Thế hệ mới của điện ảnh Nga

23/01/2007 00:00

Kiev là một thành phố vẫn còn nín thở từ sau Cách mạng Cam. Dòng người lặng lẽ tuôn ra từ các ga tàu điện ngầm, khuôn mặt được che kín. Trên đường phố, hiếm khi bắt gặp các hình ảnh ồn ào. Thế nhưng, thủ đô đồi núi của Ukraine vẫn tráng lệ: các nhà thờ, lâu nay việc hành lễ bị cấm đoán, giờ đã đầy kín và các rạp chiếu phim, lúc này, cũng vậy.

       Ra đời từ năm 1970, liên hoan phim quốc tế Molodist được tổ chức tại đây dành cho những nhà làm phim trẻ, đặc biệt hướng đến những nền điện ảnh đang lên của Đông Âu, nơi những bộ phim thường là tiếng dội từ lịch sử đất nước trong thời kỳ Xô Viết. Tháng trước, tại liên hoan này, giải thưởng lớn được trao cho bộ phim 12:08 phía Đông Bucharest (12:08 East of Bucharest), một phim hài của đạo diễn Rumani, Corneliu Porumboiu, kể về sự sụp đổ của một chính thể; và giải phim truyện hay nhất thuộc về Hạnh phúc ngắn ngủi (Euphoria) của đạo diễn người Nga, Ivan Vyrypaev, một cái nhìn thi vị và phá cách về nước Nga ngày nay. Đạo diễn 32 tuổi này cũng là một diễn viên và từng được biết đến qua một tác phẩm sân khấu: vở kịch Oxygene của anh đã được dựng ở hơn 10 quốc gia và hiện đang được đưa lên sân khấu nhà hát Cité International tại Paris. Hạnh phúc ngắn ngủi là bộ phim đầu tay của Vyrypaev.
      Alexey German Jr, năm nay 30 tuổi, con của đạo diễn huyền thoại Alexei Guerman, cũng thuộc vào thế hệ mới các nhà làm phim Nga, năm nay ngồi trên ghế giám khảo quốc tế. Sau những cân nhắc thận trọng, anh đã đưa ra nhận định về sự lựa chọn của ban giám khảo và quan điểm của mình về điện ảnh Nga đương đại. German bị lay động bởi Hạnh phúc ngắn ngủi, một bi kịch tình yêu bên dòng sông Đông, với những nhân vật đắm mình trong đất đai bất tận, xa cách với văn minh và cũng xa cách nhau. “Mọi người đều biết, giờ đây Nga sản xuất các phim đồ sộ theo kiểu Hollywood, những bộ phim yêu nước, có thể là quá yêu nước. Chẳng có nhiều nhà làm phim có giọng điệu và phong cách riêng”, German nói.
      Nhưng vẫn còn một vài người, trong đó có German Con: bộ phim truyện đầu tiên của anh Chuyến tàu cuối cùng (The Last Train), đã giành được giải thưởng tại các liên hoan phim Moscow, Thessaloniki và Rotterdam. Bộ phim đen trắng về viên bác sĩ người Đức giành giật lại các mạng sống tại mặt trận Nga, được chào đón như một cách xử lý táo bạo bất thường về Thế chiến II.
      Liên hoan phim Venice cũng là mảnh đất khởi đầu cho điện ảnh Nga đương đại. Tại đây, bộ phim Trở về (The Return) của đạo diễn Andrei Zviaguintsev đã được trao giải Sư tử Vàng, một cú đột phá khiến nền điện ảnh nước này có thể tiếp tục sự nghiệp quốc tế mà trước đó một vài bộ phim đã mang lại. “Vấn đề là khán giả châu Âu có xu hướng cố định chúng tôi vào các thể loại phim thương mại hoặc thuần túy nghệ thuật, thế nhưng chúng tôi không nhất thiết sa vào hai lĩnh vực đó”, German nói. “Tuy nhiên, tại liên hoan lần này, tôi thấy quá nhiều phim làm giống nhau – máy quay không di chuyển. Nếu đấy là nhà hát của nghệ thuật, tôi không thích điều đó. Với tôi, Bergman và Fellini có ảnh hưởng toàn cầu, và đó không phải là những đạo diễn làm theo cung cách như vậy”.
