Tìm hướng đi cho cây tràm Long An

02/03/2007 00:00

Đối với những vùng nhiều phèn, khai thác trồng trọt không hiệu quả, việc kết hợp trồng rừng tràm, nuôi thủy sản và du lịch sinh thái cũng là hướng đi đầy khả quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là tỉnh cần ổn định quy hoạch vùng nguyên liệu và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân gắn bó với rừng tràm, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế.

      Mất vị trí độc tôn...
      Cây tràm là loại cây đặc trưng vùng đất phèn trũng Đồng Tháp Mười. Những năm trước đây, cây tràm đem lại hiệu quả kinh tế cao, là nguồn thu nhập chính của người dân vùng này. Thời điểm năm 2001-2002, mỗi ha tràm cừ có giá bán trước từ 50-70 triệu đồng. Sự độc quyền cung cấp cho thị trường ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh đã đẩy giá cây tràm cừ ngày càng cao, có những thời điểm 1ha tràm cừ trên 5 tuổi có thể bán được trên 150 triệu đồng. Phong trào trồng tràm phát triển rầm rộ tại nhiều địa phương, trung bình mỗi năm người dân trồng mới từ 500- 700 hecta tràm và đã xuất hiện nhiều tỷ phú phất lên từ kinh doanh cây tràm cừ. Trước hiệu quả kinh tế cao của cây tràm, tỉnh Long An đã có chủ trương giữ khoảng 70.000 ha rừng đến năm 2010 thông qua các chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng với các dự án trồng rừng phòng hộ biên giới, dự án trồng cây theo đai tuyến cản lũ và khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. 
      Ở Long An, cây tràm là loại cây chủ lực, chiếm khoảng 50% loại cây phân tán. Năm 1998, toàn tỉnh chỉ có gần 36.000 ha đến năm 2005 diện tích rừng đã nâng lên gần 69.000ha, tập trung tại một số huyện Thạnh Hoá, Đức Huệ, Thủ Thừa...  Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, giá cây tràm cừ có dấu hiệu chững lại và bắt đầu tuột dốc nhanh chóng. Nhiều hộ dân đã phá dần cây tràm chuyển sang trồng các loại rau màu và các cây có giá trị kinh tế khác mặc dù chi phí phá bỏ rừng tràm rất tốn kém và thu nhập từ trồng các loại cây này chỉ bằng 1/5 so với trồng tràm... Để tránh tốn kém, có hộ đã tự ý đốt rừng tràm, dẫn đến mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chất lượng kém và đầu ra không ổn định của cây tràm. 
       Hướng đi cho cây tràm 
      Hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An có gần 67.000 ha rừng, chủ yếu là rừng tràm với 230 triệu cây tràm cừ được trồng phân tán. 2/3 giống tràm ở Long An thuộc loại tốt nhất trong cả nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc tiếp tục phát triển, củng cố địa vị của cây tràm theo hướng sử dụng làm nguyên vật liệu như trước đây là rất khó có thể thực hiện được, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và không thể cạnh tranh được với các loại vật liệu ngoại nhập giá rẻ hơn. Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Long An cần sớm chỉ đạo, đề ra những giải pháp khả thi, tìm ra những hướng đi mới để giữ được loại cây chủ lực của địa phương, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng vốn có của cây tràm, đảm bảo đời sống cho người dân. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, hứa hẹn tương lai sáng sủa cho cây tràm như có thể khai thác để làm gỗ ép, ván dăm và bột giấy... Hiện, một vài công ty trong và ngoài nước đã có ý định đầu tư, khai thác cây tràm làm bột giấy và chế biến ván dăm. 2 dự án khai thác tràm theo hướng trên đang bắt đầu triển khai tại huyện Thạnh Hoá và Bến Lức. Hơn nữa, loại tràm gió mọc rất nhiều ở Đồng Tháp Mười được xem là loại cây cho tinh dầu rất quý. Giống tràm này hiện đang được Trung tâm Nghiên cứu phát triển, bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười và Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen bảo tồn phục vụ trong lĩnh vực y học. Bên cạnh đó, công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đồng Tháp 4, Lâm trường Vĩnh Lợi; Lâm trường Tân Thạnh, Công ty TNHH Lâm Hải, Nông trường Tân Thành... đã bước đầu khai thác, tận dụng những đặc tính vốn có của cây tràm để kinh doanh sản xuất, đạt kết quả, đặc biệt Lâm trường Vĩnh Lợi (Tân Hưng) đã thực hiện thành công mô hình giữ rừng và phát triển kinh tế rừng. Lâm trường đã tận dụng hệ thống kênh mương sẵn có để rửa phèn, thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng đồng thời kết hợp khai thác và trồng rừng mới. Đến nay, toàn bộ diện tích của lâm trường đều phủ màu xanh của cây tràm cừ. Đời sống của công nhân ngày càng được nâng cao với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/ tháng. Đây là một mô hình kinh tế cần được phát triển và mở rộng.
      Đối với những vùng nhiều phèn, khai thác trồng trọt không hiệu quả, việc kết hợp trồng rừng tràm, nuôi thủy sản và du lịch sinh thái cũng là hướng đi đầy khả quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là tỉnh cần ổn định quy hoạch vùng nguyên liệu và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân gắn bó với rừng tràm, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bảo Lâm