan BHXH, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước. Cũng từ ý kiến của dân, con đường vượt lũ bằng nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đã hoàn thành, đem lại niềm vui cho nhân dân vùng Yên Sơn, Vũ Xá.
      Hiện nay trình độ dân trí được nâng cao, thông qua TXCT ở thôn bản, đại biểu tiếp thu được những ý kiến chân thành, thẳng thắn, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhờ đó, các quyết sách của HĐND sẽ phù hợp với thực tế và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Luyện Hạnh