Lấy thơ Đường đặt tên mới cho vợ

11/02/2007 00:00

Mao Trạch Đông (sinh năm 1893) quê Thiều Sơn, Tương Đàm, Hồ Nam, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc. Sinh thời, Mao Chủ tịch có 3 đời vợ: bà thứ nhất do cha mẹ ông dựng cho ở quê; Bà thứ 2 là nữ chiến sỹ hồng quân, lấy khi đi vạn lý trường chinh. Khi bà 2, Hạ Tử Trân, ốm phải sang chữa bệnh lâu dài bên Liên Xô, các chiến hữu của Mao đã đưa một cô gái Thượng Hải vào chiến khu Diên An tiếp cận Mao Chủ tịch (khi ấy là Chủ tịch chính phủ công nông)..., đó là diễn viên Lam Bình, đã ly hôn với 1 nam diễn viên. Rồi 2 người yêu và cưới nhau.

   

      Mao vốn giỏi về thơ từ, nhân duyên mới, Mao quyết định đổi tên cho vợ mới cưới: lấy chữ từ “Đường thi” ra mà đặt... đó là 2 câu thơ của quỷ thần mà thi sỹ Trương Tịch (đời Đường) nghe được:
               Khúc chung nhân bất kiến
               Giang thượng sổ phong thanh
      Chẳng biết Mao đọc tự bao giờ mà bị cái thần vận của câu thơ ngàn năm ám ảnh hiện ra khi bị người đẹp Lam Bình (không mặc quần áo nữ hồng quân mà lại mặc áo sơmi hồng Thượng Hải đầy gợi cảm) hớp hồn vị lãnh tụ nông dân Hồ Nam.
      Xuất xứ 2 câu thơ trên là từ Tiền Khởi một thần đồng ở quận Ngô Hưng (nay là TP Tô Châu, Chiết Giang) sinh khoảng 707 – 710, sống thọ 70 tuổi. Một lần Tiền Khởi đáp thuyền lên Bắc, đến Trường An dự thi. Đến Nhạc Châu (nay là Nhạc Dương, Hồ Nam – quê Mao Trạch Đông nay cũng ở Hồ Nam), Tiền Khởi dừng thuyền lên bờ thăm danh thắng cổ tích gần hồ Đông  Đình. Màn đêm buông xuống, chị Hằng nhô lên trên mặt sông... Tiền Khởi nổi hứng thơ, khoác áo ra khỏi nhà, ngâm thơ ở trong đình Chiết Liễu. Theo truyền thuyết, lúc Tiền Khởi ngâm đọc thơ mới của mình, bỗng nghe thấy từ trong Viện Lạc gần bên cũng vọng ra tiếng ngâm thơ. Tiền Khởi nín thở lắng nghe, nhưng rất tiếc chỉ nghe rõ 2 câu cuối cùng:
               Khúc chung nhân bất kiến
               Giang thượng sổ phong thanh
              (Người đàn (ở) đâu chẳng thấy
              Trên sông (nổi) mấy ngọn núi xanh)
      Tiền Khởi rất ngạc nhiên, tán thưởng 2 câu thơ đã tả được cái thần diệu ảo ảo thực thực mơ hồ trong cái tĩnh lặng trên dòng sông trăng như dải lụa nhuộm sắc núi xanh. Tiền Khởi vén áo, cất bước đến Viện bên với ý muốn thăm hỏi thi hữu, cùng đàm đạo văn chương. Nhưng thật kỳ lạ, ông tìm khắp Viện bên mà không thấy ai. Vừa trở lại nơi Viện mình đang ở thì lại nghe thấy tiếng ngâm thơ ở Viện bên vang lên mà nghe được rõ nhất vẫn là 2 câu cuối đó. Tiền Khởi lại một lần nữa đến, lần này ông tìm kiếm kỹ càng hơn, nhưng vẫn không thấy một người nào. Tiền Khởi thầm nghĩ chắc là mình gặp quỷ thần, sợ đến hồn xiêu phách lạc, chạy về phòng, nhưng đuổi theo vẫn là tiếng ngâm thơ của “quỷ thần”, cái văng vẳng nghe rõ vẫn là 2 câu thơ đó.
      Năm Thiên Bảo thứ 9 đời vua Đường Huyền Tông (Minh Hoàng) năm 750, Tiền Khởi đi thi tiến sỹ ở Trường An. Trường thi thời bấy giờ tổ chức giống các trường thi hương ở nước ta xưa. Đệ nhất trường (tức bài thứ nhất, hỏi về sử hoặc chính trị). Đệ nhị trường là một bài về tứ thư, ngũ kinh. Đệ tam trường là 1 bài thơ (hoặc phú) và 1 bài luận về chính trị (kiến thức trị dân). Một trong những đề thi thơ năm ấy là “Tương Linh cổ sắt” (Tương Linh đánh đàn sắt). Tiền Khởi không cần suy nghĩ nhiều, lấy bút lông chấm mực “thảo” ngay một mạch:
               Thiên cổ Vân Hòa sắt
               Thường vãn đế tử linh
               Phùng đi không tự vũ
               Sở khách bất kham thinh
               Khổ điệu thê kim thạch
               Thanh âm nhập diễn minh
               Thương ngô lai oán mộ
               Bạch chỉ động phương hinh
               Lưu thủy thuyền Tiêu phố
               Bi phong quá Động Đình
      Dịch ý: 
               Giỏi đánh đàn sắt Vân Hòa
               Thường nghe con vua tên là Tương Linh
               Phùng Di nghe phải tự múa
               Khách nước Sở không đành lòng nghe
               Giai điệu khổ đau làm tê vàng đá
               Tiếng hòa vào khoảng tối lờ mờ
               Niềm mến mộ và oán hận đến từ Thương Ngô
               Cây bạch chỉ cũng động lòng tỏa hương thơm
               Nhưng dòng nước chảy lan đến tận Tiêu phố
               Như gió buồn thổi qua hồ Động Đình...
      Viết đến đây, Tiền Khởi thấy hẫng (cụt hứng) dừng bút, còn 2 câu kết thì hoàn chỉnh bài để nộp quyển. Tiền Khởi đặt bút xuống, khẽ ngâm đọc lại bản thảo thơ... đột nhiên 2 câu thơ nghe được trong đêm trăng bên Viện Lạc ở Nhạc Châu hồi nọ, 2 câu thơ “quỷ thần” tự vang lên trong đầu... Tiền Khởi cao hứng cầm bút lên viết tiếp 2 câu cuối cùng:
               Khúc chung nhân bất kiến
               Giang thượng sổ phong thanh
      Quan chủ khảo Lý Vi xem bài thơ của Tiền Khởi, nhất là 2 câu cuối cùng, cao hứng đến vỗ bàn khen “tuyệt”! nói: “Thơ này tưởng tượng dong ruổi, lên trời xuống đất như vào chỗ không người (ma quỷ linh thiêng), vốn là tiếng nhạc vô hình, trải qua sự miêu tả của thi nhân, trở thành cái nhìn thấy được (hình tượng thơ), nghe thấy được (nhạc điệu trong thơ), cảm thấy được. 10 câu trên tóm chặt đề mục, lần lượt tô điểm thêm, miêu tả cặn kẽ thấu đáo, tình cảnh sinh động lòng người của Tương Linh đánh đàn sắt. Nhất là 2 câu cuối cùng, càng có thần vận, quả có thể gọi là thần bút! Lý Vi lập tức quyết định lấy Tiền Khởi đỗ đầu (Trạng Nguyên). Các quan chức cùng chủ trì việc này, đều cho rằng: thơ tỉnh thi theo lệ không được phép dùng 2 chữ trùng nhau, mà hiện tại trong thơ Tiền Khởi dùng 2 chữ “bất” trùng nhau, nếu lấy đỗ Trạng nguyên, quả thực có chỗ không ổn. Kết quả Tiền Khởi đỗ với tên đứng thứ 6 ở bảng vàng.
      Xin tạm dịch toàn bài thơ:
               Tương Linh đánh đàn sắt
               Tay giỏi đánh đàn sắt
               Thường nghe Thái tử Linh
               Khiến Phùng Di tự múa
               Khách Sở khó vô tình
               Điệu khổ tê vàng đá
               Âm vang cõi u minh
               Thương Ngô hờn mến mộ
               Bạch chỉ phóng hương linh
               Khúc tàn, người chẳng thấy
               Trên sông mấy non xanh
                                    (NK)
      Điều kỳ lạ là: sau Tiền Khởi hơn 1.200 năm, Mao Trạch Đông (không hiểu do đâu) lại lấy chữ từ 2 câu thơ quỷ thần nói trên để đặt tên cho vợ mình là Giang Thanh... để rồi người đẹp tài sắc khuynh thành ấy lại có một số phận không khác nào Dương Quý Phi của ông vua tài hoa Đường Minh Hoàng ngày xưa (thời thi sỹ Tiền Khởi đi thi tiến sỹ).

Nguyễn Khôi