      Các bộ phim Nga, mặc dù được chào đón và trao giải, hiếm khi lọt vào các rạp chiếu phim nước ngoài, thậm chí là các rạp chuyên trình chiếu các bộ phim nghệ thuật. Phim của họ chủ yếu bị sao chép lậu qua DVD, điều mà không nhà làm phim trẻ nào mong muốn. Paris từng có một rạp, rạp Cosmos, dành riêng cho các bộ phim Nga; thế nhưng, tại Paris hiện nay, mỗi năm chỉ có một vài bộ phim như vậy được chiếu. Cho dù nhiều đạo diễn như Pavel Lounguine và Alexander Sokurov, các tinh tú của thời Cải tổ, có một sự nghiệp điện ảnh rực rỡ, nhưng các nhà phân phối vẫn ngần ngại nắm bắt cơ hội này. 
      Hợp tác sản xuất cũng là một cách đảm bảo cho phim ảnh được phân phối rộng rãi hơn và điều này khuyến khích “tương lai các bộ phim của chúng tôi”, German nói. “Tôi đang bắt đầu làm một bộ phim mới, trong đó nhà nước chỉ cấp kinh phí có 1 triệu đô la, phần lớn số còn lại được tài trợ từ phương Tây”.
      German lớn lên ở Saint Petersburg, nơi cha anh là một động lực sáng tạo của hãng Lenfilm, còn ông nội, Pavel Guerman, là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng trong đó có Bạn tôi Ivan Lapshin (My Friend Ivan Lapshin) đã được con trai ông, Alexei Guerman, chuyển thể thành phim vào năm 1982. Truyền thống gia đình phảng phất trong các phim của German dưới cái nhìn vào quá khứ đất nước. Bộ phim gần đây nhất của đạo diễn trẻ này, Garpastum, năm 2005, lấy bối cảnh thời gian trước Thế chiến I, giai đoạn chế độ Nga hoàng sụp đổ. 
      Cha German, đạo diễn Alexei Guerman, một tên tuổi mà nhiều người ngưỡng mộ, được biết đến bởi các trường đoạn đặc biệt và khoảng thời gian dài đến khác thường giữa các bộ phim. Tác phẩm mới nhất của ông, Khrustalyov, Chiếc xe của tôi (Khrustalyov, My Car) tranh giải Cannes năm 2003, phải ngừng trệ nhiều năm bởi các vấn đề sản xuất. Trong liên hoan lần này, bộ phim ít người xem nhưng lại nhận được nhiều lời khen trên báo chí từ các nhà phê bình hàng đầu như Jonathan Rosenbaum của tờ Chicago Reader và J. Hoberman của tờ The Village Voice. Hoberman viết: “Mất nhiều năm để sản xuất, ảo ảnh hoang mang này là một trong những bộ phim lớn của thập kỷ”. Guerman bắt đầu làm Khrustalyov, Chiếc xe của tôi trước khi Liên Xô tan rã và phải mất nhiều năm sau, khi các nhà sản xuất phim người Pháp bước vào cùng hợp tác, bộ phim mới được hoàn thành. Hiện Guerman cũng đang kết thúc một dự án dài hơi khác, Thật khó để trở thành Chúa (It’s hard to be a God), một phim dựa theo thiên anh hùng ca lừng danh của Arkadi và Boris Strugatsky.
      Gia đình Guermans là một trường phái khác hẳn với các nhà làm phim Konchalovsky- Mikhalkov. “Tôi vừa mới đọc một bài báo của Mikhalkov nói rằng đã qua rồi giai đoạn nói về lịch sử và đây là thời điểm dựng xây”, German nói. “Nhưng dòng văn hóa sâu sắc và chân thật của chúng tôi, trong văn học cũng như điện ảnh, là kể về nỗi đau của đất nước”.

Theo IHT