Chế độ của giáo viên vùng sâu, vùng xa chậm được giải quyết
Nhà nước coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, do vậy ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới sách giáo khoa, cải tiến phương pháp dạy và học... thì việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục là rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, một số địa phương chưa giải quyết tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên theo quy định.

Ở một huyện thuộc tỉnh Kon Tum giáo viên cho biết, nhiều khoản phụ cấp, tăng lương, phụ cấp đứng lớp cho giáo viên... chưa được cơ quan có trách nhiệm giải quyết kịp thời, đúng chế độ hiện hành. Mặc dù Chính phủ đã nâng mức lương tối thiếu lên 450.000 đồng từ tháng 10.2006, nhưng hiện nay giáo viên nhiều nơi vẫn chỉ được hưởng theo mức lương tối thiểu là 350.000 đồng, nhất là các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và những trường chưa có tài khoản riêng, chưa có kế toán chuyên trách. Tiền phụ cấp đứng lớp cho giáo viên cũng thường bị “nợ”. Phụ cấp của giáo viên THCS trước đây là 70%, sau đó giảm xuống 35%, từ tháng 5.2006 lại nâng lên mức 70%. Nhưng cho đến nay, nhiều giáo viên vẫn chưa được giải quyết chế độ này, nhất là ở các huyện vùng cao, vùng khó khăn. Có trường hợp giáo viên thắc mắc, lãnh đạo nhà trường giải thích tiền đó đã đưa vào hoạt động thường xuyên của trường hoặc bù cho những trường hợp thiếu giờ...(!?).
Từ năm 2004, nhiều giáo viên chính thức được nâng ngạch từ hưởng chế độ lương cao đẳng A0 (Bậc 1: 2,10) lên ngạch đại học A1 (Bậc 1: 2,34) nhưng đến nay nhiều người vẫn chưa được truy lĩnh tiền tăng bậc, ngạch.
Theo quy định của ngành giáo dục thì khi giáo viên dạy vượt quá số giờ theo định mức, sẽ được hưởng tiền dạy thêm giờ (nhiều hay ít phụ thuộc vào ngạch, bậc, nhưng theo nhiều giáo viên thì từ vài năm trở lại đây họ chưa được nhận tiền thừa giờ, dù số giờ dạy ngoài định mức lên đến hàng trăm giờ.
Có giáo viên trước đây công tác tại xã thuộc diện khó khăn được ưu đãi theo Chương trình 135 của Chính phủ, nay chuyển công tác đến xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trong cùng một huyện, nhưng từ khi chuyển trường đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi theo Chương trình 135.
Như vậy, chỉ cần chậm thực hiện các chế độ, chính sách trong vòng 2 năm, tính sơ sơ các cơ quan có trách nhiệm đã “nợ” giáo viên này số tiền không nhỏ chưa kể các khoản khác như: Công tác phí, nghỉ dưỡng sức, tiền nghỉ phép... hầu như không được thanh toán.
Theo chúng tôi, trước mắt các trường, các cơ quan quản lý giáo dục nên để giáo viên tự khai về các chế độ chưa được giải quyết, sau đó tập hợp lại, trình cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, tránh trường hợp để quá lâu ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thực của họ. Thứ hai, cần sớm bổ sung cho các trường học kế toán chuyên trách (có thể thực hiện theo biên chế hoặc hợp đồng) để có thể thực hiện việc chuyển kinh phí, mở tài khoản riêng cho tất cả các trường thực hiện tốt chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên; Đồng thời, giúp các trường thực hiện đúng chế độ tài chính, kế toán hiện hành như chế độ bảo hiểm, thu chi tài chính trong nhà trường... Thứ ba, các cơ quan chức năng (Phòng GD, Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT) hàng năm cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà nước để có sự thống nhất trong việc thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, tránh trường hợp lợi dụng sự thiếu cụ thể của các văn bản pháp luật và thiếu thông tin mà gây khó khăn, thiệt thòi cho đội ngũ giáo viên.
Các cấp có thẩm quyền nên sớm xem xét, giải quyết dứt điểm các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp họ yên tâm công tác.
Phạm Văn Chung